Mỗi khi đi dã ngoại, leo núi, lội suối, vượt rừng, bạn luôn được dặn và nhớ lời dạy rằng không được để lại rác thải, hay nói cách khác là đừng để lại “dấu vết” của mình tại những nơi bạn đã đi qua.
Lý tưởng về việc gìn giữ môi trường tự nhiên có từ những năm 90 này khuyến khích con người duy trì Trái Đất để có một căn nhà xanh, sạch, đẹp để sinh sống.
Nhưng với cá nhân một người, với một nhóm nhỏ người thì việc đó không khó. Nhưng làm sao để xóa “dấu vết” mà cả một giống loài – cụ thể là loài người chúng ta – đã hằn sâu trên nền Đất Mẹ? Con người đã là nguyên nhân chính khiến địa chất Trái Đất thay đổi.
Thay đổi nhiều đến mức, các nhà khoa học đặt tên cho cả một kỷ nguyên địa chất mới theo tên của loài người: Kỷ Anthropocene (Anthropic có nghĩa là “của loài người”).
Rất nhiều nhà khoa học cho rằng Kỷ Anthropocene bắt đầu vào ngày 16 tháng 7 năm 1945, khi mà con người lần đầu tiên cho nổ bom nguyên tử, để lại một dấu vết hóa học rõ ràng trên nền địa chất Trái Đất, dấu vết ấy có thể được dễ dàng dò ra với những đồng vị phóng xạ.
Nhiều chuyên gia nghiên cứu khác cho rằng điểm bắt đầu của Kỷ Anthropocene không rõ ràng đến mức ngày-tháng-năm như thế.
Mặc dù thời điểm chính xác là ngày nào đi nữa, dấu vết mà con người để lại trên Trái Đất sẽ còn có thể được nhìn thấy sau hàng triệu, thậm chí hàng tỷ năm nữa.
Mới đây, lần đầu tiên, một tờ báo đã phân loại hàng trăm vật chất mới xuất hiện và ước tính rằng con người đã tạo ra khoảng 4% số khoáng sản hiện có trên Trái Đất.
Một số được hình thành trên những bức tường ẩm ướt nơi mỏ sâu, nơi mà không khí ẩm và lạnh phản ứng với hạt bồ hóng phát ra từ quặng sắt; một số vật chất khác được tạo nên từ sức ép cực lớn của đáy biển xanh.
“Những thứ khoáng sản này sẽ đánh dấu một kỷ nguyên khác biệt với mọi kỷ nguyên trước đây”, Edward Grew, giáo sư về đất và khí hậu tại Đại học Maine, tác giả nghiên cứu mới cho biết.
Nói một cách khác, một phép so sánh để dễ hình dung hơn, thì con người đã tạo ra nhiều khoáng sản mới trên Trái Đất nhất, kể từ khi oxy lần đầu tiên xuất hiện trong bầu khí quyển – khoảng 2,2 tỷ năm trước.
Ngày nay oxy được coi là thành tố tối quan trọng của sự sống và xưa kia ngày xưa, khi lần đầu tiên nó xuất hiện, oxy cũng đã thay đổi cấu trúc Trái Đất một cách mạnh mẽ, tạo nên 2/3 con số 5.200 khoáng chất được chính thức thừa nhận ngày nay.
“Nếu như hiện tượng Đại Oxy hóa – The Great Oxidation là một ‘dấu chấm câu’ trong lịch sử Trái Đất, thì những ảnh hưởng địa chất nhanh chóng và mạnh mẽ của Kỷ Anthropocene là một ‘dấu chấm cảm’ lớn”, Robert Hazen, nhà khoáng vật học và sinh học vũ trụ tại Viện Khoa học Carnegie nói.
Nghiên cứu mới này phân loại 208 loại khoáng chất mới, được tạo ra từ một phần hoặc hoàn toàn do con người. Phần lớn hoạt động khai khoáng là nguyên nhân tạo nên vật chất mới.
Việc đào sâu khai khoáng, nước đọng lại ở thành hầm, hay lửa cháy ở dưới mỏ sâu đều góp phần vào quá trình tạo khoáng chất mới. “Khi bạn nhìn vào một mỏ khai thác, bạn sẽ thấy đó là một sự ảnh hưởng nặng nề tới bề mặt Trái Đất”.
Khoáng chất tỏa sáng mang màu xanh biển này có tên là simonkolleite, được tìm thấy mắc kẹt trong một công cụ khai thác đồng tại Mỏ Rowley thuộc Hạt Maricopa, Arizona.
“Bạn khuấy động lòng mỏ, khiến quặng tiếp xúc với một môi trường khác và từ đó, những khoáng chất mới bắt đầu hình thành”, Grew nói.
Thuốc nổ mạnh được sử dụng để khai thác tại mỏ vàng Olimpiada, gần thị trấn Severo-Yeniseisky, Siberia. “Những gì chúng ta nhìn thấy đây, chúng sẽ ghi dấu vào lịch sử địa chất Trái Đất, lưu lại trong hàng triệu năm tới”, Hazen nói.
“Có thể coi đó là một điểm vọt lớn”, Grew nói. “Một điểm vọt rất dễ nhận thấy trong một bảng dữ liệu địa chất được ghi lại".
Ví dụ về điểm vọt ấy có thể được đánh dấu với sự xuất hiện của khoáng chất chalconatronite có màu ngọc lam này, được sinh ra từ hoạt động khai thác đá tại Mont Saint-Hilaire tại Quebec, Canada.
Bên cạnh đó, còn có thứ metamunirite này tại mỏ khai thác dưới Thung lũng Big Gypsum, hạt San Miguel, Colorado.
Con người không chỉ tạo ra khoáng sản mới, ta còn khiến những khoáng chất có sẵn di chuyển trong lòng đất, thay đổi cấu trúc bề mặt Trái Đất.
Hàng triệu năm sau, loài người tương lai (hay một loài sinh vật thông minh nào đó thừa kế Trái Đất) sẽ khẳng định được rằng đây là những bằng chứng rõ ràng chứng minh cho việc con người đã thay đổi môi trường địa chất.
Thứ khoáng chất abhurite bên dưới là sản phẩm sinh ra từ sự ăn mòn kim loại, được tìm thấy tại nơi con tàu SS Cheerful đã chìm năm 1885. Xác con tàu nằm cách St. Ives tại Cornwall, Anh 22 km về phía Tây Bắc. “Khoáng chất rất cứng chắc, chúng có thể tồn tại tới hàng triệu năm”, Hazen nói.
Đây là nealite, được tạo nên khi xỉ (phần còn lại của quặng sau khi tách kim loại ra) tiếp xúc liên tục với nước biển mặn.
Khoáng chất fiedlerite này cũng được phát hiện tại một khu vực chứa xỉ tại Hy Lạp.
Danh sách dài 208 khoáng chất mới kia vẫn chưa có tên những vật chất giống-khoáng-chất mà con người đã tạo ra như nam châm, hợp kim, vật chất xây nhà như bê tông hay gạch. Hazen ước tính rằng còn hàng trăm, hàng ngàn vật chất như vậy chưa được chính thức xác định danh tính.
Những vật chất mới này đang được rắc rải rác ở khắp nơi trên bề mặt hành tinh này. “Chúng ta đang nói tới lớp vỏ Trái Đất chủ yếu bị con người thay đổi”, Hazen nói.
Tham khảo nhiều nguồn