Trong vòng 2 năm trở lại đây, thị trường cho vay tiêu dùng cá nhân tại Việt Nam đang phát triển mạnh. Nếu trước đây, các ngân hàng chủ yếu tập trung vào các khoản vay cho DN lớn thì sau thời kỳ khủng hoảng kinh tế, khách hàng cá nhân lại được ưu tiên hơn, kéo theo đó là sự phát triển mạnh của ngân hàng bán lẻ và công ty tài chính.
Theo đó, nhóm khách hàng có nhu cầu khoản vay nhỏ (vài chục triệu đồng) đang là đối tượng được các ngân hàng săn lùng và mời chào theo hình thức cho vay tín chấp. Không cần nhiều giấy tờ, các ngân hàng sẵn sàng giải ngân tiền chỉ sau vài phút. Tại Việt Nam, 65 triệu người trong độ tuổi từ 15 - 65 đều được xếp vào dạng khách hàng tiềm năng.
Một cách dễ hiểu, thị trường các ngân hàng và công ty tài chính tại Việt Nam đang tập trung vào chính là mảnh đất màu mỡ của các... hiệu cầm đồ. Và để tiến sâu vào thị trường này, các ngân hàng cũng đang quảng bá hình ảnh tương tự như các hiệu cầm đồ trên đường Láng hay Bách Khoa.
Chẳng hạn, thay vì quảng cáo gói tín dụng ưu đãi lãi suất chỉ 21%/năm, ngân hàng chuyển sang nhắn tin rất ngắn gọn dễ hiểu, theo đúng nhu cách các hiệu cầm đồ đang làm: Cho vay lãi suất 600 đồng/1 triệu/ngày, không cần thủ tục, 10 phút có tiền.
Một thay đổi nhỏ tạo ra cảm nhận khác biệt rất lớn với người đi vay. Nếu ngân hàng đưa ra thông điệp lãi suất 21%/năm, sẽ dễ bị người tiêu dùng xem là "đắt" (vì lãi suất tiền gửi hiện tại chỉ 7 - 8%/năm).
Trong khi đó, nếu để mức chi trả là 600 đồng/1 triệu/ngày, thì lại mang tới cảm giác là "rẻ" (vì các hiệu cầm đồ thường cho vay với mức trả từ 2.000 - 5.000 đồng/1 triệu/ngày).
Nhu cầu lớn đang giúp các ngân hàng và công ty tài chính ăn nên làm ra trong lĩnh vực vay tín chấp cá nhân. FE Credit - công ty tài chính của VPBank có dư nợ tín dụng năm 2015 tới 20.000 tỉ đồng, đứng đầu các công ty tài chính chỉ sau một năm hoạt động.
Dự báo, sang năm 2017 cuộc chiến bán lẻ giữa các ngân hàng và công ty tài chính sẽ càng thêm phần khốc liệt, khi một loạt các công ty tài chính được ngân hàng mua lại sẽ tích cực hoạt động.
Dương Huy, nhân viên công ty tài chính ALS chia sẻ, nếu vay 10 triệu đồng của một tổ chức tài chính trong vòng 6 tháng thì lãi suất cho vay là 2.2%/tháng, tương đương 26.4%/ năm.
Tương tự, một công ty tài chính khác cho biết, với khoản vay 10 triệu đồng, thời gian vay 12 tháng, người vay trả góp mỗi tháng 1,105 triệu đồng, trong đó ngoài tiền gốc, tiền lãi, người vay còn phải trả thêm phí ngân hàng 13.000 đồng/tháng, phí bảo hiểm cho khoản vay 325.000 đồng.
Mức lãi suất áp dụng dao động từ 2.1 – 5.6%/tháng, tương đương 25.2 – 67%/ năm. Mức lãi suất cũng tùy theo mức độ xử lý hồ sơ vay nhanh (trong vòng 30 phút) hay chậm (trên 24 giờ).
Trong trường hợp người vay muốn trả trước hạn cũng phải thanh toán phần lãi cho công ty. Chẳng hạn, khách hàng vay quá 4 tháng mà muốn thanh lý hợp đồng thì phải đóng 50% phần lãi của những tháng còn lại. Có công ty thì tính số nợ còn lại nhân với 15%.
Vì vay tiền rất dễ nên khách hàng cần đọc thật kỹ tất cả các điều khoản trong hợp đồng, đặc biệt là lãi suất vay. “Lúc đó cần tiền quá nên mình mong vay được tiền càng sớm càng tốt và cứ ngỡ tính ra trả góp mỗi tháng không nhiều.
Nhưng sau này ngẫm lại mới thấy lãi suất cũng phải gần 35% một năm.”, chị Thùy Linh (Q.Tân Bình, TP. HCM) chia sẻ.