Trong nghìn lẻ một bí kíp "trốn nóng" mùa hè, sinh viên vẫn thường rủ nhau thành từng nhóm đến các quán cà phê, cửa hàng tiện lợi, siêu thị,...
Với những địa điểm này, điều hòa được mở mát lạnh cả ngày, ngoài ra còn có thêm đồ ăn, thức uống phục vụ tận tình.
Tuy nhiên chính từ việc sinh viên ồ ạt kéo đến như "bão", "càn quét" cả ngày lẫn đêm khiến nhiều cửa hàng mất đi sự sạch đẹp, gọn gàng vốn có.
Nhức mắt với cảnh sinh viên nằm ngủ la liệt, xả rác bừa bãi ở cửa hàng tiện lợi
Đối với một số sinh viên, cửa hàng tiện lợi được xem là chỗ mát mẻ để học tập, ngủ trưa, vừa dễ dàng ăn uống thoải mái với nhiều sự lựa chọn khác nhau.
Đơn giản chỉ cần mua 1 thức uống chưa đến 10k, các sinh viên đã có thể "cư ngụ" ở đây đến lúc nào mình muốn vì cửa hàng sẵn sàng phục vụ 24/24.
Tuy nhiên cứ vào tầm 12h trưa hay 8h tối, nhiều cửa hàng tiện lợi bỗng rơi vào tình cảnh "tắc nghẽn". Nhan nhản trên các mặt bàn đủ những thứ như laptop, sách vở, sạc điện thoại, rác thải (sau khi đã ăn uống),...
Nhiều sinh viên thậm chí còn nằm ngủ la liệt tràn cả lối đi, xếp dãy ghế lại rồi vô tư đánh một giấc "mặc kệ đời".
Chuyện tưởng như không hề gì với sinh viên lại vô tình biến thành nỗi khổ cho nhiều bạn nhân viên tại các cửa hàng tiện lợi.
Vừa qua, một bài viết được đăng tải trên mạng xã hội kể về nỗi tâm sự của một bạn nhân viên ở Hà Nội đã thu hút sự quan tâm của nhiều người.
"Do gần đây nắng nóng nên xuất hiện hiện tượng các bạn sinh viên đến quán bọn em ở cả ngày và ngủ qua đêm tại quán luôn. Nếu chỉ đến và mua đồ hay tránh nóng thì em không nói làm gì.
Nhưng có nhiều bạn đến đây nằm la liệt ra cả sàn nhà, kéo hết ghế lại xếp với nhau để nằm ngủ qua đêm".
Không những vậy, ngay cả chó mèo cũng được mang theo để tránh nóng và không thể tránh được trường hợp chúng đi vệ sinh đầy ra sàn.
Thậm chí nhiều bạn còn "tình nguyện" mang cả áo khoác, gối đến nằm ngủ, còn điều hòa đã có cửa hàng lo.
"Các bạn ấy còn nói chuyện rất to thậm chí uống nước ngọt còn 1.2.3 zô nữa. Nhà vệ sinh thì đi không xả nước, đặc biệt có bạn còn đi vệ sinh ra cả sàn nhà vệ sinh, khi được nhắc nhở thì bảo "mình mất tiền mà bạn?".
Hàng ngàn bình luận dưới bài đăng kể trên đều bày tỏ việc không thể chấp nhận những hình ảnh có phần xấu xí của một bộ phận sinh viên.
Đúng là khi đến bất kỳ cửa hàng nào, khách hàng là thượng đế, bởi một khi đã bỏ tiền ra thì đều mong muốn mua đúng dịch vụ yêu cầu đi kèm với sự hài lòng.
Tuy nhiên những hành động ý thức kém như trên vô hình chung lại biến đồng tiền bỏ ra không hề xứng đáng một chút nào.
"Phòng trọ mình nóng lắm, về đêm lại càng nóng, bọn mình không có cách nào khác là tới quán cà phê hay cửa hàng tiện lợi để học bài.
Những lúc ăn uống xong mình với bạn đều dọn rác sạch sẽ mới đi chứ không để chai, vỏ thức ăn tràn lan ra mặt bàn", bạn Thúy Quỳnh (SV năm 2) tâm sự.
Sinh viên mang cả chăn đế tá túc qua đêm ở cửa hàng. Ảnh: Facebook.
Nhóm bạn trẻ ngồi tràn ra cả lối đi. Ảnh: Facebook.
Ở Hà Nội không phải sinh viên nào cũng đủ điều kiện để thuê những căn phòng lắp đặt sẵn điều hòa. Trái lại, nhiều bạn vẫn đang phải chấp nhận ở trong những dãy trọ tồi tàn, một giấc ngủ trưa hè mà mồ hôi cứ chảy lưng tròng.
Có những bạn 5h sáng đã vội tỉnh giấc vì nóng quá không thở nổi chứ nói gì đến ngủ.
"Vì biết đến cửa hàng tiện lợi mà chỉ mua chai nước chưa đến 5k rồi ngồi lại cả buổi cũng không hay nên mình chỉ ở lại tầm 1-2 tiếng rồi về phòng. Những hôm nóng quá mình ăn trưa ở quán luôn xong đến tầm chiều là về rồi.
Đây là chỗ công cộng nhưng thỉnh thoảng cũng có vài bạn còn hơi lớn tiếng, kéo ghế rất vô duyên nên mình thường góp ý ngay lúc đó luôn", bạn Tuấn Minh (SV năm cuối) chia sẻ.
"Chúng mình đã nhắc nhở nhiều nhưng đâu lại vào đó..."
Tìm đến một cửa hàng tiện lợi nằm trên đường Vũ Trọng Phụng (quận Thanh Xuân, Hà Nội), từng túi rác chất đầy cả dãy bàn khiến không khí ở đây khá ngột ngạt.
Vì điều hòa ở phòng tầng 2 bị hỏng nên một số khách hàng ngồi chặn ngay đường cầu thang lên cũng khiến tình cảnh thêm "trớ trêu".
"Mình làm việc theo ca, mỗi ca như vậy tầm 8 tiếng, tùy vào từng thời điểm mà công việc được phân chia khác nhau.
Hôm nay mình nhận việc dọn phòng trên tầng 2 nhưng mà cứ dọn xong một chỗ thì chỗ khác lại có rác. Dù đã nhắc nhở các bạn khách hàng nhiều lần nhưng đâu lại vào đó...", một nữ nhân viên chia sẻ.
Từng túi rác thải vừa được nữ nhân viên dọn sau khi nhiều bạn ý thức kém vô tư xả lung tung.
Các bạn biết đấy, đây đều là những cửa hàng tự phục vụ, nghĩa là sau khi order món ăn, chính chúng ta phải tự lấy đồ ăn, ăn xong rồi phải tự dọn dẹp cẩn thận.
Dù thùng rác chỉ cách chỗ ngồi có 2m nhưng một số bạn vẫn thích để rác trực tiếp lên bàn rồi ra về luôn mà không thèm bận tâm.
"Khách hàng là thượng đế mà, dù có bất cứ chuyện gì thì chúng mình vẫn phải phục vụ chu đáo thôi.
Vì cửa hàng mở 24/24 nên nhiều khi cũng có bạn ngủ qua đêm, những lúc như này chúng mình cũng phải chấp nhận", nữ nhân viên kể.
Việc phân loại đống rác thải này cũng mất khá nhiều thời gian.
Thông thường ở mỗi cửa hàng tiện lợi chỉ có tầm 3-4 bạn nhân viên, trong khi lượng khách đến rất đông, nhất là những ngày nắng nóng cực điểm.
Ngay khi mở cửa thùng rác để mang túi rác đi xử lý, bạn nhân viên thở dài đánh thượt vì bên trong là một mớ hỗn độn: Thức ăn, nước uống còn thừa hòa lẫn với chai, lon, túi ni lông.
"Đáng lẽ ra các bạn ấy nên cho những thứ thừa vào túi nhỏ rồi hẵng vứt, như này rất khó cho chúng mình khi dọn rác. Vì ngày nóng như này dọn dẹp cũng rất mệt, nếu mỗi cá nhân có ý thức tí thôi cũng đã giúp chúng mình rất nhiều rồi".
Sau tất cả, việc sinh viên đến các hàng quán nói chung và cửa hàng tiện lợi nói riêng để nghỉ ngơi, học tập là điều hoàn toàn bình thường.
Tuy nhiên các bạn cũng cần để tâm tới vấn đề ý thức, giữ vệ sinh chung vì đơn giản đây là một nét văn hóa trong cuộc sống hàng ngày.