Những người buôn thịt chó ở Campuchia mỗi ngày giết thịt hàng ngàn con chó với đủ mọi hình thức man rợ và tàn ác nhất.
hưng hệ quả đằng sau ngành kinh doanh này là chấn thương tâm lý của người làm nghề đồ tể và những căn bệnh nguy hiểm họ mắc phải, điển hình là bệnh dại.
Khieu Chan - Chủ một nhà hàng thịt chó đã ứa nước mắt khi nói về công việc ám ảnh anh tới tận giấc ngủ. Mỗi ngày anh ta phải giết thịt từ 6 con chó trở lên.
Lần nào ra tay, người đàn ông 40 tuổi đều nói với chúng: ''Hãy tha thứ cho ta! Ta làm điều này chỉ để nuôi sống gia đình mình."
Ngành kinh doanh phát triển tràn lan nhưng không chịu bất cứ sự quản lý nào
Thịt chó là món ăn ưa thích ở một số quốc gia Châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Việt Nam và cộng đồng người không theo đạo Hồi ở Indonesia.
Theo số liệu điều tra của các nhà hoạt động vì động vật, gần đây số lượng những người ăn thịt chó đang có chiều hướng giảm, bởi lẽ có nhiều người ở tầng lớp trung lưu đang nuôi loài động vật này như thú cưng và họ rất ghét việc ăn thịt chó.
Nhưng ở Campuchia, ngành kinh doanh tàn bạo này vẫn phát triển mà không sợ chính quyền chú ý.
Kinh doanh thịt chó ở Campuchia bao gồm các hoạt động bắt trộm chó, giết mổ không có giấy phép, và ở trong các nhà hàng thịt chó được bán dưới tên gọi là "món đặc biệt".
Hàng năm có khoảng 2 đến 3 triệu con chó bị giết thịt ở Campuchia.
Theo NGO Four Paws thống kê thì có hơn 100 nhà hàng thịt chó ở thủ đô Phnom Penh và khoảng 20 cái ở Siem Reap - nơi có khu quần thể Ankor Wat tọa lạc.
"Đó là một ngành kinh doanh cực kỳ lớn mạnh."- Katherine Polak, một bác sĩ thú y người Thái Lan hợp tác cùng tổ chức NGO đã trình bày những số liệu điều tra của mình với chính phủ.
Cô cho biết báo cáo của cô đã gây sốc với các nhà chức trách vì độ phát triển lớn mạnh của hoạt động mua bán, giết thịt chó.
Bệnh dại và những mối lo về sức khỏe cộng đồng
Hàng ngày vẫn có những người đi xe máy khắp miền Bắc Campuchia để bán nồi niêu, xoong chảo và họ còn thu mua cả chó.
Họ nhốt những con chó tội nghiệp vào một cái lồng quá cỡ ở phía sau xe và chuyển chúng tới cho lò mổ.
Mỗi con còn sống sẽ bán với giá từ 2 - 3 USD/kg (tương đương 45 nghìn đến 65 nghìn VNĐ), và các "nhà cung cấp" này được khuyến khích kiếm càng nhiều chó càng tốt.
Người thu mua chó có thể kiếm từ 750 - 1000 USD (khoảng 23 triệu VNĐ) ở nước này, nơi thu nhập trong các nhà máy dệt may là dưới 200 đô la Mỹ, tức là không đến 5 triệu VNĐ.
Các nhà nghiên cứu nói rằng việc buôn bán thịt chó đang dấy lên nhiều vấn đề về sức khỏe cộng đồng khi những con chó nhiễm bệnh sẽ bị mang đi khắp toàn quốc.
Việc giết mổ chó cũng đang làm giảm mọi nỗ lực phòng bệnh vì số chó đã được tiêm vắc-xin cũng bị suy giảm mạnh.
Campuchia là một trong những nơi có nhiều ca mắc bệnh dại nhất thế giới và đa phần các trường hợp đều do chó cắn.
Ở các lò giết mổ, công nhân không mặc đồ bảo hộ và nơi này cũng không hề có bất cứ tiêu chuẩn an toàn vệ sinh nào, nguyên nhân là do thiếu sự quản lý của chính phủ.
Trả lời phỏng vấn AFP, Pring - một dân làng ở Siem Reap nói: "Tôi đã bị một con chó cắn nhưng không được tiêm vắc-xin bởi vì đến tận đêm muộn tôi mới trở về nhà. Sau đó tôi chỉ sát trùng vết thương bằng xà phòng và chanh."
Quy trình giết mổ ở các quốc gia phát triển đều quy định khoảng cách giữa những con vật và người thợ. Nhưng ở Campuchia, mọi thứ đều dùng tay trần.
Hành vi giết mổ tàn bạo và những tiếng kêu thảm thiết
Sau khi nhận được hàng, người đàn ông cởi trần ném ngay mấy con chó vào chuồng. Rồi chúng sẽ bị giết thịt với những hành vi tàn bạo nhất.
Công việc thường bắt đầu từ sáng sớm, chỉ sau khi bình minh vừa hé lên ở Siem Reap, một người thợ đã kéo con chó ra khỏi chuồng rồi treo nó lên một cành cây ở gần nơi phơi quần áo, chỉ sau vài phút cố vật lộn con vật đã dừng hẳn.
"Nếu năng suất, một ngày tôi giết từ 10 đến 12 con chó. Tôi cũng cảm thấy có chút thương cảm với chúng nhưng ai mà biết được, vì cuộc sống cả."- người cựu chiến binh Hun Hoy chia sẻ.
Ở tỉnh Kampong Cham và Kandal, người ta thường giết chó bằng cách dìm chết con vật. Một người phụ nữ chia sẻ: "Bằng cách nhốt những con chó vào lồng và dìm chúng xuống nước thì chúng tôi sẽ không phải nghe tiếng chúng kêu gào nữa".
Tổ chứcFour Pawsđã từng đề nghị Khieu Chan đóng cửa nhà hàng của mình và hứa tặng lại anh một mảnh đất để canh tác nông nghiệp, với mong muốn ngăn chặn sự phát triển của ngành kinh doanh man rợ này.
Khieu Chan sau đó đã đồng ý và thả hết số chó trong nhà hàng của mình và tham gia giúp Four Paws giải cứu những con chó ốm bị thu gom.
Trước khi chúng được gửi về Phnom Penh để chữa trị, anh đã quỳ xuống và nói: "Chúng mày đã được tự do, sẽ không ai giết hại chúng mày nữa".
Ở Campuchia, thịt chó được xem là đồ nhậu cho cánh đàn ông còn phụ nữ thì thường ăn với lý do để trị bệnh.