Khám sàng lọc trước khi tiêm vắc xin - Ảnh Minh Trí.
Tính từ 18h ngày 13/8 đến 18h ngày 14/8, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 9.716 ca nhiễm mới, trong đó 06 ca nhập cảnh và 9.710 ca ghi nhận trong nước.
Cụ thể, tại TP. Hồ Chí Minh (4.231 ca), Bình Dương (2.029 ca), Đồng Nai (1.023 ca), Long An (653 ca), Tiền Giang (461 ca), Khánh Hòa (164 ca), Cần Thơ (164 ca), Đồng Tháp (118 ca), Tây Ninh (97 ca), Đà Nẵng (87 ca), Bà Rịa - Vũng Tàu (77 ca), Gia Lai (70 ca), Vĩnh Long (57 ca), Thừa Thiên Huế (57 ca), Bến Tre (40 ca), Hà Nội (40 ca), Phú Yên (40 ca), Bình Thuận (36 ca), Quảng Ngãi (35 ca), An Giang (33 ca), Kiên Giang (32 ca), Đắk Lắk (26 ca), Bình Định (23 ca), Ninh Thuận (22 ca), Sơn La (17 ca), Trà Vinh (16 ca), Lâm Đồng (14 ca), Nghệ An (12 ca), Nam Định (8 ca), Bình Phước (5 ca), Quảng Trị (4 ca), Bạc Liêu (3 ca), Thanh Hóa (3 ca), Hải Dương (3 ca), Lạng Sơn (2 ca), Thái Bình (2 ca), Lào Cai (2 ca), Cà Mau (2 ca), Bắc Ninh (1 ca), Quảng Bình (1 ca) trong đó có 3.510 ca trong cộng đồng.
Như vậy trong 24h giờ qua số ca nhiễm ghi nhận trong nước tăng 560 ca. Tại TP. Hồ Chí Minh tăng 700 ca, Bình Dương giảm 787 ca, Đồng Nai tăng 215 ca.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 265.464 ca nhiễm, đứng thứ 80/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 172/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 2.700 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay): Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 261.463 ca, trong đó có 94.211 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Có 05/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Quảng Ninh, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hoà Bình. Có 07 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Lào Cai, Kon Tum, Hà Giang, Yên Bái, Thái Bình, Bắc Giang, Hải Phòng.
5 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là TP. Hồ Chí Minh (144.770), Bình Dương (41.621), Long An (13.885), Đồng Nai (13.070), Bắc Giang (5.794).
Tình hình điều trị: Trong ngày 14/8 có 4.247 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh. Tổng số ca được điều trị khỏi: 96.985 ca; Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU: 579 ca; Số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO: 18 ca.
Chiều 14/8, Tiểu ban điều trị của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 thông báo trên Hệ thống Thông tin thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19 ghi nhận 349 ca tử vong tại TP. Hồ Chí Minh (285 ca), Bình Dương (32 ca), Long An (10 ca), Tiền Giang (5 ca), Đà Nẵng (3 ca), Đồng Nai (3 ca), Cần Thơ (2 ca), Hà Nội (1 ca), Bến Tre (1 ca), Bình Thuận (1 ca), Hậu Giang (1 ca), Khánh Hòa (1 ca), Kiên Giang (1 ca), Sóc Trăng (1 ca), Trà Vinh (1 ca), Vĩnh Long (1 ca).
Tổng số ca tử vong do COVID-19 tính đến 14/8 là 5.437 ca, xếp thứ 69/222 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nhưng tính tỷ lệ tử vong/1 triệu dân, Việt Nam xếp vị trí 161/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân 1 triệu dân có 55 người tử vong do COVID-19).
Trong 24 giờ qua đã thực hiện 150.579 xét nghiệm cho 569.731 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 7.993.443 mẫu cho 22.570.078 lượt người.
Trong ngày 13/8 có 727.902 liều vắc xin phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 13.772.920 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 12.500.947 liều, tiêm mũi 2 là 1.271.973 liều.
Bộ Y tế chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tăng cường thực hiện các biện pháp phòng chống dịch; tăng cường đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực; áp dụng biện pháp phòng, chống dịch đối với người về từ khu vực có dịch COVID-19.
Các địa phương tăng cường phòng chống dịch tại cơ sở lao động sản xuất kinh doanh theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo, Bộ Y tế. Trong đó các địa phương, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, khu công nghiệp chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch đảm bảo sản xuất kinh doanh. Uỷ ban nhân dân các tỉnh/thành phố căn cứ hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Quốc gia, Bộ Y tế và dựa trên đánh giá tình hình thực tế tại địa phương để hướng dẫn các đơn vị xây dựng kế hoạch và phương án phòng, chống dịch phù hợp, hiệu quả.
TP. Hồ Chí Minh triển khai chương trình chăm sóc tại nhà (home-based care) cho các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 điều trị ngoại trú. Chương trình sẽ sử dụng có kiểm soát ngoài cộng đồng thuốc Molnupiravir, đây là thuốc đã được nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng tại Mỹ, Ấn Độ, cho kết quả khả quan về tính an toàn, khả năng dung nạp, làm sạch virus ở bệnh nhân thể nhẹ và vừa sau 5 ngày điều trị.