Gia đình bị cáo Nguyễn Bắc Son đã khắc phục 21 tỷ đồng
15h10: Sau khi đại diện VKS tiến hành đối đáp, lần lượt các luật sư Phạm Công Hùng (bào chữa cho bị cáo Son) và các luật sư khác tiến hành đối đáp lại.16h20: Sau khi, các luật sư tiến hành phần đối đáp, HĐXX đã mời đại diện VKS đối đáp lại. Đại diện VKS cho rằng, cần đối đáp lại vai trò của bị cáo Nguyễn Bắc Son.
Vị này nêu, sáng nay (23/12), bị cáo Son đã có đơn thỉnh cầu và thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng đã truy tố. Đại diện VKS đề nghị bị cáo Son có đồng ý với ý kiến bào chữa của luật sư không và có muốn tranh luận lại không?
Bị cáo Son sau đó đứng dậy trả lời, trong giai đoạn điều tra có một số ý kiến khác nhưng giai đoạn cáo trạng đã rõ và sáng nay, bị cáo đã có đơn thỉnh cầu. Ngay sau đó, thẩm phán Trương Việt Toàn cho hay, đến giờ phút này, gia đình bị cáo Nguyễn Bắc Son đã khắc phục được 21 tỷ đồng.
Chủ tọa phiên tòa Nguyễn Thị Xuân Thu cho biết thêm, gia đình bị cáo Son có nộp một số chứng từ chuyển tiền. Trong đó, anh Trần Quang Hưng (con rể ông Son) cho hay, lý do nộp tiền là theo ý nguyện của bị cáo Nguyễn Bắc Son trong vụ MobiFone mua AVG. Ngoài anh Hưng còn có một số người khác đã nộp tổng số 21 tỷ đồng.
16h30: Sau khi đại diện VKS đối đáp, thẩm phán Trương Việt Toàn cho rằng, không cần đối đáp thêm và tuyên bố kết thúc phần tranh luận, chuyển sang nghị án. Tuy nhiên, do thời gian muộn nên 8h sáng mai, các bị cáo sẽ nói lời sau cùng trước khi HĐXX nghị án.
Gia đình bị cáo Nguyễn Bắc Son đã bồi thường 21 tỷ đồng
Việc bị cáo Son không nộp lại 3 triệu USD là do gia đình
Tại biên bản đối chất ngày 14/6/2019, giữa Nguyễn Bắc Son và con gái có sự giám sát của KSV, Nguyễn Thị Thu Huyền đã có ý kiến: “Ngày 20/3/2019, tôi có được cơ quan CSĐT Bộ Công an mời đến trụ sở làm việc. Nội dung là bị cáo Nguyễn Bắc Son (bố tôi) có gửi bức thư cho vợ là bà Lưu Thị Lý (mẹ tôi). Do mẹ tôi sức khỏe yếu nên cơ quan điều tra đã chuyển bức thư cho tôi đọc và chuyển tải cho mẹ tôi biết”.
Tuy nhiên, theo đại diện VKS, đến thời điểm đó, gia đình bị cáo Nguyễn Bắc Son vẫn không nộp tiền khắc phục theo nguyện vọng của bị cáo.
Ngày 2/8/2019, điều tra viên đã cho bị cáo gặp vợ và gia đình gồm vợ, con trai tại trại tạm giam T16, kiểm sát viên, cán bộ quản giáo. Tại buổi làm việc, bị cáo Son tiếp tục có ý kiến đề nghị gia đình giúp khắc phục số tiền 3 triệu USD và thông báo cho con gái là Nguyễn Thị Thu Huyền biết việc này, nộp trả lại số tiền 3 triệu USD đã nhận từ bị cáo.
Đại diện VKS thông tin, bà Lưu Thị Lý - vợ bị cáo Nguyễn Bắc Son có ý kiến, cụ thể: "Hiện bà đang có sổ tiết kiệm hơn 2 tỷ đồng và là tiền cá nhân, không liên quan đến ông Son. Bà Lý giữ số tiền này sử dụng cá nhân. Việc yêu cầu gia đình khắc phục hậu quả không có khả năng thực hiện. Bà Lý dùng số tiền này để thuê luật sư cho ông Son".
Thậm chí, theo đại diện VKS, trong quá trình điều tra, bị cáo Son đề nghị điều tra viên, KSV kê biên diện tích đất mang tên quyền sở hữu của bị cáo ở huyện Chương Mỹ (Hà Nội).
"Tuy nhiên, cơ quan điều tra va VKS thấy, đây là diện tích đất, hương hỏa của cha ông bị cáo để lại nên không kê biên. Như vậy, việc bị cáo Son không nộp lại khoản tiền 3 triệu USD nhận của bị cáo Vũ là do gia đình như cáo trạng nêu là chính xác", đại diện VKS nêu rõ.
VKS đề nghị LS của bị cáo Son nghe kỹ nội dung bản luận tội
14h15: Đại diện VKS bắt đầu tiến hành đối đáp lại với phần bào chữa của các bị cáo, luật sư. Đối với bị cáo Nguyễn Bắc Son, theo đại diện VKS, tại phiên tòa bị cáo đã khai nhận hành vi bị VKS truy tố theo tội danh ở điều 220 và 324 là đúng, thừa nhận vai trò chỉ đạo xuyên suốt dự án, định hướng, chỉ đạo quyết liệt dự án.
Tuy nhiên, các luật sư của bị cáo Son cho rằng, VKS đánh giá vai trò của bị cáo Son chưa đúng, bị cáo không phải là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ đạo quyết liệt và quá trình điều tra vi phạm tố tụng hình sự. Đại diện VKS đã đề nghị luật sư nghiên cứu nội dung cáo trạng, nghe kỹ nội dung bản luận tội.
"Cáo trạng, luận tội chưa bao giờ quy kết bị cáo Nguyễn Bắc Son giữ vai trò chủ mưu cầm đầu mà chỉ đánh giá vai trò của bị cáo Son là người định hướng, chỉ đạo xuyên suốt, quyết liệt trong quá trình thực hiện dự án.
Tuy nhiên, sáng nay, VKS nhận được đơn thỉnh cầu của bị cáo Son, trong đó, có nội dung, bị cáo đã nhận là người đứng đầu, trực tiếp chỉ đạo từ đầu đến cuối dự án. Bị cáo xin nhận trách nhiệm chính về việc đã xảy ra sai phạm này. Do đó, VKS không tranh luận thêm về vấn đề này", đại diện VKS nêu rõ.
VKS yêu cầu luật sư của ông Nguyễn Bắc Son nghe kỹ nội dung bản luận tội
Về việc luật sư cho rằng, quá trình điều tra, cơ quan điều tra có hiện tượng bưng bít thông tin, không thông báo bức thư bị cáo Nguyễn Bắc Son gửi vợ mà đưa vào hồ sơ vụ án dẫn đến khó khăn cho bị cáo khắc phục hậu quả, đại diện VKS nêu rõ:
"Bức thư bị cáo Nguyễn Bắc Son gửi vợ không phải là lá thư tình mà nó là tài liệu chứng cứ của vụ án, do vậy, phải được thu thập đưa vào hồ sơ vụ án theo đúng quy định của pháp luật. Riêng bị cáo Nguyễn Bắc Son có ý thức về việc nộp tiền khắc phục hậu quả như cáo trạng đã nêu là đúng và chứng minh qua các biện pháp tố tụng dưới sự kiểm sát của kiểm sát viên."
Về ý kiến của luật sư Phạm Công Hùng bào chữa cho bị cáo Son cho rằng, biên bản hỏi cung bị can ngày 17/5/2019, điều tra viên không thực hiện việc hỏi và đáp mà có dấu hiệu tẩy xóa chữ viết của luật sư, đại diện VKS nêu, qua kiểm tra thấy, biên bản ghi lời khai nêu trên được đánh số bút lục từ 87 đến 900 có trong hồ sơ vụ án và VKS đã photo bản cung này.
Đánh giá bản này, VKS thấy rằng, điều tra viên đều thực hiện lấy lời khai, có hỏi đáp đối với bị cáo và sự tham gia của kiểm sát viên, luật sư. Bị can Nguyễn Bắc Son đã tự ghi đã đọc lại biên bản và ghi đúng lời khai.
