Tên tuổi và tác phẩm của Nguyễn Du đã được hậu thế biết đến từ rất lâu nhưng ít ai nhớ rằng ông chết vì dịch bệnh (dịch tả), trong một trận đại dịch mà cả nước có hơn 20 vạn người tử vong, theo các thống kê không chính thức (năm 1820). Ông qua đời lúc tài năng đang chín, để lại niềm tiếc thương vô hạn.
Năm 1965, việc tổ chức kỷ niệm 200 năm ngày sinh Nguyễn Du (ông sinh ngày 3-1-1766) được tổ chức trọng thể, cả ở miền Bắc lẫn miền Nam, gây được tiếng vang quốc tế rộng rãi. "Truyện Kiều" đã được dịch ra hơn 30 thứ tiếng, có rất nhiều văn nghệ sĩ trong và ngoài nước đã chuyển thể sinh động tác phẩm này sang nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau, góp phần quan trọng vào việc giới thiệu tác phẩm đến với công chúng trong nước và quốc tế, đồng thời tham gia vào việc bảo tồn, phát huy, quảng bá các di sản văn hóa của dân tộc.
Đại thi hào Nguyễn Du .(Ảnh: TƯ LIỆU)
Viết về Nguyễn Du, có ý kiến cho rằng thơ Nguyễn Du luôn luôn vang lên âm thanh, bừng lên màu sắc của sự sống, hằn lên những đường nét sắc cạnh của một bức tranh hiện thực đa dạng. Giữa những âm thanh, màu sắc, đường nét vô cùng phong phú đó, Nguyễn Du hiện ra: vừa dạt dào yêu thương vừa bừng bừng căm giận.
Có thể nói rằng lòng nhân ái của đại thi hào bao trùm trong toàn bộ sáng tác của ông. Năm 1965, báo giới Sài Gòn có nhiều hoạt động kỷ niệm 200 năm ngày sinh Nguyễn Du thì trên Tạp chí Bách khoa, một trong những tờ báo tiến bộ ở miền Nam, nhà văn Vũ Hạnh đã viết: "Tính đến năm nay - 1965 - thi hào Nguyễn Du hưởng thọ được 200 tuổi. Suốt 2 thế kỷ sống giữa chúng ta, thiên tài văn học lỗi lạc bậc nhất của dân tộc Việt không ngừng chói sáng hơn lên.
Thiên tài ấy đã kết tụ tinh hoa của mấy ngàn năm phát triển ngôn ngữ sáng tạo Việt Nam; trong ngôn ngữ ấy, tổ tiên chúng ta đã gửi bao nhiêu ý tình, biết mấy công phu, tưởng như trong mỗi hình ảnh, câu thơ chúng ta vẫn nhìn thấy được long lanh từng giọt mồ hôi, vẫn nghe thánh thót từng dòng máu chảy. Và thiên tài ấy, bằng mối thông cảm sâu xa của một năng lực tim óc phi thường, đã ghi nhận được ở trong quằn quại của những kiếp người lầy lội, một tiếng kêu gào bi thảm, kêu gào hạnh phúc yên vui, kêu gào được sống đời đáng sống trên cõi đời này".
Chúng ta sẽ mãi nhắc đến lòng nhân ái trong "Văn tế thập loại chúng sinh" với lòng bao dung, độ lượng sâu sắc của tác giả: "Còn chi ai quý ai hèn/ Còn chi mà nói ai hiền ai ngu?...". Với những kỹ nữ, Nguyễn Du viết: "Cũng có kẻ nhỡ nhàng một kiếp/ Liều tuổi xanh buôn nguyệt bán hoa/ Ngẩn ngơ khi trở về già/ Đâu chồng con tá biết là cậy ai?"…
Chúng ta không thể nào quên nàng Kiều trong "Truyện Kiều", một tuyệt tác thấm đẫm lòng vị tha và yêu thương con người bị chà đạp dưới chế độ phong kiến: "Đau đớn thay phận đàn bà/ Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung". Người phụ nữ dưới chế độ xưa bị xem rẻ, bị mua bán, bị biến thành món đồ chơi của những kẻ có thế lực, có nhiều tiền thì dưới ngòi bút của nhà thơ trở thành người đáng được yêu thương, được chăm chút, được bảo vệ…
Tinh thần nhân ái bao la ở Nguyễn Du xuất phát từ thái độ quan tâm đến thời cuộc. Có thể nói rằng Nguyễn Du là người "ưu thời mẫn thế", đó là người "có tâm huyết, nghĩa nhân; lo lắng việc đời mà thương xót thế gian và đau lòng trước thời thế nhiễu loạn" - như một từ điển đã giải thích.
Thời cuộc bao trùm trong suốt cuộc đời của Nguyễn Du là những năm tháng chiến tranh, loạn lạc của nước ta. Ông sinh ra và lớn lên vào cuối thời Lê Trung hưng, Trịnh - Nguyễn phân tranh đã đi đến hồi kết thúc, khởi nghĩa Tây Sơn nổ ra, đất nước ta vẫn còn chia cắt, cát cứ nhưng phải chống 2 cuộc xâm lăng lớn của quân Xiêm ở phía Nam và quân Thanh ở phía Bắc.
Nguyễn Du ra làm quan dưới thời Gia Long, được cử làm sứ đi Trung Quốc nhưng bấy giờ vết thương chiến tranh vẫn chưa lành, lòng người còn ly tán, bản thân ông cứ đau đáu với tình cảnh của xã hội, của đất nước bấy giờ. Sự trăn trở, ray rứt của ông bộc lộ qua nhiều tác phẩm, dù không thật rõ ràng, không thật đầy đủ, chỉ là tâm trạng chán chường, than thở, nhất là những bài thơ trong "Nam Trung tạp ngâm", "Bắc hành tạp lục"…
Chính bài học này đọng lại cho chúng ta là không được thoát ly hiện thực, dù dưới bất cứ hình thức nào mà phải có trách nhiệm với cuộc sống, với đất nước, với dân tộc. Chúng ta không được quay lưng với cuộc sống, cũng không tô vẽ cuộc sống một cách đầy màu sắc, cũng không đi ngược lại dòng chảy của cuộc sống. Chúng ta sống trọn vẹn trong cuộc sống đang có và góp chút tâm, tài, trí của mình để cuộc sống thêm tốt đẹp hơn, hay ít cũng kêu được tiếng đau thương của nhân thế để lay động lòng người, chứ không phải thờ ơ hay càng chà xát vào nỗi đau đó.
Tuy nhiên, hiện nay, lòng yêu thương con người có những cung bậc mới. Người ta cũng sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ đồng bào bị hoạn nạn nhưng người ta vì lợi ích riêng tư, vì cái tôi ích kỷ cũng sẵn sàng tước đoạt mạng sống, tài sản của người khác. Người ta cũng sẵn sàng kêu gọi bảo vệ những cô thế, kẻ cùng đường nhưng cũng sẵn sàng làm "anh hùng bàn phím" với những lời ba hoa, sáo rỗng.
Chúng ta đọc và học lại Nguyễn Du nhiều hơn để lòng nhân ái lại chảy đầy trong huyết quản, để chúng ta thấy rằng hạnh phúc là yêu thương, chia sẻ với người khác chứ không phải chỉ yêu cái tôi của bản thân mình. Nếu là người cầm bút thì tốt nhất hãy sống với con người, hòa mình với con người để vẽ nên nét đẹp của con người, kêu đúng tiếng đau của con người, nói đúng khát vọng của con người…
Nếu là nghệ sĩ, hãy thay cho những số phận con người để giãi bày những hoàn cảnh, những đau thương mà họ đang hứng chịu bằng sự điển hình hóa các số phận. Nếu là một người bình thường, hãy yêu thương người khác bằng chính sự dung dị, gần gũi, chan hòa chứ không phải bằng các cách thức màu mè, hình thức…
Suy cho cùng, yêu thương con người là phẩm chất cao quý nhất của con người, làm cho loài người khác biệt với các sinh vật khác. Bởi vậy, nói như Tố Hữu, ngàn năm sau người Việt chúng ta vẫn nhớ đến Nguyễn Du, nhân loại vẫn nhớ đến Nguyễn Du!