Tặng lì xì, tăng lãi suất tiền gửi
ACB đưa ra chương trình lì xì đầu năm Tết Kỷ Hợi 2019 mang tên “Mùa sum vầy - Đong đầy yêu thương” kéo dài đến hết ngày 9/3/2019. Khách hàng gửi tiết kiệm từ 03 tháng trở lên tại quầy của ACB sẽ được tham gia chương trình này.
Theo đó, với mỗi 5 triệu đồng gửi tiết kiệm, khách hàng được cấp mã dự thưởng để tham gia quay số trúng thưởng, với giải đặc biệt là 10 lượng vàng 9999.
Tại Eximbank, người gửi tiền sẽ được nhận quà tặng như ấm đun nước thương hiệu Mỹ với số tiền gửi 400 triệu đồng kỳ hạn 6 - 9 tháng, hoặc 200 triệu đồng kỳ hạn 12 tháng. Ngoài ra, khách hàng từ 50 tuổi khi gửi tiền các kỳ hạn 6 tháng, 9 tháng, 12 tháng sẽ được cộng thêm lãi suất 0,1%/năm.
Từ nay đến hết 28/2, Sacombank có chương trình “Xuân tri ân - Tết đắc lộc” với tổng trị giá hơn 34 tỷ đồng. Đồng thời, trong suốt tháng Giêng năm Kỷ Hợi, khách hàng gửi tiết kiệm tại Sacombank sẽ được nhận lì xì 68.000 đồng, hoặc nhận ngay 1 chỉ vàng Thần tài SBJ khi gửi tiết kiệm 1,5 tỷ đồng.
BIDV có chương trình “Hành trình Tết yêu thương” được áp dụng đến hết ngày 28/2/2019 dành cho khách hàng sử dụng các dịch vụ, bao gồm tiền gửi có kỳ hạn, nhận tiền kiều hối, BIDV SmartBanking, thẻ, tiền gửi online…
Chương trình “Giao dịch online - Lộc xuân phát tài” của HDBank với hơn 2019 bao lì xì may mắn dành cho các khách hàng giao dịch tài chính trên eBanking có giá trị tối thiểu 100.000 đồng từ nay đến hết ngày 14/2/2019.
OCB lì xì tiền mặt tương đương lãi suất 0,15%/năm cho khách hàng gửi mới từ 300 triệu đồng trở lên với các kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng, cùng với đó là chương trình tặng quà cho các khách hàng gửi tiết kiệm đến hết ngày 5/3/2019, tổng số lượng 28.000 phần quà...
ABBank cũng dành nhiều phần quà cho khách hàng gửi tiết kiệm từ 50 triệu đồng trở lên đến hết ngày 28/2/2019.
Bên cạnh quà tặng, lãi suất tiền gửi cũng được các ngân hàng điều chỉnh để tăng sức hút. Với các kỳ hạn dưới 6 tháng, mức lãi suất dao động trong biên độ khá lớn, từ 5,5-8,1%/năm. Chẳng hạn, tại các ngân hàng tầm trung như Sacombank, MBBank, Techcombank, ACB…, lãi suất lần lượt là 6,5%/năm; 6,3%/năm; 7%/năm và 6,8%/năm.
Tại nhóm "ông lớn" ngân hàng có vốn nhà nước chi phối, mức lãi suất niêm yết ở mức tối đa là 5,5%/năm. Còn tại nhóm ngân hàng quy mô nhỏ như VietCapitalbank, SCB..., lãi suất huy động ở mức 8-8,1%/năm.
Với kỳ hạn dài từ 1 năm trở lên, lãi suất phổ biến quanh mức 7-8%/năm, như VPBank là 7,05%/năm, MBBank là 7,2%/năm...
VIB huy động với lãi suất cao nhất là 7,9%/năm kỳ hạn 18 tháng, với điều kiện số tiền gửi từ 100 triệu đồng và bằng hình thức tiết kiệm trực tuyến. Tại ACB, lãi suất cao nhất ở kỳ hạn 18 tháng là 7,5%/năm, song cũng chỉ áp dụng cho món tiền gửi từ 10 tỷ đồng và ở ngoài khu vực TP. HCM.
Tiền nhàn rỗi sẽ chảy về ngân hàng?
Nhận định được đưa ra từ SSI Retail Research, áp lực với lạm phát trong năm 2019 là không quá lớn. Đồng thời, việc duy trì chính sách lãi suất USD ở mức 0% và chênh lệch lãi suất giữa VND và USD sẽ hỗ trợ ổn định tỷ giá.
Tuy nhiên, trong năm 2019, nếu đồng Nhân dân tệ (CNY) tiếp tục mất giá sẽ gây sức ép nhất định lên tỷ giá USD/VND và gián tiếp gây sức ép lên lãi suất.
Theo SSI Retail Research, mức độ biến động của tỷ giá USD/VND năm 2019 sẽ tương đương như năm 2018 và ít có khả năng xảy ra diễn biến giật cục, ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý thị trường. Dù vậy, mặt bằng lãi suất sẽ vẫn ở mức cao và không loại trừ việc nhích tăng nếu áp lực tỷ giá xuất hiện.
Năm 2018, vàng và tỷ giá đều không mang lại nhiều kết quả tích cực cho giới đầu tư. Trong năm qua, vàng SJC mất giá khoảng 0,7%.
Dự báo năm nay, giá vàng trong nước sẽ tăng theo giá vàng thế giới, song cũng khó có "đất diễn" cho nhà đầu tư "lướt sóng" vàng. Mặt khác, với chính sách kiên định của NHNN trong duy trì ổn định tỷ giá, nắm giữ ngoại tệ cũng không phải lựa chọn hấp dẫn.
Với chứng khoán, nhiều tổ chức phân tích cho rằng, kinh tế toàn cầu đang bước vào cuối chu kỳ tăng trưởng và năm 2019 sẽ là một năm khó khăn với thị trường chứng khoán, nhất là trong bối cảnh tình hình kinh tế cũng như địa chính trị thế giới khó đoán định như hiện nay.
Tuy nhiên, theo nhận định của giới phân tích tài chính - chứng khoán, chứng khoán Việt Nam đang ở mức điểm hợp lý nên khó khăn của chứng khoán thế giới có thể là cơ hội của Việt Nam… Điều này sẽ gây sức ép lên lãi suất tiền gửi, buộc các ngân hàng phải gia tăng cạnh tranh huy động tiền gửi tiết kiệm từ dân cư.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng, dù mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2019 chỉ khoảng 13%, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn sẽ giảm từ 45% xuống 40%, vốn vay dành cho lĩnh vực bất động sản khó tránh khỏi bị siết chặt..., nhưng cạnh tranh huy động, tăng thanh khoản luôn là mục tiêu hàng đầu của các ngân hàng ở mọi thời điểm, không nhất thiết tập trung vào các dịp lễ, tết đầu năm hay cuối năm.
TS. Bùi Quang Tín, chuyên gia tài chính - ngân hàng đánh giá, việc các ngân hàng đua nhau khuyến mãi, tặng quà cho khách hàng gửi tiết kiệm nhân dịp lễ, tết nhằm hút tiền nhàn rỗi, tăng thanh khoản là để đón đầu cầu tín dụng trong các quý tới.
Mặt khác, với áp lực Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục tăng lãi suất, các kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán và vàng dù được đánh giá sẽ khó khăn cũng đang tạo sức ép không nhỏ lên kênh huy động tiền gửi tiết kiệm. Bởi vậy, các ngân hàng sẽ phải tăng tiện ích cho khách hàng nếu muốn thu hút được tiền gửi.
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, lãnh đạo ACB cho biết, lượng tiền gửi của khách hàng gia tăng mạnh trong dịp cuối năm qua và khả năng quay lại ngân hàng đầu năm nay là không thua kém. Đó chính là lý do để các ngân hàng đẩy mạnh việc hút tiền.