“Việc luật sư cho rằng, có sự tẩy xóa nhưng không có căn cứ để chứng minh. Bên cạnh, đó nội dung biên bản không ảnh hưởng đến nội dung bị cáo Son khai trong phần hỏi cung. Vì vậy, ý kiến của luật sư không có căn cứ”, đại diện VKS nêu và đề nghị luật sư, nếu thấy điều tra viên vi phạm cần có ý kiến ngay hoặc thực hiện quyền theo đúng bộ luật Tố tụng hình sự.
Luật sư bào chữa cho bị cáo Phạm Nhật Vũ
11h: Thẩm phán Trương Việt Toàn cho biết, đối với bị cáo Phạm Nhật Vũ, cựu Chủ tịch AVG hiện đang nằm viện nên giữ nguyên các lời khai tại cơ quan điều tra, phiên tòa và do đang nằm viện nên có đơn xin vắng mặt tại phần tự bào chữa. Thẩm phán Toàn cho hay, việc bị cáo Vũ nằm viện có xác nhận của bệnh viện và đề nghị luật sư của bị cáo tiến hành bào chữa cho thân chủ. Ngay sau đó, luật sư của bị cáo Vũ tiến hành phần bào chữa.
Nêu quan điểm bào chữa, luật sư Trần Hoàng Anh cho hay, đến nay, ông Phạm Nhật Vũ không có ý kiến về tội danh bị truy tố mà chỉ mong HĐXX xem xét chứng cứ khách quan. Theo luật sư, đến nay không có chứng cứ nào thể hiện hai bên có sự hứa hẹn, thoả thuận về việc biếu tiền hay quà gì.
Thời điểm biếu tiền là sau khi việc mua bán đã xong, khoảng hai tháng và vào dịp Tết, nên theo luật sư, ông Vũ chủ quan, theo văn hoá Việt Nam thường biếu quà thể hiện tình cảm, tri ân mà không ý thức được hết việc biếu tiền này bị xem xét là hối lộ.
Vị luật sư này cũng nêu rõ, ngay khi dư luận dị nghị về việc giá mua bán cao, làm thất thoát tài sản Nhà nước, dù chưa cơ quan Nhà nước nào xác định ông Vũ có sai phạm gì, cũng không yêu cầu khắc phục gì, chưa khởi tố vụ án… nhưng ông Phạm Nhật Vũ đã thu gom hết tiền gia đình, vay mượn thêm (đến nay vẫn còn nợ khoảng 1000 tỷ) chủ động đề xuất xin huỷ hợp đồng chuyển nhượng, trả lại hết tiền đã nhận và nhận lại hết cổ phần.
Thậm chí để đảm bảo Nhà nước không bị bất cứ thiệt hại, tổn thất gì, ông Phạm Nhật Vũ đã trả thêm toàn bộ tiền lãi suất, chi phí thuê tư vấn và tất cả các chi phí phát sinh khác mà MobiFone đã chi cho việc mua bán với số tiền lên đến hơn 329 tỷ đồng.
Đại diện VKS của phiên xét xử
“Dù nằm ngoài phạm vi trách nhiệm của hợp đồng nhưng thể hiện sự ăn năn khi biết trong kho của MobiFone còn tồn đọng khoảng 120 tỷ đồng tiền thiết bị, vật tư tồn kho mà MobiFone đã đầu tư mua sắm sau khi đã nhận chuyển nhượng, ông Phạm Nhật Vũ đã hỗ trợ mua lại hết số thiết bị, vật tư này, đảm bảo triệt để không để xảy ra bất cứ tác hại nào dù nhỏ nhất cho Nhà nước. Việc này trong kết luận điều tra, cáo trạng chưa ghi nhận nên đề nghị HĐXX ghi nhận thêm”, luật sư nêu.
Vị luật sư này cũng cho rằng, các chứng cứ trên đã chứng minh bản chất thân chủ không hề có chủ đích, không sắp đặt, không trù tính, mong muốn làm thất thoát tài sản Nhà nước và đã nhất tâm, trách nhiệm, ăn năn hối cải khi chấp nhận khó khăn về mình, kể cả vay nợ để khắc phục triệt để mọi thiệt hại, tác hại có thể xảy ra cho Nhà nước.
“Chính tinh thần trách nhiệm, tình cảm với đất nước càng rõ nét hơn và cũng là bản lĩnh dám đối mặt với sự thật, sẵn sàng chịu trách nhiệm, tận tâm khắc phục triệt để các hậu quả khi bản thân ông Vũ hoàn toàn có điều kiện không trở về Việt Nam để trốn tránh, thoái thác trách nhiệm, song ôngVũ vẫn quyết định chọn về Việt Nam để đối mặt và chủ động nhận trách nhiệm, tìm mọi cách khắc phục triệt để mọi thiệt hại cho Nhà nước”, luật sư này nêu thêm.
Nam luật sư nêu thêm, với diễn biến khách quan, bản chất vụ án, căn cứ vào các quy định của pháp luật cho thấy thân chủ hoàn toàn đáp ứng và cần được áp dụng 10 tình tiết giảm nhẹ.
Ngay trong vụ án này Đại sứ quán Liên bang Nga, ông Kirsan Ilyumzhinov, Tổng thống đầu tiên của Nước cộng hoà Kalmykia thuộc LB Nga, nhiều các tổ chức, cá nhân tiêu biểu của nước ngoài đã ghi nhận và có đơn xin khoan hồng cho ông Vũ. Vị luật sư nêu thêm, chính những việc làm thiện nguyện cụ thể, thiết thực một cách bền bỉ, nhất tâm hơn 20 năm qua đã chứng minh, thể hiện bản chất hướng thiện của ông Phạm Nhật Vũ.
"Chúng tôi cũng thông tin rõ rằng việc thiện nguyện này, được ông Phạm Nhật Vũ và gia đình thực hiện trong nhiều năm, từ nguồn tiền lao động kinh doanh trong mấy chục năm chứ không liên quan gì tới vụ án này. Việc này, thực hiện từ trước khi xảy ra vụ án rất lâu và duy trì cho tới hôm nay kể cả khi gia đình đang trong hoàn cảnh khó khăn.
Cũng chính vì thế, sau khi thân chủ chúng tôi bị bắt tạm giam, tính đến hết ngày 31/10/2019 đã có 1.731 cá nhân ký tên và hơn 300 tổ chức xã hội ở nhiều lĩnh vực đã xác nhận, xin bảo lãnh, xin khoan hồng cho ông Phạm Nhật Vũ", nam luật sư trình bày.
Luật sư mong HĐXX xem xét thấu đáo những nội dung trong đơn xin khoan hồng trình bày và thỉnh cầu của bà Kolmakova Ekaterina (vợ ông Vũ).
Theo đó, với tư cách người vợ có tài sản chung, dù có quyền từ chối trợ giúp, song bà Kolmakova Ekaterina đã nghe chồng, chọn cách hy sinh hết tài sản gia đình kể cả mang thêm một khoản nợ nghìn tỷ để cùng chồng quyết liệt khắc phục triệt để mọi hậu quả.
"Chúng tôi thấy việc miễn giảm trách nhiệm hình sự tối đa cho ông Vũ sẽ vừa là để động viên, khuyến khích, làm gương cho các vụ án khác, vừa đảm bảo đúng như cáo trạng đã đề nghị…" vị luật sư nêu thêm.
Cựu GĐ cty thẩm định AMAX sốc khi nghe mức án đề nghị
Sau khi bị cáo Phạm Đình Trọng kết thúc trình bày, HĐXX đã yêu cầu bị cáo Võ Văn Mạnh, cựu Giám đốc Công ty TNHH tư vấn đầu tư và thẩm định AMAX) trình bày. Bị cáo này cho rằng, cảm thấy hối hận với sai phạm đã mắc phải.
Tuy nhiên, khi đề nghị mức án của VKS đã cảm thấy sốc, buồn, nặng nề. Bị cáo Mạnh khẳng định, trong quá trình thực hiện thỏa thuận này không có bất cứ động cơ, mục đích vụ lợi nào. Quá trình thẩm định không liên lạc với MobiFone, AVG hay Bộ TT-TT. Bị cáo không được hưởng lợi và phí thẩm định hơn 400 triệu nằm ở quỹ công ty.
Bị cáo Mạnh cho rằng, đã hiểu nhận, thức được sai phạm của mình và không né tránh. Đông thời, có lẽ duy nhất là người miền Nam xa xôi, không có điều kiện thuận lợi như các bị cáo khác có nhiều tình tiết giảm nhẹ, để được hưởng sự khoan hồng. Bị cáo này bày tỏ, rất mong được sự khoan dung đặc biệt của HĐXX, để sớm trở về với gia đình.
"Mẹ bị cáo năm nay đã gần 90 tuổi rồi, đang phải sống một mình và đang mong bị cáo trở về. Bị cáo mong sớm được trở về với cộng đồng, xã hội, lao động, trở thành người có ích", bị cáo Mạnh khóc và nói.
Đến 10h05 bị cáo Hoàng Duy Quang (thẩm định viên công ty AMAX) trong phần tự bào chữa trước tòa cho rằng, bị cáo ý thức được sai phạm nhưng cảm thấy bất ngờ, vô cùng đau đớn khi nghe đại VKS đề nghị mức án. Bị cáo Quang nói, sinh ra trong gia đình Cách mạng, ông là thời kỳ chống Pháp, bố tham gia chống Mỹ. Việc để xảy ra sai phạm, bị cáo Quang cho hay, hoàn toàn không có động cơ, mục đích gì mà do yếu kém về chuyên môn, nghiệp vụ thẩm định doanh nghiệp.
“Gia đình bị cáo rất khó khăn, phải thuê nhà. Từ khi bị cáo bị bắt một mình vợ phải chăm sóc, nuôi dạy các con và trông cậy hoàn toàn vào vợ về kinh tế. Việc để xảy ra sai phạm bị cáo không có chủ đích, giúp sức cho MobiFone nên mong HĐXX xem xét, lượng thứ, khoan hồng, giảm nhẹ cho bị cáo, sớm trở về hoàn thành trách nhiệm với gia đình, các con, chăm sóc bố mẹ, trở thành người có ích”, bị cáo Mạnh nghẹn lời.
LS đề nghị không cần cách ly cựu Vụ trưởng
8h25: Phiên tòa bắt đầu, chủ tọa phiên tòa đề nghị các luật sư bào chữa cho bị cáo Phạm Đình Trọng (cựu vụ trưởng Vụ quản lý doanh nghiệp) tiến hành phần bào chữa cho thân chủ. Mở đầu phần bào chữa, luật sư cho rằng, những giọt nước mắt, nghẹn ngào của bị cáo Trọng đã thể hiện trách nhiệm của bị cáo này. Trong phần bào chữa, luật sư của ông Trọng cho rằng, tất cả công việc thực hiện liên quan đến dự án AVG đều theo chỉ đạo của lãnh đạo cấp và điều này, thể hiện trên các lời khai của ông Nguyễn Bắc Son.
Đồng thời, ông Trọng không chỉ phải làm theo chỉ đạo mà còn phải theo định hướng của lãnh đạo Bộ. Luật sư cho hay, ông Trọng không biết việc mua AVG là hiệu quả thấp khi các văn bản của MobiFone trình lên nên đã làm sai lệch hồ sư. Vị luật sư này cũng chỉ ra việc, chính ông Trọng đã băn khoăn về việc mua này nên đã nhiều lần có ý kiến nhưng không được giải quyết để giải đáp các băn khoăn.
Luật sư dẫn chứng, đã có 4 lần, ông Nguyễn Bắc Son gạch bỏ đề xuất của ông Trọng về giá mua và hiệu quả vụ án. Tại tòa, khi được hỏi, ông Son cũng đã trả lời về việc vì sao gạch bỏ. Cụ thể, ông Son cho rằng, MobiFone phải đương nhiên chịu trách nhiệm về giá nên ông Son gạch bỏ, không cần ghi chi tiết vào văn bản.
Vị luật sư này cũng nhấn mạnh, ngay cả khi có công văn 2678 của VPCP về việc chấp nhận chủ trương đầu tư nhưng ông Trọng vẫn đề xuất xin ý kiến của Bộ Tài chính. Ông Trọng là người luôn đưa ra các đề xuất hợp lý để cơ quan chức năng có ý kiến về dự án MobiFonne mua AVG đúng pháp luật.
