Ngân hàng Nhà nước mua vào 11 tỷ USD, điều gì có thể xảy ra?

Quý III này, có một chi tiết rất quan trọng mà các báo cáo vĩ mô chưa đề cập đến, đó là câu chuyện Ngân hàng Nhà nước mua vào 11 tỷ USD.

Đây là chi tiết được chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh nhấn mạnh trong buổi toạ đàm “Báo cáo kinh tế vĩ mô Việt Nam quý III/2016” do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) – trường ĐHQG tổ chức sáng nay.

“11 tỷ USD mà Ngân hàng Nhà nước mua vào không phải thực hiện trong quý III nhưng được dồn tích trong quý III, tức là ngang bằng với việc bơm vào thị trường 250 nghìn tỷ đồng”, ông Ánh nói.

Như vậy, cộng với câu chuyện huy động vốn đang tăng nhanh hơn vay, thì bức tranh tổng thể của các Ngân hàng thương mại là là có quá nhiều tiền.

“Thanh khoản không có vấn đề gì, vấn đề là có quá nhiều tiền”, ông Ánh cho biết. Ông phân tích điều này sẽ khiến cho lãi suất tiếp tục bị dìm xuống khiến cho tiền hoặc ở yên trong ngân hàng hoặc được rút ra. Nhưng cũng chính từ đây đặt ra câu hỏi, tiền sẽ đi về đâu?

“Có cả một câu chuyện lớn đằng sau việc tiền đi về đâu, chúng ta phải lường trước được nó!”, vị chuyên gia này nhấn mạnh.

Vấn đề tiếp theo được ông Vũ Đình Ánh chỉ ra là việc số tiền này sẽ được mua cái gì. Theo đó, 11 tỷ USD là được mua tiền mặt, mua công cụ tài chính hay mua trái phiếu bằng USD, ông Ánh lần lượt đặt ra các câu hỏi.

Bởi lẽ, theo tính toán sơ bộ của ông, 250 nghìn tỷ được quy đổi ra là cực lớn, có tính thanh khoản cao, đồng thời gợi nhớ về “kịch bản của năm 2007” khi mà Việt Nam mua về 10 tỷ USD (tỷ giá lúc bấy giờ là khoảng 18.000 đồng, chưa đến 250 nghìn tỷ) đã bị “ngập trong tiền và chết đứ đừ vào năm 2008”.

Như vậy, ông Ánh nhận định cần phải có biện pháp trung hoà thị trường, nhưng ở thời điểm này chưa ai nói có trung hoà hay không mà dường như đang “ném tiền ra thị trường”. Việc làm này chất chứa nhiều nguy cơ, rủi ro lớn.

Trái với quan ngại của chuyên gia Vũ Đình Ánh, ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Việt Nam lại nhận định chuyện này “không có gì đáng sợ”.

Bởi theo ông, tiền ngân hàng được mua qua các kênh tín phiếu của Ngân hàng Nhà nước, trái phiếu chính phủ, khác hoàn toàn với những năm 2007, 2008. Nhờ đó, tín dụng là không tăng, thị trường vẫn có khả năng trung hoà.

TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR cho biết có thể kiểm tra lượng tín phiếu để có thể biết được thị trường đang như thế nào. Ông Thành cho biết thêm thời điểm 2007 thì Việt Nam không trung hoà được khiến cho lạm phát rất kinh khủng, tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại thị trường đang trung hoà tốt.

Ông Thành cũng ghi nhận những góp ý của ông Vũ Đình Ánh và hứa sẽ kiểm tra lại các thông số để sớm nhìn ra bức tranh thị trường.

Trước đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết thêm 9 tháng qua NHNN đã mua vào 11 tỷ USD, nâng dự trữ ngoại hối lên hơn 40 tỷ USD.

Con số này thể hiện niềm tin của xã hội vào tiền đồng, chuyển dịch lớn từ nắm giữ ngoại tệ sang tiền đồng, là cơ sở để ngân hàng có thể mua ròng ngoại hối, giúp dự trữ ngoại hối hơn 40 tỷ USD.

Đây là nguồn lực để NHNN ổn định tỉ giá trong quý IV, khi mà nhu cầu ngoại tệ thường tăng cao hơn.Tín dụng 9 tháng cũng đạt mức tăng trưởng 11%, phù hợp với kế hoạch tăng 18 - 20% trong cả năm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại