Theo báo cáo của tổ chức Space Foundation có trụ sở tại Mỹ, ngành công nghiệp vũ trụ năm ngoái đạt 469 tỷ USD, cho thấy mức tăng nhanh nhất kể từ năm 2014. Đầu tư của các chính phủ và các tập đoàn trên thế giới vào lĩnh vực tên lửa, vệ tinh và các lĩnh vực khác liên quan đến hàng không vũ trụ, tăng 9% so với năm 2020.
Mỹ vẫn là quốc gia chi nhiều nhất, với tổng ngân sách dành cho vũ trụ trong năm ngoái đạt 60 tỷ USD, gần gấp 4 lần nước xếp thứ hai là Trung Quốc. Ấn Độ và nhiều quốc gia châu Âu cũng tăng 30% hoặc hơn đầu tư cho công nghiệp vũ trụ.
Năm 2022, dự báo ngành công nghiệp vũ trụ không đạt mốc tăng trưởng kỷ lục mới, nhưng tốc độ phát triển vẫn ở mức cao. Đáng chú ý, chi tiêu của các chính phủ dành cho ngành này vẫn tiếp tục tăng với hơn 90 quốc gia đang hiện diện trên không gian vũ trụ. 6 tháng đầu năm 2022 đã chứng kiến 75 vụ phóng tên lửa trên toàn thế giới, mức kỉ lục kể từ năm 1967. Một điểm đáng chú ý là khoảng 90% trong số hơn 1.000 tàu vũ trụ được phóng vào không gian trong năm nay là do các công ty thương mại thực hiện.
Cuộc đua chinh phục không gian
Việc các nước tăng nguồn đầu tư đang mang lại nhiều đột phá và tăng mức độ cạnh tranh trong cuộc đua không gian. Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã đầu tư mạnh vào chương trình không gian nhằm hiện thực hóa ước mơ chinh phục vũ trụ và đuổi kịp Mỹ. Nước này đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong công cuộc khám phá không gian như phóng vệ tinh, đưa con người lên trạm vũ trụ, thăm dò sao Hỏa và đang lên kế hoạch đưa phi hành gia lên Mặt trăng.
Mỹ và Trung Quốc đều đang hướng đến mặt trăng. Sau gần 50 năm kể từ sau chuyến bay Apollo cuối cùng vào năm 1972, Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ NASA đã khởi động chương trình đưa các phi hành gia lên Mặt Trăng vào năm 2025. Theo sát mục tiêu đầy tham vọng của NASA, Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc cũng công bố kế hoạch đưa các phi hành gia lên Mặt trăng vào năm 2030. Hai nước cũng đang chạy đua xây dựng trạm nghiên cứu trên Mặt trăng. Đây là sứ mệnh không dễ dàng vì Mặt trăng cách Trái đất 384.000 km. Trạm Vũ trụ Quốc tế hiện nay chỉ cách Trái đất 400km. Từ Mặt trăng, họ có thể làm bàn đạp để đến sao Hỏa và khám phá không gian xa hơn.
Hiện Mỹ vẫn dẫn đầu trong các lĩnh vực liên quan đến không gian vũ trụ, nhưng Trung Quốc đang nhanh chóng thu hẹp khoảng cách. Nước này đã tăng tốc nỗ lực khám phá không gian vào cuối năm nay với việc xây dựng trạm vũ trụ Thiên Cung, khởi động một số sứ mệnh thu thập mẫu Mặt trăng và đưa một tàu thám hiểm tên là Chúc Dung lên sao Hỏa để cạnh tranh với NASA.
Trung Quốc đã trở thành quốc gia thứ hai sau Mỹ hạ cánh và vận hành tàu thám hiểm trên hành tinh đỏ. Với việc Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS) dự kiến ngừng hoạt động vào năm 2024, Trung Quốc sẽ sớm là quốc gia duy nhất có trạm vũ trụ khi trạm vũ trụ Thiên Cung dự kiến hoàn tất vào cuối năm nay.
Các phi hành gia Trung Quốc bước ra ngoài không gian từ trạm vũ trụ mới 2 lần trong tháng 9
Ông Châu Kiến Bình - Chương trình không gian có người lái của Trung Quốc cho biết: "Cấu hình cơ bản trạm vũ trụ của Trung Quốc sẽ được hình thành với ba module: lõi Thiên Hà, hai module phòng thí nghiệm, ba tàu vũ trụ gồm Tàu Thần Châu -14 và 15, cũng như tàu vũ trụ chở hàng Thiên Châu-5. Chúng sẽ nặng khoảng 100 tấn".
Nhiều thập niên qua, Trung Quốc đã theo đuổi chiến lược trong không gian nhằm biến nước này thành một cường quốc vũ trụ.
Ông Lý Đông - Người thiết kế tên lửa Trường Chinh 5 nói: "Phát triển công nghiệp vũ trụ phải phục vụ chiến lược phát triển chung của quốc gia. Công nghiệp vũ trụ chắc chắn sẽ không ngừng phát triển, đồng thời góp phần hiện thực hóa giấc mơ của Trung Quốc".
Thực tế cho thấy Trung Quốc đã tiến một bước dài trong việc bắt kịp Mỹ và Nga, những quốc gia có hàng chục năm kinh nghiệm khám phá không gian.
Các phi hành gia Trung Quốc bước ra ngoài không gian từ trạm vũ trụ mới 2 lần trong tháng 9 này, nhưng sứ mệnh khám phá không gian của Trung Quốc không dừng lại ở đó. Mục tiêu tiếp theo là đưa con người đặt chân lên Mặt trăng vào năm 2030.