Từ các phân tích, luật sư đề nghị, xem xét một số tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo như ăn năn hối cải, có thành tích xuất sắc, chủ động khai nhận, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra để sớm kết thúc vụ á. Đồng thời, đề nghị, cho bị cáo Trọng, hưởng chính sách hình sự đặc biệt như đề nghị của CQ CSĐT và không cần thiết cách ly ông Trọng ra khỏi xã hội, tuyên mức án dưới mức thấp nhất của khung hình phạt…
Quang cảnh phiên toà ngày thứ 6 vụ xét xử
Cũng bào chữa cho bị cáo Trọng, luật sư Hoàng Văn Dũng cho hay, trong phần luận tội, đại diện VKS không nhắc đến chính sách khoan hồng đặc biệt đối với bị cáo Trọng như đề nghị của CQ CSĐT nên đề nghị HĐXX xem xét. Sau khi các luật sư trình bày bào chữa, HĐXX đã hỏi bị cáo Trọng có nhất trí với lời bào chữa không? Bị cáo Trọng nói đồng ý và xin trình bày thêm. Về tên của dự án, bị cáo Trọng cho rằng, dự án này là MobiFone sử dụng vốn của đơn vị này mua cổ phần của AVG. Đây là hoạt động đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp.
Trong phần tự bào chữa thêm, bị cáo Trọng cho rằng, bản thân, không biết việc Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son giới thiệu AVG cho MobiFone như trong kết luận điều tra, cáo trạng nêu ra mà chỉ được ông Son báo là Bộ TT-TT đã thực hiện điều này. Ông Trọng nêu rõ, quý 2/2018, Ủy ban Kiểm tra TƯ đã làm rõ điều này còn trước đó Thanh tra CP cũng không làm rõ được. Do đó, bị cáo Trọng xin HĐXX, VKS xem xét điều này.
Về báo cáo thẩm định sơ bộ ngày 21/10/2015, bị cáo Trọng cho hay, báo cáo sơ bộ để họp tổ thẩm định và bị cáo trình bị cáo Tuấn (lúc đó là Thứ trưởng) chỉ đạo để họp tổ thẩm định chứ không phải báo cáo cho Bộ, Bộ trưởng. Do đó, bị cáo Trọng mong HĐXX, VKS xem xét.
Ngày 5 xét xử: Bị cáo Son hứa sẽ khắc phục 12.5 tỷ đồng
Sáng 23/12, phiên tòa xét xử hai cựu Bộ trưởng Thông tin - Truyền thông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn cùng đồng phạm liên quan thương vụ MobiFone mua 95% cổ phần AVG tiếp tục diễn ra.
Trong sáng nay (23/12), các luật sư của bị cáo Phạm Đình Trọng, cựu Vụ trưởng Vụ quản lý doanh nghiệp (Bộ TT-TT) sẽ tiến hành phần bão chữa cho thân chủ. Tiếp đó, dự kiến, bị cáo Phạm Nhật Vũ, cựu Chủ tịch AVG và các luật sư sẽ tiến hành bào chữa.
Trước đó, trong phiên tòa chiều 21/12, thẩm phán Trương Việt Toàn cho hay, HĐXX đã nhận được bức thư của bị cáo Nguyễn Bắc Son. Theo đó, trong bức thư, bị cáo Son cho hay, gia đình ông đã khắc phục được 12.5 tỷ đồng và còn 55 tỷ đồng.
Hiện bị cáo Son cũng động viên gia đình tiếp tục khắc phục trước ngày 26/12.
Anh Trần Văn Hưng (con rể của bị cáo Nguyễn Bắc Son) đã thay mặt gia đình nhận bức thư và cho hay, gia đình đã gom được 12,5 tỷ đồng.
Anh này thông tin, gia đình đã rút tài khoản rồi nhưng do cuối tuần cơ quan thi hành án nghỉ nên hứa 8h sáng thứ 2 (23/12) sẽ nộp và gia đình sẽ hết sức phối hợp.
Còn trong phần tự bào chữa, bị cáo Trương Minh Tuấn, cựu Bộ trưởng TT-TT trình bày, việc phải đứng trước phiên tòa, nói những lời tự bào chữa cho mình là biến cố cay đắng, bi thảm nhất trong cuộc đời.
Đối với tội danh Nhận hối lộ, bị cáo Tuấn cho rằng, bản thân "rất xấu hổ" khi đứng đây cùng 3 bị cáo khác.
"Đây là nỗi nhục của chúng tôi. Dù nhận dưới hình thức nào là quà biếu, chúc mừng, cảm ơn hay nhận ở thời điểm, hoàn cảnh, mức độ nào cũng là hành vi phạm tội như bản luận tội của VKS", bị cáo Tuấn nêu rõ...