Ngành ngân hàng 'lấy đà' tăng tốc

Khánh An |

Dù không tránh khỏi những tác động tiêu cực do đại dịch COVID-19 song ngành ngân hàng nhìn chung vẫn cho thấy những tín hiệu tích cực. Kết quả kinh doanh khả quan trong 9 tháng đầu năm được kỳ vọng sẽ tạo nền tảng vững chắc cho sự tăng trưởng trong quý cuối năm cũng như cả năm 2022.

Lợi nhuận ngân hàng được kỳ vọng sẽ có nhiều yếu tố hỗ trợ để tiếp tục tăng trưởng. Ảnh Trọng Hiếu.

Lợi nhuận ngân hàng được kỳ vọng sẽ có nhiều yếu tố hỗ trợ để tiếp tục tăng trưởng. Ảnh Trọng Hiếu.

Kết quả khả quan

Tính trong 9 tháng đầu năm, ngành ngân hàng tiếp tục ghi nhận đà tăng trưởng tích cực, đặc biệt ở khối ngoài quốc doanh. Nổi bật là Techcombank với lợi nhuận trước thuế đạt 17.000 tỷ đồng, tương đương hoàn thành 68% kế hoạch cả năm 2021. Nhiều chỉ tiêu tài chính của SHB cũng tăng trưởng bứt phá, riêng lợi nhuận trước thuế đạt 5.055 tỷ đồng, tăng 93,9% so với cùng kỳ năm 2020 và hoàn thành 86% kế hoạch cả năm.

Hay như VPBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế hơn 11.700 tỷ đồng sau 9 tháng, tăng trưởng gần 25% nhờ nguồn thu đa dạng, tối ưu chi phí hoạt động. Còn với VIB, việc đẩy mạnh hoạt động bán chéo bảo hiểm cũng giúp nhà băng này ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng từ thu nhập phí bảo hiểm thuần.

Từ đó giúp lợi nhuận trước thuế của VIB đạt hơn 5.300 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm, tăng 32% so với cùng kỳ, tiếp tục giữ vị thế top đầu ngành về hiệu quả hoạt động với tỷ lệ sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) trên 29%.

Với ngân hàng thương mại có vốn nhà nước, dù giảm mạnh lãi vay để hỗ trợ doanh nghiệp theo chủ trương của Ngân hàng Nhà nước, khối này vẫn ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng tích cực.

Đơn cử như Vietcombank vững ngôi quán quân lợi nhuận ngân hàng với lãi trước thuế hơn 19.300 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ. Còn lợi nhuận trước thuế của ông lớn VietinBank đạt hơn 13.900 tỷ đồng, tăng 34,2%. Tại BIDV, 9 tháng đầu năm 2021 tiếp tục duy trì kết quả ổn định với lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 10.733 tỷ đồng, tăng trưởng 52% so với cùng kỳ năm trước, hoàn thành 83% kế hoạch năm.

Đáng chú ý, tính đến 30/9, dư nợ xấu tuyệt đối tại 27 ngân hàng niêm yết đã tăng lên 111.000 tỷ đồng, cao hơn 26% so với thời điểm đầu năm. Dù vậy, cần lưu ý rằng, tỷ lệ nợ xấu trung bình của 27 ngân hàng là 1,76%, chỉ nhỉnh hơn 0,06% so với thời điểm cuối năm 2020 và trong ngưỡng an toàn.

VCBS cũng đánh giá rằng COVID-19 khiến nợ xấu toàn ngành tăng lên, tuy nhiên mức độ ảnh hưởng chung sẽ thấp hơn nhiều so với giai đoạn khủng khoảng 2012 - 2013 và sự có sự phân hóa khi ngân hàng có chất lượng tài sản tốt sẽ không phải chịu nhiều áp lực về trích lập.

Trên thực tế, phần lớn các ngân hàng đã mạnh tay trích lập dự phòng. Đây là "bộ đệm" an toàn giúp các ngân hàng chống chọi nếu nền kinh tế trở nên xấu đi, đồng thời là "của để dành" nếu nền kinh tế hồi phục mạnh mẽ và thu hồi được nợ xấu.

Bên cạnh kết quả kinh doanh tích cực, năm 2021 còn là năm của những “cuộc đua” về tăng vốn giữa các ngân hàng. Theo đó, từ đầu năm đến nay, các nhà băng đã liên tục đẩy mạnh gia tăng quy mô hoạt động. Tính đến thời điểm hiện tại, VietinBank vươn lên dẫn đầu với vốn điều lệ đạt 48.058 tỷ.

Nhưng thứ hạng này sẽ tiếp tục thay đổi khi những tháng cuối cùng của năm 2021, NHNN đã quyết định cho BIDV và Vietcombank tăng vốn điều lệ bằng trả cổ tức cho cổ đông. Sau khi trả cổ tức bằng cổ phiếu thành công, BIDV sẽ là ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất trong hệ thống với hơn 50.585 tỷ đồng, sau đó là VietinBank và Vietcombank (hơn 47.000 tỷ đồng).

