Tại Hàn Quốc, những nhóm người ngồi học trong một thời gian dài tại quán cà phê được gọi là ''ka-gong" hay ''ka-gong-zok", tức là ghép hai từ ''cà phê" và ''học tập'' lại với nhau. Đây là đối tượng khách hàng chính khiến không ít người kinh doanh dịch vụ cà phê phải đau đầu.
Trong cuộc phỏng vấn với Yonhap News, chủ một quán cà phê tại quận Gwanak-gu, Seoul cho biết: ''Việc khách hàng ngồi hơn 5 giờ sau khi gọi một món đồ uống đã trở thành chuyện bình thường tại quán. Thậm chí còn có khách hàng mang ván trượt đến sạc điện tại cửa hàng".
Chi phí thuê mặt bằng, lao động và hoá đơn tiền điện đang dần tăng lên, nhưng tỷ lệ doanh thu tại các quán cà phê tại Hàn Quốc lại có xu hướng giảm mạnh. Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu Công nghiệp Dịch vụ Thực phẩm Hàn Quốc, mỗi khách hàng mua một tách cà phê trị giá 4.100 KRW (khoảng 72 nghìn đồng) cần ngồi tại quán cà phê trong vòng 1 giờ 42 phút để đạt điểm hoà vốn.
Tại khu vực nhiều trường đại học, việc sinh viên học tại quán cà phê rất phổ biến
Trong khi đó, hầu hết những người thường xuyên ngồi tại quán cà phê cho biết 2 đến 4 tiếng là thời gian thích hợp cho một lần uống, theo Yonhap News. Riêng với đối tượng là những ''ka-gong", thời gian này có thể tăng lên đến 5 - 7 tiếng.
Để giảm thiểu thâm hụt, các quán cà phê buộc phải hạn chế thời gian ngồi lại và học tập tại quán. Nhiều quán còn sử dụng các mẹo khác như mở nhạc với âm lượng lớn hoặc các bài hát với tiết tấu sôi động để họ cảm thấy khó chịu và tự động rời đi.
Tất nhiên, việc định kỳ gọi thêm đồ uống hoặc đồ ăn nhẹ sẽ giúp cải thiện doanh thu và ''xoa dịu'' cảm giác khó chịu của chủ kinh doanh hơn. Tuy nhiên, theo quan điểm của những ''ka-gong", việc này sẽ vượt quá mức tiêu xài mà họ sẵn sàng bỏ ra cho một lần uống cà phê.
Không chỉ học sinh, sinh viên mới là đối tượng ngồi lại nhiều nhất mà còn có cả gia sư. Họ thường chọn quán cà phê làm địa điểm dạy học, thậm chí có người còn dạy liên tục 3 đến 4 ca mà chỉ gọi một cốc cà phê duy nhất. Cơn ác mộng của chủ quán càng nghiêm trọng hơn khi họ gọi Americano - một trong những loại thức uống phổ biến và rẻ nhất, với mức giá chỉ dao động khoảng 3.000 - 3.500 KRW (khoảng 53 - 61 nghìn đồng).
Nhiều người còn mang các thiết bị điện đến để sạc pin tại quán cà phê, khiến tiền điện tăng vọt
Một cuộc khảo sát được thực hiện năm 2017 bởi trang web việc làm Albamon trên 563 sinh viên cho thấy cứ 10 sinh viên đại học lại có 4 người xem mình là ''ka-gong". Khi được hỏi rằng ''bạn đã từng học ở quán cà phê chưa'', 77,4% sinh viên đại học trả lời ''có".
Có nhiều lý do khác nhau khiến sinh viên lựa chọn quán cà phê làm địa điểm lý tưởng, một số lý do chính bao gồm việc học ở quán cà phê không ngột ngạt như ở thư viện hoặc trường học (46,1%), tiếng ồn trắng vừa phải khiến họ dễ tập trung vào công việc hơn (40,6%) và họ có thể vừa ăn và uống các món nhẹ trong khi học (39,3%).
Nhìn chung, khi số lượng ''ka-gong" dần tăng lên như một nhu cầu sau đại dịch và các phương tiện truyền thông vào cuộc, các cuộc tranh chấp và thảo luận về vấn đề này cũng dần trở nên phổ biến. Trong khi các chủ cơ sở kinh doanh chỉ trích ''ka-gong" khiến doanh thu của họ sụt giảm, thì các đối tượng này cũng đồng thời cho rằng đó là quyền lợi chính đáng của bản thân khi mua sản phẩm tại quán.