Trong mùa hè nóng nực, đại đa số chúng ta không ngần ngại coi ánh nắng là kẻ thù, nhưng thực tế cái nắng bỏng rát chỉ là kẻ thù của chất lượng sống thôi. Ta biết rõ, rằng sự sống không thể tồn tại hay tiếp diễn nếu thiếu ánh nắng, và bên cạnh đó, y học hiện đại mới chỉ đang manh nha thấu hiểu vai trò của ánh nắng tới sức khỏe tinh thần con người.
Không thể phủ nhận lợi ích nắng mang lại, nhưng cũng cần hiểu rõ cái nắng cháy da cháy thịt có thể để lại những hậu họa gì. Vậy nên trước khi đi sâu vào tác dụng của nắng, hãy cứ công nhận những tác hại của nó tới sức khỏe đã, để đến cuối bài viết chúng ta có thể toàn tâm toàn ý đánh giá đúng giá trị của ánh nắng tới cuộc sống con người.
Cảnh bình minh trên Nam Thái Bình Dương, ảnh chụp từ Trạm Vũ trụ Không gian ISS - Ảnh: NASA.
Ánh nắng gây sát thương vật lý
Theo Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ (NIH), ánh nắng mạnh nhất vào khoảng giữa 10h sáng và 4h chiều, tức là cường độ tia cực tím (UV) chiếu xuống Trái Đất nhiều nhất vào khoảng thời gian này. Vì bức xạ cực tím có thể khiến da lão hóa và dẫn đến ung thư da, nên nếu có thể, chúng ta nên hạn chế tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng trong khoảng thời gian nắng gay gắt nhất.
Tuy nhiên, chúng ta cũng nên nhớ rằng ánh sáng … có thể phản chiếu. Nắng có thể tìm đến bạn bằng cách bật lại những bề mặt như cát, nước, tuyết, băng và thậm chí là vỉa hè bê tông. “Chạy trời không khỏi nắng” là có thật, vậy nên hãy chuẩn bị cho mình những tà áo thật dày để hạn chế tác động của ánh nắng lên tế bào da.
Căn bệnh ung thư da không chừa một ai, bất kể tuổi tác và màu da, vậy nên chúng ta nên hạn chế tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng Mặt Trời, nhất là nắng trong khung giờ 10h sáng tới 4h chiều. Số liệu cho thấy người có tông da sáng mắc ung thư da nhiều hơn, điều đó không có nghĩa là người có màu da tối miễn nhiễm với căn bệnh quái ác.
Việc phơi da trần trước bức xạ cực tím có thể tăng tốc độ lão hóa của da, và những tổn thương dạng này có thể dẫn tới ung thư da.
Những mảng thẫm màu tương tự như thế này có thể là biểu hiện của ung thư da - Ảnh: Medical News Today.
Nếu có thể, hãy mang trên người những thứ quần áo và phụ kiện có thể giảm thiểu tác động của nắng tới cơ thể. Một cặp kính chặn được bức xạ cực tím, một chiếc mũ rộng vành, một bộ quần áo dài ống và dày dặn có thể ngăn được phần nào tác động của tia UV. Theo lời khuyên của chuyên gia Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ, những bộ quần áo tối màu, được dệt dày và chắc sẽ là lớp áo giáp ngăn ngừa ung thư da đơn giản nhưng hiệu quả.
Cũng theo NIH, chúng ta nên sử dụng kem chống nắng khi ra đường, đồng thời thoa lại kem chống nắng sau mỗi 2 tiếng ngoài đường, hay sau khi đi bơi hoặc khi đã toát nhiều mồ hôi.
Kem chống nắng có thể hạn chế tác động xấu của nắng tới da - Ảnh: Cleveland Clinic.
Nhưng không vì khả năng gây ung thư da mà chúng ta hạ thấp giá trị ánh nắng. Từ thời Hy Lạp cổ đại, Hippocrates đã tin rằng sự kiện chuyển mùa, hay cụ thể hơn là lượng ánh sáng trung bình mà một người nhận trong một ngày, có liên hệ với sức khỏe con người.
Vậy hãy tạm gác lại những tác hại của nắng, để tận hưởng hơi ấm Mặt Trời ban phát cho nhân loại.
Những tác dụng vật lý của nắng lên cơ thể
Việc tắm nắng cho “có vitamin D” hoàn toàn có cơ sở khoa học. Bức xạ cực tím-B của nắng khiến da sản sinh vitamin D, và theo một báo cáo khoa học được xuất bản năm 2008, với 30 phút tắm nắng trong khi mặc đồ bơi, cơ thể người có thể sản sinh ra mức vitamin D như sau: 50.000 đơn vị quốc tế (IU) ở người da trắng, 20.000-30.000 IU ở người da sẫm màu, và 8.000-10.000 IU trên người da tối.
Cũng theo các nghiên cứu, vitamin D - dù tổng hợp từ Mặt Trời hay từ thực phẩm chức năng - đều mang một vai trò quan trọng trong củng cố sức khỏe xương. Cũng trong nghiên cứu được dẫn nguồn phía trên, việc thiếu vitamin D sẽ khiến xương không phát triển một cách vẹn toàn.
Nhưng nắng không chỉ khiến cơ thể vật lý của chúng ta mạnh khỏe, những báo cáo khoa học mới dần hé lộ những ưu điểm bất ngờ của ánh Mặt Trời ấm áp.
“Dược tính” của nắng trong chữa lành vết thương tâm lý
Nhiều trăm năm Trước Công nguyên, Hippocrates đã suy luận được rằng thể trạng con người có thể bị ảnh hưởng bởi việc chuyển mùa, và điểm mấu chốt nằm tại lượng thời gian tiếp xúc nắng của một người.
Đến thời kỳ hiện đại, khoa học mới dần hiểu ý của thầy y cổ đại. Khi chúng ta dành ngày một nhiều thời gian ngồi trước màn hình trong phòng kín, và nhất là khi đã hiểu rõ nỗi buồn của cách ly tại nhà, con người mới đánh giá đúng tác động của ánh nắng tới cơ thể.
Trong loạt nghiên cứu thú vị hậu thuẫn tác dụng của ánh nắng, Giáo sư Norman Rosenthal công tác tại Đại học Georgetown nêu lên khái niệm “Rối loạn Xúc động Theo mùa - Seasonal Affective Disorder”, hay SAD. Vị giáo sư dùng SAD để mô tả nỗi buồn dấy lên trong lòng người mỗi khi đông tới: là cảm giác buồn bã, thờ ơ, vô vọng ập đến khi thời tiết bắt chúng ta phải thường xuyên trú ẩn, đồng thời không còn được tiếp xúc nhiều với ánh sáng tự nhiên.
Giáo sư Norman Rosenthal là người đầu tiên đặt khái niệm cho chứng Rối loạn Xúc động Theo mùa - Seasonal Affective Disorder, hay SAD.
Tuy giáo sư Rosenthal nhận thấy không phải ai cũng bị ảnh hưởng từ việc thiếu nắng, nhưng với những người thực sự cần nắng để “vận hành”, họ chỉ cần ngồi trước ánh đèn có tần số tương đương ánh sáng tự nhiên là tâm trạng đã khá hơn hẳn.
Các nghiên cứu được thực hiện trên công nhân làm việc theo ca cũng cho thấy tác động của ánh sáng lên tâm trạng con người. Kết quả chỉ ra nhịp sinh hoạt bị đảo lộn khiến quá trình trao đổi chất bị gián đoạn, và hoạt động của cơ thể gần như rối loạn ngay lập tức: từ cách phân giải đồ ăn lấy năng lượng, cơ chế phản hồi của hệ thống miễn dịch, cho tới việc sản sinh hay hạn chế những chất hóa học vốn ảnh hưởng tới tâm trạng, cân nặng, năng lượng và nhiều hơn nữa. Theo khảo sát, đa số công nhân thường xuyên làm ca đêm có cân nặng trung bình cao hơn người làm ca sáng.
Trong số những nghiên cứu dạng này, các báo cáo thường xoay quanh mối tương quan giữa nắng và serotonin, chất hóa học sẵn có trong não vốn có mối liên hệ lớn nhất tới tâm trạng: mức serotonin cao được liên kết với tâm trạng tốt, cảm giác thỏa mãn và an tâm, và mức serotonin thấp lại có quan hệ với chứng trầm cảm và lo lắng. (Nhiều loại thuốc chống trầm cảm tác động trực tiếp tới mức serotonin có trong cơ thể người).
Một nghiên cứu của các nhà khoa học Úc đã đo nồng độ các chất hóa học có trong não bộ và nhận thấy: mức serotonin trong ngày nắng đẹp cao hơn hẳn ngày mây giông, và thời tiết nóng hay lạnh không hề ảnh hưởng tới tâm trạng. Những nghiên cứu khám nghiệm tử thi sau này cho thấy những người qua đời vì bệnh thể chất vào mùa hè - khi ngày dài hơn - thường có mức serotonin cao hơn những người qua đời vào mùa đông - khi nắng trong ngày không xuất hiện nhiều.
Nhưng tia cực tím không chỉ đến từ nguồn tự nhiên. Trong một nghiên cứu thú vị khác liên quan tới những người sử dụng giường nhuộm da, các nhà khoa học nhận thấy tia UV có thể khiến người dùng bước vào tâm trạng phởn phơ, và đây cũng là lý do nhiều người đam mê nhuộm da đến vậy. Bên cạnh đó, có bằng chứng cho thấy tia UV có thể kích thích các malanocyte - các tế bào sản sinh màu tối cho da - để tạo ra endorphin, một loại hóa chất khác tạo cảm giác sung sướng.
Gần đây, những bằng chứng cho thấy giường nhuộm da có thể dẫn tới ung thư da nhiều tới mức Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) yêu cầu các nhà cung cấp thiết bị phải cảnh báo về nguy cơ gây ung thư của giường - Ảnh: CNN.
Tuy nhiên mối tương quan giữa ánh nắng và nỗi buồn vẫn mập mờ. Nhìn chung, các nghiên cứu đều hướng theo lợi ích của ánh nắng và coi đó là phương pháp chữa lành hiệu quả cho người trầm cảm và người có hàm lượng serotonin thấp. Nắng có ảnh hưởng tích cực tới những cá nhân mắc SAD, tuy nhiên y học vẫn chưa rõ liệu pháp chữa bệnh bằng ánh sáng có hiệu quả trên những người trầm cảm không theo mùa.
Số liệu cho thấy mức serotonin có trong những người mắc SAD không thấp như những người mắc bệnh tâm lý khác, đơn cử như những người được chẩn đoán trầm cảm. Các nghiên cứu cũng không tìm ra sự khác biệt giữa nỗi buồn trong ngày nhiều nắng và ít nắng (thực tế mà nói, ai đong đếm được nỗi buồn?). Hơn nữa, tỷ lệ tự vẫn lại cao hơn trong những ngày hè dài lê thê, và thấp hơn trong những ngày ngắn ngủi của mùa đông.
Bên cạnh đó, còn những nghiên cứu khác không tìm thấy mối liên hệ giữa thời lượng tiếp xúc với nắng và chứng SAD. Nghiên cứu của David Kerr, phó giáo sư chuyên ngành thần kinh học công tác tại Đại học Bang Oregon, cho thấy việc thiếu nắng không ảnh hưởng gì tới những cụm dân cư sống tại Alaska và những vùng cận cực.
Vậy nếu không phải do thiếu nắng, liệu chứng “buồn theo mùa” có thể tới từ căn nguyên nào? Các nghiên cứu mới đang từng bước đi đến kết luận cuối cùng. Ngành tâm lý học mới đang từng bước tự cải thiện chính mình, những thứ hữu hình như não bộ vẫn còn ẩn chứa nhiều bí ẩn trong con mắt khoa học, huống chi những thứ vô hình như cảm xúc hay bệnh tâm lý.
Trước khi tìm được căn nguyên vấn đề và cách chữa trị hiệu quả nhất, cách cải thiện tâm trạng hữu hiệu mà rẻ nhất vẫn là tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên.
Hãy hưởng thụ nắng sớm, vì nó miễn phí.
Dù gì đi nữa, nắng vẫn đi đôi với sự sống
Các nghiên cứu về tác động của ánh nắng tới sức khỏe tinh thần của người không mắc SAD vẫn tiếp tục được triển khai. Đa số chúng cho thấy để nó có thể cải thiện tâm trạng của người mắc chứng trầm cảm, quá trình tắm nắng sẽ phải diễn ra dài và liên tục.
Người mắc chứng SAD chỉ mất vài ngày để phương pháp trị liệu bằng ánh nắng phát huy tác dụng, trong khi đó những người không buồn theo mùa lại cần tới nhiều tuần tắm nắng mới khá hơn.
Bác sĩ có thể chưa kê thuốc “ánh nắng” cho căn bệnh của bạn đâu, nhưng nếu bạn thấy buồn bã sau hàng giờ ngồi lì trong phòng, hãy cứ nhấc người dậy và đi tìm chút ánh sáng xem sao. Và nếu không có điều kiện tìm một nguồn sáng có những bước sóng tương tự ánh sáng tự nhiên, thì hãy cứ tìm tới ánh Mặt Trời.
Theo NIH, Time, Healthline