Ngành nội thất gỗ Việt Nam: “Rừng vàng” liệu có phải là thế mạnh?

PV |

Từ năm 2014, Chính Phủ đã quyết định đóng cửa rừng tự nhiên, do vậy nguồn nguyên liệu gỗ nội địa chỉ còn gỗ rừng trồng. Điều này đã gây ra không ít khó khăn cho các doanh nghiệp gỗ Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đồ gỗ nội thất nói riêng.

Việt Nam được biết đến là đất nước dồi dào tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là tài nguyên rừng. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tính đến hết năm 2016, diện tích rừng toàn quốc hiện có 14,38 triệu ha, trong đó rừng tự nhiên là 10,24 triệu ha và rừng trồng là 4,13 triệu ha.

Theo Báo cáo Ngành Nội thất của Công ty Cổ phần Nghiên cứu Ngành và Tư vấn Việt Nam VIRAC, tỷ lệ lợi nhuận/doanh thu trung bình của ngành nội thất đạt mức 3% vào năm 2016, tương đương với mức trung bình của ngành sản xuất – chế tạo, nhưng lại thấp nhất so với các ngành khác trong nền kinh tế.

Sản lượng đồ nội thất ở Việt Nam trong nửa đầu năm 2017 đạt xấp xỉ 50 triệu đơn vị sản phẩm và có xu hướng giảm nhẹ so với năm 2016. Nguyên nhân là các do các doanh nghiệp đang gặp nhiều thách thức trong nguyên liệu sản xuất, đặc biệt là gỗ.

 Ngành nội thất gỗ Việt Nam: “Rừng vàng” liệu có phải là thế mạnh?  - Ảnh 1.

Mặc dù có lợi thế về rừng nhưng hiện nay ngành đồ nội thất gỗ Việt Nam đang phụ thuộc rất nhiều vào nguồn nguyên liệu gỗ nhập khẩu (chiếm đến 80% lượng gỗ dùng cho sản xuất) chủ yếu được nhập từ các nước thuộc khu vực tiểu vùng sông Mê Kông (Lào, Campuchia) và châu Phi.

Lượng gỗ đến từ những nguồn cung này vốn rất khó để kiểm tra nguồn gốc và điều đáng lo ngại là hiện tại đang có dấu hiệu cạn kiệt do các chính sách về rừng tại các nước sở tại liên tục thay đổi.

Bên cạnh đó, sự thay đổi trong chính sách lâm nghiệp của Trung Quốc cũng ảnh hưởng không nhỏ đến ngành gỗ của Việt Nam như tạo ra luồng hút gỗ nguyên liệu từ rừng trồng của Việt Nam sang Trung Quốc, qua các sản phẩm như gỗ xẻ, ván bóc và ván ghép/đồ mộc xây dựng.

Điều này tạo ra sự cạnh tranh về nguồn nguyên liệu gỗ đầu vào cho ngành chế biến đồ gỗ tại Việt Nam. Hệ quả là giá gỗ trong những năm gần đây đã tăng từ 5-7%, đặc biệt là giá gỗ lá rộng đã tăng lên 30-40% dẫn đến chi phí sản xuất tăng cao.

Năm 2014, Bộ trưởng Bộ NN&PTNN đã ký Quyết định Số 957/QĐ-BNN-TCLN Phê duyệt “Kế hoạch hành động phát triển thị trường gỗ và sản phẩm gỗ giai đoạn 2014 - 2020” với mục tiêu đến năm 2020, kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam sẽ đạt 10 tỷ USD và nguồn cung gỗ nguyên liệu sẽ thêm 4 – 5 triệu m³/năm.

Trong khi đó, các doanh nghiệp lớn trong ngành Nội thất với các sản phẩm chủ yếu từ gỗ lại đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn nguyên liệu và kiểm soát nguồn gốc, xuất xứ của những nguồn cung đó.

Điều này đang đặt ra thách thức không nhỏ cho các doanh nghiệp trong việc thúc đẩy tăng trưởng sản xuất gỗ, xuất khẩu gỗ và tiêu dùng trong nước.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại