Thủ tướng Phạm Minh Chính và bà Manuela V. Ferro, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới. Ảnh: VGP
Chiều 27/5, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp bà Manuela V. Ferro, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới đang thăm, làm việc tại Việt Nam và bà Mariam J. Sherman, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới khu vực Việt Nam, Lào, Campuchia cùng các cộng sự.
Bày tỏ sự vui mừng khi gặp lại bà Manuela V. Ferro và hoan nghênh bà cùng các đồng nghiệp thăm, làm việc tại Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ trân trọng những hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ năm 1993 đến nay, với tổng số vốn lên tới 24 tỷ USD, đặc biệt là trong lĩnh vực xóa đói, giảm nghèo.
Thủ tướng khẳng định Việt Nam luôn coi trọng và chủ trương thúc đẩy, làm sâu sắc hơn nữa hợp tác giữa Việt Nam và World Bank; đồng thời mong muốn World Bank tiếp tục đồng hành và hỗ trợ Việt Nam triển khai những chương trình, chính sách để thúc đẩy tăng trưởng bền vững, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức…
Chúc mừng bà Mariam J. Sherman trên cương vị Giám đốc Quốc gia Văn phòng World Bank tại khu vực Việt Nam, Lào, Campuchia, Thủ tướng Phạm Minh Chính tin tưởng với bề dày kinh nghiệm của mình, bà sẽ có nhiệm kỳ thành công tốt đẹp tại Việt Nam.
Thủ tướng đề nghị World Bank dành 11 tỷ USD cho các dự án lớn
Hiện nay, World Bank đề xuất cho Việt Nam vay khoảng 11 tỷ USD trong 5 năm tới để thực hiện những dự án lớn về hạ tầng như đường sắt đô thị, năng lượng và tín chỉ carbon. Về việc này, Thủ tướng hoan nghênh đề xuất của World Bank và mong muốn khoản vay này sẽ có lãi suất ưu đãi nhằm thúc đẩy tăng trưởng bền vững và sức canh tranh của nền kinh tế.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị nguồn lực này sẽ dành đầu tư các dự án lớn và có tính chất xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái, chẳng hạn như dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, đường sắt đô thị tại Hà Nội, các dự án năng lượng sạch, đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại ĐBSCL… Việc tập trung nguồn vốn cho một số dự án lớn mang tính chất chuyển đổi trạng thái và xoay chuyển tình thế sẽ vừa giúp phát huy cao nhất hiệu quả về nguồn vốn, đồng thời vừa giúp không mất nhiều thời gian để thực hiện những quy trình, thủ tục.
Thủ tướng đề nghị hai bên tiếp tục tiến hành rà soát, đổi mới tư duy, cách là, tái cơ cấu quản trị trong triển khai những dự án để hoàn thành dứt điểm, tránh tình trạng kéo dài, mang lại sản phẩm cụ thể và hiệu quả cao.
Ngoài ra, Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi lời cảm ơn World Bank đã thực hiện hỗ trợ Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên tại khu vực đông Á – Thái Bình Dương nhận được khoản thanh toán dựa trên kết quả giảm phát thải từ Quỹ Đối tác carbon lâm nghiệp của World Bank. Thủ tướng mong muốn World Bank tiếp tục hỗ trợ Việt Nam để tham gia thị trường tín chỉ carbon toàn cầu và triển khai hiệu quả dự án "Tăng cường hệ thống tích hợp năng lượng tái tạo" (REACH)…
Thủ tướng đề nghị hai bên tiến hành phối hợp xây dựng Khung đối tác quốc gia Việt Nam – Ngân hàng Thế giới trong giai đoạn 2025 – 2029, nhằm xác định về định hướng hợp tác giữa hai bên trong giai đoạn tới, đặc biệt là khả năng huy động, nguồn lực hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới với danh mục tài trợ cho Việt Nam.
Phó chủ tịch World Bank Manuela V. Ferro nhất trí với ý kiến của Thủ tướng về việc dòng vốn nên hướng vào những dự án lớn và có tính lan tỏa cao. Đại diện của Ngân hàng Thế giới đánh giá cao về thành tựu vượt bậc trong phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, nhất là việc thành lập Tổ công tác để tiến hành rà soát và xử lý những khó khăn trong triển khai những dự án hợp tác.
Ngân hàng Thế giới mong muốn được tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam để thực hiện các mục tiêu phát triển đến năm 2030 và đến năm 2050 bằng những hành động và dự án cụ thể.
Phó chủ tịch World Bank mong sớm nhận được đề xuất chính thức của các cơ quan phía Việt Nam, nhằm đẩy nhanh tiến độ đàm phán, ký kết và triển khai các dự án cụ thể bảo đảm tiến độ và hiệu quả. Đại diện của World Bank cũng rất mong được sớm tới thăm Việt Nam vào thời điểm phù hợp.