Hãng dầu mỏ khổng lồ BP vừa công bố thông tin lợi nhuận ròng giảm sâu trong quí I/2020 trong bối cảnh giá dầu mỏ lao dốc mạnh cũng như mối lo ngại về đại dịch Covid-19 vẫn chưa dứt.
BP lỗ nặng trong quý I/2020 vì sự sụp đổ của giá dầu. (Ảnh: The Guardian)
BP - Tập đoàn dầu mỏ đa quốc gia có trụ sở tại London (Anh) cho biết khoản lỗ trong quý I năm nay lên tới 502 triệu bảng (tương đương 628 triệu USD) mặc dù cùng kỳ năm ngoái hãng thu lợi về 2 tỷ USD.
Lợi nhuận ròng quí I của hãng dầu mỏ này là 791 triệu USD - một con số quá khiêm tốn so với lợi nhuận quí I năm 2019 là 2,35 tỷ USD.
Kết quả kinh doanh của BP được đưa ra sau sự sụp đổ của giá dầu vào tuần trước khi "vàng đen" lao dốc một cách kỷ lục với dầu WTI rơi xuống mức giá âm.
Mức giá dầu thô trung bình trong 3 tháng đầu năm 2020 vào khoảng 50 USD/thùng, giảm mạnh so với mức 63 USD/thùng cùng kỳ năm ngoái. Thế nhưng, chỉ trong tuần qua, giá dầu đã rớt thê thảm, trượt xuống dưới mức thấp kỷ lục cách đây 16 năm - 16 USD/thùng.
Giám đốc điều hành BP, ông Bernard Looney cho hay, ngành dầu mỏ chịu cú giáng mạnh chưa từng có từ cú sốc cung - cầu, và chưa biết đến bao giờ giá dầu mới được phục hồi.
Trong khi đó, tại Mỹ, nhu cầu dầu mỏ sụt giảm tới mức thấp nhất trong vòng 16 năm qua do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và lệnh hạn chế đi lại tại nhiều quốc gia trên thế giới. Nhu cầu sử dụng năng lượng tại Mỹ giảm mạnh hơn cả thời kỳ khủng hoảng tài chính cách đây hơn chục năm.
(Ảnh: New York Times)
Dầu mỏ "vô gia cư" xuất hiện ngày càng nhiều ở những nơi như Seal Beach - một địa danh nổi tiếng với những chiếc tàu gỗ dài và các điểm lướt sóng hấp dẫn.
Quốc đảo Malta và bờ biển Hurd Bank ở Địa Trung Hải cũng trở thành những điểm đến ưa chuộng cho các tàu dầu. Hiện nhiều tàu cỡ lớn chở đầy dầu với hải trình đến Italy và Thổ Nhĩ Kỳ đang đổ về Hurd Bank vì nơi đây gần các cảng biển của Malta nên chủ tàu dễ dàng bổ sung thực phẩm và nhiên liệu chạy tàu.
Nằm chờ ở Hurd Bank đã một thời gian, tàu Front Tiger rời Hàn Quốc từ ngày 1/3 và chở theo 850.000 thùng nhiên liệu máy bay, trước thời điểm nhu cầu nhiên liệu ở châu Âu đổ sụp do các hãng hàng không ngưng chuyến vì dịch Covid-19. Theo dữ liệu của công ty phân tích dầu mỏ Vortexa, tàu Front Tiger đã lênh đênh 20 ngày ngoài khơi Malta để chờ lệnh đi tiếp.
Một tàu khác từ Italy cũng lâm cảnh tương tự với 250.000 thùng nhiên liệu. Gần đó là một tàu Hy Lạp đang mang tải 580.000 thùng dầu được khai thác từ giàn khoan ở Libya hôm 3/3.
Ở những nơi khác, khoảng 8 triệu thùng dầu đang nằm im trên tàu ở Vịnh Saldanha (Nam Phi), con số này được công ty dữ liệu dầu mỏ Kpler dự báo tăng gấp đôi trong 4 tuần tới. Còn tại phía Nam biển Caribe, khoảng 2,5 triệu thùng dầu khác đang được tích trữ trên 5 tàu lênh đênh gần đảo Curaçao.
Xoay sở tích trữ dầu trên biển làm tăng thêm gánh nặng tài chính cho ngành dầu mỏ. Theo số liệu của công ty tư vấn dầu khí Rystad Energy (Na Uy), chi phí thuê "siêu tàu" dầu là khoảng 4,5 USD/thùng/tháng. Nghĩa là, với tàu dầu có sức chứa trung bình khoảng 2 triệu thùng, bên thuê tàu phải trả phí thuê lên tới 9 triệu USD/tháng.
Công ty dữ liệu dầu mỏ Kpler cho biết, khối lượng dầu mỏ tích trữ trên tàu biển tăng vọt 76% kể từ ngày 1/3 lên 153 triệu thùng, tương đương 1,5 ngày sản lượng toàn cầu trước dịch Covid-19.
Thiếu nơi tiêu thụ, ngành công nghiệp dầu mỏ Mỹ rơi vào thảm họa tài chính. Nhiều nhà sản xuất dầu mỏ tại Nigeria, Algeria, Iraq và Iran cũng lâm vào tình cảnh khó khăn, trong khi các "ông lớn" dầu mỏ của Saudi Arabia đang lao đao.
Việc thiếu nơi tích trữ dầu mỏ đang đẩy các thành viên trên thị trường dầu mỏ vào tình cảnh phải đóng cửa. Dầu thô trở nên thừa mứa khi đại dịch Covid-19 xuất hiện và khiến nhu cầu dầu mỏ thế giới đổ sụp, tạo gánh nặng chưa từng có lên hệ thống phân phối dầu mỏ toàn cầu.
Thậm chí, đã xuất hiện cảnh ngược đời tại một điểm giao nhận dầu mỏ lớn của Mỹ như thành phố Cushing, bang Oklahoma khi mà người bán phải trả tiền để người mua mang dầu đi. Tình cảnh này không biết khi nào mới được cải thiện khi đại dịch Covid-19 vẫn là một "ẩn số".