Một xưởng gia công tóc ở Myanmar - Ảnh: SCMP
Tại một tiệm cắt tóc nhỏ trên lề đường ở trung tâm thủ đô Yangon của Myanmar, chị Za Za Lin với đôi mắt chực khóc lặng lẽ ngắm nhìn người thợ cắt đi mái tóc đen dài óng ả của mình.
Mái tóc ấy sẽ cho chị đủ tiền trọ tháng này và dư một chút cho bữa ăn.
"Chỉ hơi tiếc thôi, phải không?", người mua tóc có tên Zin Mar hỏi Lin khi trao lại số tiền khoảng 13 USD cho mái tóc dài 51cm mà cô vừa cắt - mức lương tối thiểu hàng tuần ở Myanmar.
Ở phía bên kia của thế giới, mái tóc ấy sẽ được gia công, đóng gói với mác “tóc thật từ Miến Điện” và bán với giá hàng trăm USD cho những người có nhu cầu mua tóc giả hoặc tóc nối.
Tại Myanmar, mái tóc dài là đặc trưng cho vẻ đẹp nữ tính và có ý nghĩa tôn giáo sâu sắc nhưng vì điều kiện sống khó khăn, nhiều người đã phải từ bỏ dấu ấn văn hóa ấy.
Win Ko, 23 tuổi, là một người chuyên thu mua tóc từ các phụ nữ hoặc tiệm cắt tóc trong các khu chợ.
Chị cho biết hành trình của một mái tóc từ khi cắt tại tiệm đến khi được thu nhặt và gia công trong các nhà máy có thể kéo dài hàng tuần hoặc nhiều tháng.
Mặc dù việc mua bán tóc đã có từ hàng thế kỷ, ngành công nghiệp này chỉ thực sự phát triển trong thập kỷ vừa qua, khi Myanmar mở cửa giao thương với quốc tế.
Đất nước này trở thành trung tâm của một ngành công nghiệp trị giá hàng triệu USD.
Từ năm 2010, khối lượng tóc xuất khẩu của Myanmar đã tăng gấp 4 lần và đứng thứ 4 trên thế giới trong ngành công nghiệp đặc biệt này, Liên Hợp Quốc cho biết.
Riêng năm 2017, Myanmar thu được 6,2 triệu USD từ ngành xuất khẩu tóc, tương đương với lợi nhuận của 1.160 ô tô tầm trung.
Ngành thương mại mới mẻ thu hút hàng nghìn người cung cấp, chế biến và xuất khẩu tóc, từ những người tuyệt vọng như Za Za Lin hoặc những salon tóc cao cấp.
Số lượng công ty trong ngành này phần lớn chưa được chính phủ thống kê và kiểm soát.
Theo giám đốc Min Zaw Oo của Nay Lin, một doanh nghiệp kinh doanh tóc lâu năm tại đây, đối tượng khách hàng chủ yếu là phụ nữ ở Anh, Nigeria, Nam Phi và Mỹ.
Từ khóa “tóc Miến Điện” trên Youtube cho hàng nghìn kết quả về các nhận xét cũng như hướng dẫn sử dụng mặt hàng này.
“Nó không quá bóng như tóc Ấn Độ và không quá thô như tóc Brazil. Sự hài hòa làm nên điểm đặc biệt”, một blogger làm đẹp có hơn 600.000 người theo dõi nhận xét trong một video riêng.
Tuy nhiên, nhu cầu đối với tóc Miến Điện đang vượt xa nguồn cung bởi xu hướng thời trang hiện đại khiến việc sản xuất và tìm nguồn cung ngày càng khó khăn.
“Tóc có màu, đã uốn hoặc nhuộm sẽ không bền”, Hmwe Hmwe, 44 tuổi, người đã trải qua 13 năm kinh doanh cho biết.
Vì vậy, phần lớn tóc được xuất khẩu từ Myanmar hiện nay không phải là tóc mới cắt mà thay vào đó là tóc rụng.
Một chủ doanh nghiệp nói rằng bà đã mua “tóc rụng mắc trên lược”. Bà trả khoảng 55 xu cho mỗi lạng tóc, nhét vào túi nhựa cho gia đình và hàng xóm để gỡ rối và chải thành bó trước khi bán cho người trung gian.
Thị trấn Muse ở biên giới của Myanmar là nơi trao đổi tóc khá nhộn nhịp với hàng chục thương lái Trung Quốc đang chờ đợi để mua tóc.
Đối với nhiều phụ nữ tại đây, việc mất đi mái tóc dài – một biểu tượng thiêng liêng mang đến nhiều mất mát về tinh thần hơn vật chất.
Ngành buôn bán tóc người tại đây từng là nguyên nhân cho nhiều cuộc tranh cãi bất tận giữa các giá trị văn hóa truyền thống và sự xoay chuyển của nền kinh tế với những nhu cầu cơ bản của con người.
(Theo SCMP)