Không chỉ để đáp ứng yêu cầu về an toàn vốn theo chuẩn Basel II, việc tăng vốn cũng góp phần tăng cường năng lực tài chính cho các ngânhàng, gia tăng nguồn vốn trung dài hạn để mở rộng hoạt động kinh doanh. Có thể thấy, cuộc đua tăng vốn của các ngân hàng sẽ chưa dừng lại và còn tiếp tục diễn ra mạnh mẽ trong năm 2022 để các ngân hàng tiếp tục mở rộng hoạt động kinh doanh, nâng cao năng lực quản trị, năng lực tài chính, cải thiện chất lượng tài sản về chất, tăng khả năng sinh lời gắn liền với quản trị rủi ro, đồng thời hướng đến đạt chuẩn Basel III.

Tiếp đà bứt phá

Đa phần các chuyên gia phân tích đều nhận định trong quý IV và kể cả sang năm 2022, lợi nhuận ngân hàng sẽ có nhiều yếu tố hỗ trợ để tiếp tục tăng trưởng. Cụ thể, theo MBKE, hầu hết các ngân hàng đang trên đà hoàn thành mục tiêu năm 2021. Lũy kế 9 tháng đầu năm, các ngân hàng đã hoàn thành bình quân 80% kế hoạch lợi nhuận cả năm 2021.

Công ty chứng khoán này kỳ vọng, 17 ngân hàng niêm yết sẽ đạt mức tăng trưởng lợi nhuận 10% trong quý IV/2021 nhờ tăng trưởng tín dụng và thu nhập từ phí mạnh hơn. Cả năm 2021, tăng trưởng lợi nhuận các ngân hàng có thể ở mức 33% so với năm 2020.

Còn theo Công ty Chứng khoán BIDV (BSC), tuy COVID-19 có tác động tiêu cực vào nhu cầu tín dụng cũng như dự phòng của các ngân hàng, nhưng ảnh hưởng này không làm điều chỉnh giảm quá nhiều lợi nhuận trong điều kiện các ngân hàng đã hoàn thành 80% kế hoạch của cả năm và trích lập phần lớn các khoản nợ tái cơ cấu cần trích trong năm 2021.

Dài hạn hơn, trong năm 2022, nhóm phân tích BSC kỳ vọng tốc độ tăng trưởng của ngành ngân hàng sẽ tốt hơn so với dự báo trước, cụ thể lên mức 22,2% (so với mức 18,4% trước đó) nhờ kinh tế phục hồi sau dịch.

VCBS lại cho rằng lợi nhuận toàn ngành ngân hàng sẽ có mức tăng trưởng tích cực trong năm 2022. Tuy nhiên, sẽ có mức độ phân hóa rõ rệt với tiềm năng thuộc về nhóm ngân hàng tư nhân tiếp tục hạ được chi phí vốn. Các ngân hàng có thể đạt được mức tăng trưởng lợi nhuận cao trên 20% bao gồm: BID, MBB, TCB, ACB, TPB, MSB.

Ông Lê Quang Trung - Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc khối Nguồn vốn và Ngoại hối, Ngân hàng VIB cho biết thêm, ngành ngân hàng trong quý cuối năm 2021 và kể cả sang năm 2022 sẽ nhận được nhiều hỗ trợ để tăng trưởng lợi nhuận. Đó là, các dự báo tăng trưởng GDP trong năm 2022 quanh mức 5,5% và Việt Nam đang kỳ vọng thêm gói hỗ trợ và tăng trưởng kinh tế của Chính phủ. Khi gói hỗ trợ này được thông qua, ngân hàng sẽ là ngành được hưởng lợi gián tiếp vì doanh nghiệp có thêm dòng tiền, giảm tiềm ẩn nguy cơ nợ xấu tại các ngân hàng.

Cùng với đà tăng trưởng lợi nhuận, các công ty chứng khoán cũng lạc quan với triển vọng cổ phiếu nhóm ngân hàng trên thị trường chứng khoán. Trong đó Agriseco cho biết, cổ phiếu ngành ngân hàng sẽ được hưởng lợi nhờ dư địa đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng sau khi dịch bệnh được khống chế và hoàn thành kế hoạch tăng vốn, trả cổ tức đang triển khai. Thêm vào đó, mặt bằng giá cổ phiếu ngân hàng đã trở về trạng thái hấp dẫn sau khi đã tích lũy trong 3 tháng qua; P/E hiện tại của ngành đạt 13,02 lần là mức khá rẻ nếu so với mặt bằng giá trong khu vực.

Với vị thế chiếm 1/4 giá trị vốn hóa thị trường, nhóm phân tích của VNDIRECT đánh giá cổ phiếu ngành ngân hàng sẽ được hưởng lợi lớn nhất từ sự tham gia ngày càng tăng của các nhà đầu tư cá nhân vào thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, việc xuất hiện các biến thể mới của chủng virus COVID-19 có thể sẽ cản trở sự hồi phục của nền kinh tế và lạm phát cũng cao hơn, điều này dự kiến cản trở việc mở rộng cho vay của các ngân hàng.

Cộng thêm, dự báo về tăng trưởng lợi nhuận của ngành ngân hàng nhiều khả năng chậm lại cùng những lo ngại về khả năng nợ xấu tăng cao trong một vài quý tới, VNDIRECT khuyến nghị nhà đầu tư chỉ nên ưu tiên cho nhóm cổ phiếu của các ngân hàng có chất lượng tài sản vững chắc và có nguồn dự phòng dồi dào.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại