Ngân hàng SVB Mỹ phá sản, giới công nghệ Trung Quốc "lo sốt vó"

Hữu Hiển |

Vụ phá sản của Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) tại Mỹ có tác động lan tỏa đối với các công ty khởi nghiệp Trung Quốc, đặc biệt là những công ty được hỗ trợ bởi các quỹ đầu tư bằng USD.

Ngân hàng SVB Mỹ phá sản, giới công nghệ Trung Quốc lo sốt vó - Ảnh 1.

Kênh tin tức kinh doanh CNBC (Mỹ) đưa tin, các cơ quan quản lý của Mỹ đã đóng cửa ngân hàng SVB vào ngày 10/3 trong sự kiện đã trở thành vụ phá sản ngân hàng lớn thứ hai của nước này. SVB phát triển hoạt động kinh doanh dựa trên việc hỗ trợ các công ty khởi nghiệp công nghệ, bao gồm cả những công ty đến từ Trung Quốc.

Một nhà sáng lập công ty khởi nghiệp công nghệ Trung Quốc (ẩn danh) nói với phóng viên CNBC rằng, hệ thống trực tuyến để mở tài khoản tại ngân hàng SVB cho phép sử dụng số điện thoại di động từ Trung Quốc để xác minh.

Người này nhấn mạnh rằng, ông từng gửi hàng chục triệu USD tại SVB. Từ đó, ông đã chuyển hầu hết tiền ra ngoài, nhưng vẫn còn hơn 250.000 USD tại SVB.

Người này cũng cho biết, với sự hậu thuẫn của một nhà đầu tư mạo hiểm chính thống, một công ty khởi nghiệp có thể mở tài khoản tại ngân hàng SVB trong vòng một tuần. "Các ngân hàng lớn truyền thống, chẳng hạn như Standard Chartered, HSBC, Citi... có quy định nghiêm ngặt và phải mất nhiều thời gian để được mở tài khoản ở ngân hàng của họ, có thể mất từ 3 đến 6 tháng”, ông nói.

Nguồn tin giấu tên - người đã thành lập một công ty công nghệ tài chính và hai công ty công nghệ khác - cho biết, các nhà đầu tư mạo hiểm thích làm việc với SVB vì ngân hàng này cho phép các nhà đầu tư xem và phê duyệt cách các công ty khởi nghiệp sử dụng tiền của họ.

“Nếu không có SVB, ngành công nghệ sẽ gặp khó vì không có ngân hàng nào khác cung cấp hai tính năng này” , người này nói, khi đề cập đến việc mở tài khoản nhanh chóng cho các công ty khởi nghiệp và tính năng minh bạch thông tin cho các nhà đầu tư mạo hiểm.

Ngân hàng SVB Mỹ phá sản, giới công nghệ Trung Quốc lo sốt vó - Ảnh 2.

Ngân hàng SVB cho phép các nhà đầu tư xem và phê duyệt cách các công ty khởi nghiệp sử dụng tiền của họ. Ảnh: Getty

Việc có tài khoản tại ngân hàng SVB cho phép các công ty khởi nghiệp ở Trung Quốc khai thác nguồn vốn từ các nhà đầu tư có trụ sở tại Mỹ, với mục tiêu chào bán công khai cổ phiếu ở Mỹ. Nhưng áp lực pháp lý từ cả Bắc Kinh và Washington đã kìm hãm quá trình phát hành cổ phiếu lần đầu tiên ra công chúng (IPO) từ Trung Quốc tới Mỹ trong hai năm qua.

Hiện chưa rõ có bao nhiêu công ty khởi nghiệp ở Trung Quốc có tài khoản ngân hàng SVB. Tuy nhiên, người cung cấp thông tin cho CNBC lưu ý rằng, nhiều công ty khởi nghiệp có trụ sở tại Trung Quốc với nguồn vốn đầu tư mạo hiểm của Mỹ thường có xu hướng bắt đầu bằng việc mở tài khoản ngân hàng tại SVB.

Công ty công nghệ sinh học Zai Lab có trụ sở tại Thượng Hải trong một tuyên bố chính thức cho biết, tính đến cuối tháng 12/2022, khoảng 2,3% trong số 1,01 tỷ USD tiền mặt và các khoản tương đương tiền được gửi tại SVB; còn phần lớn số tiền được gửi tại các ngân hàng JPMorgan Chase, Citigroup và Ngân hàng Trung Quốc chi nhánh Hong Kong.

Một công ty công nghệ sinh học khác có tên Everest Medicines cho biết, họ có ít hơn 1% tiền mặt tại SVB và hy vọng có thể thu hồi được phần lớn tiền gửi tại ngân hàng này thông qua Công ty Bảo hiểm Ký thác Liên bang (FDIC) của Mỹ.

FDIC cho biết, đối với những khoản tiền được bảo hiểm, dịch vụ bảo hiểm tiêu chuẩn của FDIC chi trả tới 250.000 USD cho mỗi người gửi tiền, mỗi ngân hàng, và cho mỗi loại hình sở hữu tài khoản.

Tuy nhiên, hầu hết các khoản tiền gửi do SVB nắm giữ đều không được bảo hiểm. FDIC cho biết, những người gửi tiền không được bảo hiểm sẽ nhận được giấy chứng nhận quyền nhận tiền đối với số dư của họ.

Ngân hàng SVB Mỹ phá sản, giới công nghệ Trung Quốc lo sốt vó - Ảnh 3.

Liên doanh SVB tại Trung Quốc — được nắm giữ theo tỉ lệ 50-50 bởi Ngân hàng Phát triển Phố Đông Thượng Hải (SPD). Ảnh: Getty

Liên doanh SVB tại Trung Quốc tuyên bố độc lập về tài chính

Liên doanh SVB tại Trung Quốc — được nắm giữ theo tỉ lệ 50-50 bởi Ngân hàng Phát triển Phố Đông Thượng Hải (SPD) — cho biết trong một tuyên bố rằng, họ có bảng cân đối kế toán độc lập.

Theo cơ sở dữ liệu kinh doanh Tianyancha (Trung Quốc), liên doanh này được gọi là Ngân hàng Thung lũng Silicon SPD, có vốn đăng ký 2 tỷ nhân dân tệ (290 triệu USD), tương đương với khoảng 6,8% vốn đăng ký 29,35 tỷ nhân dân tệ (4,26 tỷ USD) của SPD.

Kênh CNBC trích dẫn một thông cáo báo chí cho biết, tính đến cuối tháng 12/2022, ngân hàng SVB có khoảng 209 tỷ USD tổng tài sản và 175,4 tỷ USD tổng tiền gửi.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại