Ngành ôtô tiếp tục 'đau đầu' vì thiếu chip

Trọng Đại |

Tình trạng thiếu nguồn cung chip đang ngày càng trầm trọng.

BMW và Stellantis là hai nhà sản xuất xe hơi mới nhất đưa ra cảnh báo tình trạng thiếu hụt chip toàn cầu, vốn đã làm ngành này điêu đứng, sẽ tiếp tục kéo dài suốt năm 2021 hoặc thậm chí lâu hơn, gây ảnh hưởng nặng nề tới năng lực sản xuất và doanh số của các công ty.

Các nhà sản xuất xe hơi, do dịch bệnh Covid-19 phải cho đóng cửa hàng loạt các nhà máy sản xuất trong năm ngoái, đang phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt tới từ các doanh nghiệp sản xuất hàng điện tử tiêu dùng trong việc đảm bảo các đơn hàng chip bán dẫn, do chuỗi cung ứng mặt hàng này bị gián đoạn nghiêm trọng.

Các nhà sản xuất xe hơi phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung chip, vốn được sử dụng trong hệ thống quản lý động cơ nhằm tối ưu hóa khả năng tiết kiệm nhiên liệu hoặc các tính năng hỗ trợ người lái như phanh khẩn cấp.

Ngành ôtô tiếp tục đau đầu vì thiếu chip - Ảnh 1.

Trụ sở BMW ở Munich, Đức, hồi tháng 7/2020. Ảnh: Reuters.

Với việc thiếu hụt chip, các nhà sản xuất xe hơi chỉ tập trung vào một số dòng xe đem lại lợi nhuận cao, và bên cạnh đó được hưởng lợi ít nhiều từ xu hướng tăng giá các sản phẩm, do lượng hàng tồn kho không nhiều.

Giám đốc tài chính của Stellantis Richard Palmer chia sẻ 4 công ty sản xuất xe hơi lớn nhất toàn cầu không cho rằng tình trạng thiếu hụt nguồn cung chip sẽ được cải thiện trước quý IV, với tổng lượng xe sản xuất ra sẽ sụt giảm 1,4 triệu chiếc trong năm nay. CEO Carlos Tavares miêu tả tình trạng thiếu hụt chip này ở mức độ rất nghiêm trọng.

BMW, dù chịu ít ảnh hưởng hơn so với các đối thủ trong ngành vì có quan hệ rất tốt với các nhà cung cấp, cũng cho biết rằng nửa cuối năm nay thực sự là thử thách đối với công ty.

“Tình trạng thiếu hụt chip càng tồn tại lâu thì tình thế càng trở nên căng thẳng hơn”, theo Nicolas Peter, giám đốc tài chính BMW. “Chúng tôi dự báo khả năng hạn chế sản xuất vẫn sẽ tiếp diễn trong 6 tháng cuối năm nay, và do đó, doanh số thường niên của chúng tôi chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng”.

GỜ GIẢM TỐC

Nhiều hãng sản xuất xe hơi khác như Tesla và Ford Motor cảnh báo tình trạng thiếu hụt chip chính là “gờ giảm tốc” đối với ngành này.

“Trong khi chúng ta đang muốn đẩy mạnh công tác sản xuất, tình trạng thiếu hụt chip toàn cầu vẫn diễn ra hết sức nghiêm trọng”, Elon Musk, CEO Tesla, chia sẻ tuần trước.

Trong ngày 27/7, General Motor đóng cửa một số nhà máy tại Bắc Mỹ vì thiếu chip, bao gồm cả các nhà máy đang sản xuất các dòng xe bán tải cỡ lớn mang lại nhiều lợi nhuận cho hãng. Công ty sản xuất xe hơi số một Mỹ cho biết tình hình hiện tại là “phức tạp và vô cùng bất ổn”.

Công ty sản xuất chip của Đức Infineon Technologies cũng tỏ ra không mấy lạc quan khi cho biết đang phải đối mặt với vô vàn khó khăn tại các địa điểm sản xuất bởi làn sóng dịch bệnh Covid-19 mới nhất đã bẻ gãy công tác sản xuất của công ty tại khu vực châu Á, và lượng hàng tồn kho đang thấp kỷ lục.

“Sự phục hồi của thị trường xe hơi toàn cầu tiếp tục bị ảnh hưởng bởi khả năng cung ứng hạn chế trên toàn chuỗi giá trị”, theo Reinhard Ploss, CEO của Infineon. “Sẽ cần thời gian để thị trường cân bằng được hai cực cung - cầu”.

“Theo tôi, tình trạng này sẽ còn tiếp diễn trong năm 2022”, ông chia sẻ.

Viện nghiên cứu kinh tế Ifo cũng cho biết rằng ngành xe hơi của Đức và các nhà cung cấp đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt chip nghiêm trọng nhất trong vòng 30 năm trở lại đây. Một cuộc khảo sát cho thấy 83% các doanh nghiệp đã bị ảnh hưởng, tăng 18% so với trong tháng 4.

“Điều này sẽ khiến cho công tác sản xuất bị gián đoạn”, Oliver Flack, chuyên gia nghiên cứu của Ifo, chia sẻ. “Tình trạng thiếu chip sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới”.

Hôm 1/8, CCFA-PFA, một nhóm vận động hành lang ngành xe hơi của Pháp, cho biết tình trạng thiếu hụt chip bán dẫn toàn cầu và sự bùng nổ trở lại của dịch Covid-19 sẽ kéo tụt triển vọng phục hồi mạnh mẽ của thị trường xe hơi tại quốc gia này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại