Trong ngày Tư vấn xét tuyển đại học, cao đẳng 2024 thu hút hàng ngàn thí sinh, phụ huynh tham dự tại Đại học Bách khoa Hà Nội ngày 20/7, nhiều thí sinh quan tâm đến những ngành hot, nhất là Thiết kế vi mạch, ngành còn được ví là "vua" của mọi ngành.
Theo Dân trí, PGS.TS Nguyễn Phú Khánh, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa, hiện nay tại nhiều trường Đại học, thiết kế vi mạch thường là chuyên ngành nằm trong ngành điện tử viễn thông. Ông Khánh chia sẻ, ngành Thiết kế vi mạch được chia thành 3 giai đoạn như thiết kế, sản xuất và kiểm tra kiểm thử.
Theo Thạc sĩ Nguyễn Phúc Vinh, chuyên gia Vi mạch bán dẫn, thành viên Ban Chấp hành Hội Công nghệ vi mạch bán dẫn TP.HCM (HSIA), nhu cầu nhân lực cho ngành này tại Việt Nam đang rất lớn và dự báo tiếp tục tăng trong các năm tới.
Thiết kế vi mạch là ngành gì?
Thiết kế vi mạch là ngành chuyên nghiên cứu, phát triển và chế tạo các chip điện tử, còn gọi là mạch tích hợp (IC - Integrated Circuit). Các vi mạch tích hợp này có thể chứa hàng triệu hoặc thậm chí hàng tỷ thành phần điện tử như transistor, điện trở, tụ điện, và nhiều thành phần khác trên một chip nhỏ.
Hiện nay, trong giai đoạn chuyển đổi số, ngành nghề này trở thành ngành nghề đầy triển vọng, là sự lựa chọn hàng đầu của nhiều sinh viên trong tương lai. Bởi các hệ thống vi mạch được tích hợp là yếu tố nền tảng, hạ tầng thiết bị quan trọng để thực hiện quá trình chuyển đổi số.
Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có nhiều cơ hội việc làm như: Thiết kế, chế tạo vi mạch, đáp ứng yêu cầu về tính năng động, sáng tạo của nghề nghiệp; Kiểm tra, kiểm thử thiết kế và lĩnh vực liên quan đến thiết kế vật lý; Các công việc liên quan đến thiết kế logic, thiết kế số. Sinh viên được trang bị toàn diện, cả về chuyên môn và kỹ năng mềm để có thể thiết kế, chế tạo vi mạch, đáp ứng được yêu cầu về tính năng động và sáng tạo của nghề nghiệp này.
Cơ hội việc làm và mức lương của ngành Thiết kế vi mạch
Người học ngành Thiết kế vi mạch có thể làm việc tại các công ty sản xuất chip, linh kiện bán dẫn, các công ty sản xuất thiết bị điện tử, hoặc các công ty nghiên cứu và phát triển.
Các vị trí công việc mà kỹ sư thiết kế vi mạch có thể đảm nhiệm bao gồm: Kỹ sư thiết kế mạch điện tử; Kỹ sư thiết kế vật lý; Kỹ sư nghiên cứu và phát triển vi mạch; Kỹ sư thử nghiệm vi mạch; Kỹ sư thiết kế logic,...
Mức lương ngành học này dựa theo kinh nghiệm. Người mới ra trường từ 1 - 3 năm có thu nhập từ 15 - 20 triệu đồng/tháng. Người có kinh nghiệm 3 - 6 năm đạt thu nhập 35 - 40 triệu đồng/tháng. Người có trên 6 năm kinh nghiệm có thể đạt ngưỡng thu nhập khủng từ 50 - 100 triệu đồng/tháng.
Theo ông Trần Minh Luân, quản lý cấp cao của Công ty VeriFast Technologies (Quận 3, TP. HCM), ngành Thiết kế vi mạch có cơ hội việc làm hấp dẫn, càng nhiều năm kinh nghiệm mức lương càng cao.
"Nhân sự mới ra trường sẽ có mức lương khoảng 15 - 17 triệu đồng/tháng, thậm chí sau 1 - 2 năm có thể đạt từ 20 - 27 triệu đồng/tháng. Ngành này ngoài sự đột biến về thu nhập, còn có cơ hội được làm việc ở nước ngoài khá lớn, kinh nghiệm làm việc từ 3 - 5 năm sẽ được tuyển dụng tại các tập đoàn lớn ở Singapore, Malaysia…", ông Luân từng chia .
Hiện nay, một số trường đào tạo ngành Thiết kế vi mạch như: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Hoa Sen,...
Tổng hợp