Với nguồn ngân sách mới, Lầu Năm góc không chỉ có đủ nguồn lực để tập trung vào các lĩnh vực mũi nhọn như vũ khí công nghệ cao, tăng cường hiện diện ở các điểm nóng chiến lược…, mà còn từng bước xây dựng lại lực lượng hải quân hùng hậu tương đương thời chiến tranh Lạnh.
Ngân sách quốc phòng đạt mốc kỷ lục mới
Sau khi được lưỡng viện Quốc hội Mỹ thông qua, dự toán ngân sách quốc phòng năm tài khóa 2020 của Mỹ chỉ còn bước cuối cùng là đệ trình lên Tổng thống Mỹ Donald Trump phê duyệt để chính thức có hiệu lực từ tháng 4-2020 (theo quy định của Hiến pháp Mỹ, thời gian bắt đầu của năm tài khóa khác so với năm dương lịch thông thường).
Giới chức Mỹ dự đoán, việc thông qua ngân sách quốc phòng mới chỉ còn là thông lệ vì toàn bộ chương trình phân bổ ngân sách mới đều đáp ứng chiến lược “Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại” của ông D. Trump.
Theo các nguồn tin được công bố, trong số 738 tỷ USD được phê duyệt, có 635 tỷ USD được chuyển cho Lầu Năm góc.
Số còn lại sẽ được phân chia, gồm 71,5 tỷ USD còn lại sẽ được sử dụng cho các hoạt động quân sự của Mỹ tại nước ngoài, như tại Afghanistan, Syria, Yemen và các hoạt động chống khủng bố toàn cầu…; 31,5 tỷ USD cho việc duy trì và nâng cấp lực lượng hạt nhân chiến lược.
Dưới thời Tổng thống Donald Trump, ngân sách quốc phòng Mỹ liên tục đạt những kỷ lục mới.
Trong năm tài khóa 2020, Mỹ cũng dự kiến chi tới 734 triệu USD cho sáng kiến ngăn chặn tại châu Âu với mục đích chống lại sự ảnh hưởng của Nga tại lục địa già, cũng như tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực.
Nguồn viện trợ quân sự cho các đồng minh của Mỹ tại châu Âu cũng được tăng lên đáng kể. Với việc có thêm nguồn tài chính, Mỹ sẽ gia tăng sức ép lên dự án xây dựng đường ống dẫn khí đốt mới Nord Stream-2 và Turkey Stream của Nga hướng về châu Âu.
Binh chủng tác chiến vũ trụ mới thành lập của Quân đội Mỹ cũng sẽ có vai trò và nhận nguồn tài chính độc lập tương đương với các quân binh chủng đang được duy trì.
So với năm tài khóa 2018, ngân sách quốc phòng năm 2019 tăng 22 tỷ USD và con số này sẽ còn tiếp tục tăng trong vài năm tới.
Giới chuyên gia quân sự nhận định, việc tăng ngân sách quốc phòng của Mỹ nhận được sự ủng hộ của chính giới Mỹ không chỉ nhằm tăng cường sức mạnh quân sự của Mỹ, mà còn tạo ra nhiều công ăn việc làm trong ngành công nghiệp quốc phòng.
Trong năm 2020, điều chỉnh quan trọng của Lầu Năm góc chính là giảm sự hiện diện quân sự ở nước ngoài. Nhiều khả năng, Mỹ có thể rút hoàn toàn hoặc một phần lực lượng khỏi Afghanistan và Syria, nguồn tài chính dư ra sẽ được tái đầu tư lại vào các chương trình mua sắm vũ khí, trang bị quân sự mới.
“Không khó để nhận ra phần lớn ngân sách quốc phòng của Mỹ được dành cho việc duy trì hoạt động của bộ máy quân sự khổng lồ ở trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Mỹ cũng đã định hướng trọng điểm đầu tư trong tương lai chính là hải quân”, chuyên gia quân sự Victor Murakhovsky, Tổng biên tập Tạp chí Tiềm lực quân sự quốc gia của Nga đánh giá.
Hải quân tiếp tục là ưu tiên hàng đầu
Trong dự toán ngân sách quốc phòng năm 2020, phát triển lực lượng Hải quân Mỹ được coi là ưu tiên hàng đầu. Chuyên gia Victor Murakhovsky cho biết, Mỹ đang tập trung nguồn lực nâng tổng số chiến hạm lên con số 355 chiếc, con số tương đương quy mô lớn nhất của Hải quân Mỹ thời chiến tranh Lạnh.
Mỹ sẽ duy trì liên tục 12 hạm đội tàu sân bay, các đơn vị tàu ngầm hạt nhân đa nhiệm Virginia… Việc tăng đóng mới chiến hạm sẽ tạo ra nhiều công việc mới trong ngành đóng tàu, cũng như ngành hậu cần dành cho hải quân. Con số ngân sách phân bổ cho Hải quân Mỹ không được công bố, nhưng chắc chắn sẽ không dưới hàng chục tỷ USD.
Không quân Mỹ chính là lực lượng thứ 2 nhận nguồn phân bổ ngân sách trong năm 2020. Với việc rút khỏi Hiệp ước về Các lực lượng tên lửa tầm trung (INF), Mỹ đang tập trung nguồn lực phát triển các dòng tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung mới, xây dựng lực lượng phòng thủ tên lửa hiện đại đáp ứng khả năng đối phó với vũ khí siêu vượt âm tương lai.
Cùng với đó, việc thực hiện các hợp đồng mua sắm máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 mới cũng tiêu tốn hàng tỷ USD ngân sách quốc phòng của Mỹ.
“Mỹ đang tập trung phát triển cho các hệ thống liên kết xuyên lục địa và một trong những mối quan tâm hàng đầu chính là quân sự hóa vũ trụ”, chuyên gia Victor Murakhovsky cho biết.
Mỹ hiện tại đang cố gắng xây dựng hệ thống liên kết trên quỹ đạo thấp của Trái Đất. Việc quân sự hóa vũ trụ sẽ giúp ích nhiều cho Mỹ trong việc thiết lập hệ thống cảnh báo sớm trong hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia.
Điểm mới trong việc phân bổ ngân sách quốc phòng Mỹ năm tài khóa 2020 chính là sự can dự sâu của chính giới Mỹ vào công việc của Lầu Năm góc.
“Sự can dự của chính giới Mỹ việc phân bổ ngân sách quốc phòng đang khiến giảm bớt quyền lực của Tổng thống Mỹ đối với quân đội”, chuyên gia Victor Murakhovsky nhận xét.
Theo đánh giá của chuyên gia Victor Murakhovsky, mối quan tâm chủ đạo trong lĩnh vực quân sự của Mỹ như thường lệ không phải là xây dựng các hệ thống chiến đấu trên lãnh thổ nước này, mà là đẩy những điểm nóng quân sự ra xa nước Mỹ. Washington đã áp dụng chiến lược này trong nhiều thập kỷ qua.