Ngân hàng Thế giới: Nền kinh tế toàn cầu sắp bước vào 5 năm khó khăn nhất trong vòng ba thập kỷ

Anh Dũng |

Năm 2024 được dự báo là năm thứ ba liên tiếp tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại.

Ngân hàng Thế giới: Nền kinh tế toàn cầu sắp bước vào 5 năm khó khăn nhất trong vòng ba thập kỷ- Ảnh 1.

Hình minh họa: Vecteezy

Ngày 9/1, Ngân hàng Thế giới (WB) công bố Báo cáo Triển vọng Toàn cầu năm 2023. Theo nội dung báo cáo, nền kinh tế toàn cầu đang ghi nhận nửa thập kỷ tăng trưởng khó khăn nhất trong vòng 30 năm trở lại đây.

Tổ chức này cho biết năm 2024 được dự báo là năm thứ ba liên tiếp tăng trưởng toàn cầu chậm lại. Tỷ lệ tăng trưởng sẽ giảm từ mức 2,6% vào năm 2023 xuống còn 2,4% trong năm nay.

Sau đó, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ nhích nhẹ lên 2,7% vào năm 2024. Nhưng tốc độ tăng trưởng trong giai đoạn 5 năm gần nhất vẫn sẽ thấp hơn 0,75 điểm phần trăm so với tốc độ bình quân của thập niên 2010.

Mặc dù nền kinh tế toàn cầu tỏ ra kiên cường khi đối mặt với rủi ro suy thoái năm 2023, nhưng những căng thẳng địa chính trị gia tăng sẽ đặt ra những thách thức mới trong ngắn hạn. Phó kinh tế trưởng Ayhan Kose của WB chỉ ra những cuộc xung đột cụ thể như Nga – Ukraine và bất ổn ở Trung Đông.

WB cho biết hầu hết các nền kinh tế vào năm 2024, 2025, sẽ tăng trưởng chậm lại so với thập kỷ trước. Tổ chức này cảnh báo nếu không có những “điều chỉnh lớn”, thập niên 2020 sẽ trôi qua một cách lãng phí.

Ngân hàng Thế giới: Nền kinh tế toàn cầu sắp bước vào 5 năm khó khăn nhất trong vòng ba thập kỷ- Ảnh 2.

Bình quân tăng trưởng hàng năm giai đoạn 5 năm (%). Nguồn: FT

Các nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề nhất

Xét trên cơ sở khu vực, Bắc Mỹ, châu Âu, Trung Á và châu Á - Thái Bình Dương sẽ có tốc độ tăng trưởng yếu nhất trong năm nay. Nguyên nhân chủ yếu là do Trung Quốc đang gặp khó khăn. Khu vực châu Mỹ Latinh và Caribe sẽ có cải thiện nhẹ, còn Trung Đông và châu Phi sẽ có thay đổi rõ rệt.

Tuy nhiên, trong trung hạn, các nền kinh tế đang phát triển sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất, do thương mại toàn cầu trì trệ. Bên cạnh đó, điều kiện tài chính thắt chặt cũng đè nặng áp lực lên tăng trưởng kinh tế.

Các nền kinh tế đang phát triển hiện được dự đoán sẽ chỉ tăng trưởng 3,9% vào năm 2024, thấp hơn hơn 1 điểm phần trăm so với mức bình quân của thập kỷ trước. Tổ chức cho biết, đến cuối năm 2024, người dân ở khoảng 1/4 quốc gia đang phát triển và ở 40% quốc gia có thu nhập thấp sẽ vẫn nghèo hơn so với thời điểm trước đại dịch Covid-19 năm 2019.

Dữ liệu của WB cho thấy thế giới chưa hoàn thành được mục tiêu biến thập niên 2020 trở thành “thập kỷ biến đổi”. Các quốc gia chưa giải quyết hết tình trạng nghèo đói cùng cực, các bệnh truyền nhiễm nghiêm trọng và biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, các chính phủ sẽ có cơ hội lật ngược tình thế nếu hành động nhanh chóng để tăng cường đầu tư và củng cố khuôn khổ chính sách tài khóa.

Ông Kose cho biết thêm rằng đầu tư bùng nổ có thể thúc đẩy các nền kinh tế đang phát triển, giúp họ đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng. Và để khơi dậy sự bùng nổ đó, các nền kinh tế đang phát triển cần thực hiện các gói chính sách toàn diện để cải thiện khuôn khổ tài chính và tiền tệ, mở rộng thương mại và dòng tài chính xuyên biên giới, cải thiện môi trường đầu tư và tăng cường chất lượng thể chế.

“Đó là công việc khó khăn, nhưng nhiều nền kinh tế đang phát triển đã làm điều đó được trước đây. Thực hiện lại sẽ giúp giảm nguy cơ phát triển trì trệ trong giai đoạn còn lại của thập kỷ này”, ông nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại