Tờ The Guardian đưa tin, Nga đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây sau khi phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine; trong đó, ngành công nghiệp ô tô của nước này bị ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng.
Sửa xe tốn kém như mua mới
Eldar Gadzhiev - một công dân Nga có 4 chiếc xe cỡ nhỏ cho thuê ở Moscow - cho biết, khi chiếc xe Skoda của anh bị hỏng vào tháng 4, Gadzhiev đã rất thất vọng. "Tôi hiểu rằng mình đang ở trong một tình huống tồi tệ: việc sửa chữa sẽ tốn kém như mua mới chiếc xe", anh nói.
Gadzhiev lưu ý rằng, với tình trạng hiện tại trên thị trường Nga, các đại lý đã trở nên vô dụng. Các cửa hàng cung cấp phụ tùng ô tô khác đã có danh sách chờ kéo dài hàng tháng.
Mong muốn ô tô của mình có thể sớm hoạt động trở lại, Gadzhiev đã đăng vấn đề về chiếc xe của mình lên mạng xã hội và nhanh chóng được một loạt các đại lý phụ tùng ô tô ngầm liên hệ để cung cấp những gì anh đang tìm kiếm.
Nghi ngờ nhiều tay buôn đang buôn bán các linh kiện ô tô bị đánh cắp, Gadzhiev tỏ ra kín tiếng: "Đó là sự trở lại của kẻ cướp". Anh đã phải chi gấp tám lần bình thường để làm cho chiếc xe Skoda hoạt động trở lại.
Cũng theo Gadzhiev, những người khác đã báo giá tăng lên đến mười lần vì các nhà phân phối linh kiện đã bị đóng cửa tại Nga do các lệnh trừng phạt.
Aleksei Atapov - người điều hành một công ty sửa chữa ô tô ở Moscow - cho biết: "Các kho trung tâm đã đóng cửa vào cuối tháng 2, và ngay cả những linh kiện tùy chỉnh đã đến nơi cũng không được giao cho chúng tôi. Họ đã trả lại tiền và đưa tất cả các linh kiện trở lại nước ngoài".
Các nhà bán lẻ trực tuyến lớn của Nga như Wildberries đã bổ sung thêm ô tô vào mặt hàng kinh doanh, và chính phủ Nga cũng ban hành chính sách cho phép nhập khẩu các linh kiện thay thế. Tuy nhiên, hiện tại, vấn đề vẫn đang rất nóng.
"Tất cả các linh kiện thay thế hết rất nhanh", ông Atapov nói.
Xe mới nhưng trang bị "siêu" lạc hậu
Những chiếc xe mới cũng không tránh khỏi vấn đề này. Nhiều hãng sản xuất ô tô quốc tế đã rút khỏi Nga. Đáng chú ý, Renault đã bán lại thương hiệu AvtoVAZ và nhà máy Renault tại Nga cho các quỹ đầu tư của Nga với giá chỉ 1 Rúp cho mỗi thương hiệu vào tháng 5. Các hãng sản xuất ô tô khác, bao gồm Mercedes-Benz, Volkswagen, Ford và Toyota đều đã ngừng hoạt động hoặc rút hoàn toàn khỏi Nga.
Vì không thể mua được một số linh kiện do lệnh trừng phạt của phương Tây, AvtoVAZ đã ngừng sản xuất xe dưới thương hiệu con Lada của mình vào tháng 3 và khiến nhiều công nhân của công ty mất việc. Tuy nhiên, vào tuần trước, các dây chuyền lắp ráp mẫu xe Lada Granta Classic đã hoạt động trở lại.
Mẫu xe Lada Granta Classic được xuất xưởng với động cơ 90 mã lực và hộp số sàn. Ảnh: thedriver.com
Mẫu xe Granta lần đầu tiên được sản xuất vào năm 2011 với sự hợp tác giữa AvtoVAZ và Renault. Hiện tại, mẫu xe đã được điều chỉnh lại trang bị lại để đối mặt với những thực tế từ chuỗi cung ứng mới sau khi Renault rút lui. Mẫu xe sẽ được xuất xưởng mà không có túi khí, định vị vệ tinh, phanh chống bó cứng (ABS), cân bằng điện tử... Mẫu xe dự kiến chỉ đáp ứng tiêu chuẩn ô nhiễm năm 1996 của châu Âu.
David Ward - Chủ tịch điều hành của Chương trình đánh giá xe mới toàn cầu - cho biết: “Đây là một bước lùi". "Thật buồn" và "mỉa mai" khi Nga đã cắt giảm các tính năng an toàn, đặc biệt là khi nước này giữ vai trò là Phó chủ tịch Diễn đàn thế giới về hài hòa các quy định về phương tiện của Liên hợp quốc.
Tuy nhiên, hãng AvtoVAZ cho biết trong một thông cáo báo chí vào tuần trước rằng, mẫu xe mới đảm bảo "khả năng nội địa hóa tối đa của xe" trong khi phải đối mặt với "tác động của tình trạng thiếu linh kiện nhập khẩu".
Maxim Sokolov - Chủ tịch AvtoVAZ - cho biết: "Chúng tôi phải sản xuất nhiều hơn nữa những mẫu xe phổ biến và giá cả phải chăng nhất cho thị trường Nga mà không phụ thuộc vào sự thiếu hụt linh kiện nhập khẩu. Để làm được điều này, công ty cùng với các cơ quan liên bang và khu vực đang tích cực tham gia vào việc phát triển năng lực của các nhà cung cấp Nga".
Mẫu xe mới Lada Granta Classic có trang bị như từ thế kỷ trước. Ảnh: Kolesa.ru
Theo The Guardian, chuyện tương tự đang diễn ra trong ngành hàng không của Nga. Không có các hãng Boeing và Airbus cung cấp linh kiện cho hàng trăm máy bay tại Nga, những chiếc máy bay này sẽ sớm trở nên vô giá trị, vì việc tận dụng các linh kiện còn tốt để duy trì hoạt động của máy bay sẽ khiến chúng trở nên quá nguy hiểm khi bay và bị các nước trên thế giới cấm bay vào không phận của họ.
Cuộc chiến ở Ukraine vẫn đang kéo dài chưa có hồi kết. Trong trường hợp xung đột chấm dứt, việc khôi phục nguồn cung sẽ mất nhiều tháng, nếu không muốn nói là nhiều năm. Nhiều khả năng, cả ô tô mới và linh kiện thay thế sẽ vẫn thiếu hụt ở Nga trong thời gian tới.