Ngân sách có thể có thêm 5 tỉ USD/năm nếu sử dụng đất hiệu quả

K.L |

Đó là khẳng định của đại biểu Trần Xuân Hùng (Hà Nam) tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội cả nước 6 tháng đầu năm 2016. Theo ông Hùng, lãng phí đang có chiều hướng gia tăng khiến cả xã hội bức xúc, đặc biệt trong 3 lĩnh vực là đầu tư xây dựng cơ bản, sử dụng đất và nguồn nhân lực.

Thất thoát cả ngàn tỉ đồng

Về vấn đề sử dụng đất, ông Hùng cho biết, hiện nay, khoảng 8 triệu héc ta đất giao cho các nông, lâm trường quốc doanh quản lý và sử dụng. T

uy nhiên, trong nhiều năm qua việc quản lý và sử dụng đất này lại kém hiệu quả, nhiều nơi sử dụng sai mục đích, chuyển nhượng đất bất hợp pháp dẫn đến lãng phí, trong khi người dân thiếu đất canh tác thì các nông, lâm trường quốc doanh lại để đất hoang hóa, thậm chí tình trạng này còn khá phổ biến ở các địa phương.

Theo thống kê, trên địa bàn cả nước các cơ quan, đơn vị nhà nước công lập đang quản lý và sử dụng diện tích nhà ở với tổng số diện tích đất lên tới 1,5 tỉ mét vuông, giá trị tương đương khoảng 594.000 tỉ đồng. Trong đó khu vực sự nghiệp công lập chiếm 1,2 tỉ mét vuông, bằng 80% tổng diện tích.

Riêng các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hiện đang quản lý, sử dụng khoảng 155 triệu mét vuông đất, trong đó nhiều đơn vị chiếm giữ số lượng nhà đất rất lớn, nguồn đất chưa sử dụng khoảng 3 triệu 164 héc ta. Phần lớn đất công được giao cho các đơn vị thuộc những vị trí đắc địa ở các đô thị lớn, các trung tâm công nghiệp.

Tuy nhiên, tình trạng sử dụng đất lãng phí, sai mục đích đang diễn ra phổ biến, gây thất thoát rất lớn cho nhà nước.

“Theo tính toán của các chuyên gia, nếu tính đúng, thu đủ và có cơ chế buộc phải sử dụng đất có hiệu quả thì ngân sách nhà nước có thể thu được khoảng 5 tỉ USD mỗi năm, một khoản tiền không nhỏ trong bối cảnh hiện nay để giải quyết các vấn đề an sinh xã hội” – ông Hùng khẳng định.

Về lãng phí trong đầu tư xây dựng cơ bản, mặc dù chưa có một cơ quan, tổ chức nào đưa ra được tỷ lệ và số liệu chính xác về thất thoát, lãng phí trong xây dựng cơ bản là bao nhiêu nhưng thất thoát, lãng phí là có thực.

Nó xảy ra ở tất cả các khâu, bắt đầu từ giai đoạn quá trình đầu tư, từ chủ trương đầu tư, từ chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư, cấp phát vốn đầu tư đến khâu nghiệm thu, bàn giao, đưa công trình vào sử dụng và quyết toán vốn đầu tư xây dựng công trình.

Cần kiểm toán trước đối với các dự án đầu tư

Để góp phần vào công cuộc phòng, chống thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng, ngoài việc nhà nước hoàn thiện cơ chế quản lý đầu tư đại biểu Trần Xuân Hùng đề nghị, cần làm mạnh và mạnh hơn nữa việc phân tích làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân dẫn đến sai phạm trong từng khâu của quá trình thực hiện các dự án.

Như trách nhiệm của chủ đầu tư và các nhà quản lý đầu tư, trách nhiệm của các nhà thầu xây lắp cung cấp thiết bị vật tư và trách nhiệm của nhà quản lý tư vấn. Qua đó, có thể đưa ra những ý kiến xử lý một cách triệt để và hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó, cần tăng cường kiểm toán trước đối với các dự án đầu tư để tập trung phân tích tính đúng đắn của chủ trương đầu tư, sự phù hợp của hồ sơ thiết kế để có thể đưa ra được những kiến nghị xử lý phù hợp. Có như vậy mới có thể ngăn chặn kịp thời thiệt hại ngay trước khi quyết định đầu tư dự án thi công công trình, tránh lãng phí về nguồn lực.

Đại biểu này cũng cho rằng, cầ tăng cường cả việc công khai kết quả kiểm toán tới các phương tiện thông tin đại chúng. Họp báo, đăng tải trên các trang web, báo, đài, tạp chí để tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kinh nghiệm quản lý, giúp các đơn vị nhận thức và quan tâm đến việc phòng, ngăn ngừa, hạn chế những thiệt hại do lãng phí về nguồn lực gây ra.

Ngoài ra, qua công khai kết quả kiểm toán sẽ đưa ra ánh sáng các công trình bị thất thoát, lãng phí và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan tạo nên áp lực mà các đơn vị không thể né tránh, đồng thời tạo nên dư luận xã hội rộng rãi để công chúng cùng tham gia vào quá trình giám sát hoạt động của các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước.

Công tác kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị của kiểm toán cũng cần tăng cường hơn nữa, đồng thời ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định rõ trách nhiệm đối với các đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc không thực hiện kết luận kiến nghị của Kiểm toán nhà nước.

Bởi việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của kiểm toán, nhất là việc xử lý trách nhiệm với các tổ chức, cá nhân đối với các sai phạm của đơn vị trong thời gian qua chưa được đầy đủ, chưa được nghiêm minh và chưa được kịp thời.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại