Nhu cầu nhân lực của ngành Công nghệ bán dẫn là một trong những lý do khiến ngành học này được quan tâm. Dự báo trong 5 năm tới, Việt Nam cần khoảng 20.000 người và 10 năm tới là 50.000 người có trình độ đại học trở lên trong lĩnh vực vi mạch - bán dẫn. Trong khi đó, nguồn nhân lực hiện tại chỉ khoảng 5.000 người, mới chỉ đáp ứng khoảng 20%.
Không chỉ vậy, mức thu nhập hấp dẫn, dao động từ 215 - 500 triệu đồng/năm, và lên đến 1,3 tỷ đồng/năm cho các kỹ sư giỏi, có thâm niên trong ngành này khiến cho vi mạch – bán dẫn càng trở nên thu hút.
Tại cuộc chia sẻ với truyền thông gần đây, ông Vũ Chí Thành - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng FPT Polytechnic cho rằng, cơ hội để Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu của ngành vi mạch là đã rất rõ ràng, tuy nhiên, cũng cần hiểu, cơ hội này sẽ vuột qua nếu như không có sự chuẩn bị kịp thời, đặc biệt là về đào tạo nhân lực.
"Chúng ta có thể hiểu đó là một chuyến tàu sẽ đến, nếu không sẵn sàng, chuyến tàu cũng sẽ rời đi. Vì thế, việc đào tạo nhân lực là cần thiết, cấp bách", ông nhấn mạnh.
Các trường học hoà vào dòng chảy
Năm 2024, trong dòng chảy chung, đề án tuyển sinh của nhiều trường đại học có dự kiến mở ngành đào tạo liên quan tới lĩnh vực hoàn toàn mới - vi mạch bán dẫn, như: Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TP HCM), Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, các trường đại học thành viên của Đại học Đà Nẵng, cụ thể: Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật, Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn, Trường Đại học Bách khoa…
FPT cũng mới công bố sẽ tuyển 1000 chỉ tiêu chuyên ngành Thiết kế Vi mạch bán dẫn và xem xét cấp học bổng từ 50% cho 2 học kỳ chuyên ngành đầu tiên đến 100% chương trình học cho tất cả các thí sinh.
Tất cả các thí sinh đăng ký chuyên ngành Thiết kế Vi mạch bán dẫn đều được xem xét cấp học bổng từ 50% cho 2 học kỳ chuyên ngành đầu tiên đến 100% toàn bộ chương trình học. Thí sinh trúng tuyển có thể lựa chọn học tại các phân hiệu Hà Nội, Đà Nẵng, TP. HCM hoặc Cần Thơ.
Theo chia sẻ của đại diện trường, tốt nghiệp chuyên ngành Thiết kế Vi mạch bán dẫn, sinh viên có thể đảm nhận các công việc trong ngành bán dẫn như Thiết kế, mô phỏng, kiểm chứng mạch điện tương tự số; Xây dựng tài liệu đặc tả (spec), tư vấn phát triển quy trình thiết kế; Quản lý giám sát thực hiện quy trình sản xuất đĩa bán dẫn (wafer) và chip; Kiểm thử chip, quản lý chất lượng vật liệu, thành phần trong đóng gói và kiểm tra; Nghiên cứu phát triển vật liệu, cấu trúc linh kiện; Phát triển bo mạch (board) và phần mềm lõi (firmware) hỗ trợ phát triển ứng dụng sử dụng chip.
Tương tự, sinh viên nhập học từ năm 2024 sẽ là thế hệ nhân sự bán dẫn đầu tiên của Việt Nam được đào tạo chính quy, bài bản tại trường cao đẳng FPT Polytechnic. Theo chia sẻ mới nhất của đại diện trường, khoá đào tạo sẽ kéo dài trong 2 năm liên tục, với mức học phí khoảng 3 triệu đồng/tháng. Theo đó, toàn bộ chương trình học đều đã được xây dựng, hoàn thiện và chuẩn hoá phù hợp. Sinh viên được đào tạo về ngành nói chung và một số các công đoạn trong ngành như đóng gói, kiểm thử.
Một trong những bước mà trường đã triển khai, đó là ký kết hợp tác với Tập đoàn Silicon Power (Trung Quốc). Theo đó, Tập đoàn Silicon Power sẽ tiếp nhận sinh viên ngành bán dẫn được đào tạo tại trường sang Đài Loan thực tập, làm việc tại khoảng 180 vị trí khác nhau - từ sản xuất đến thiết kế sản phẩm và các ngành phụ trợ.