Tuần qua ghi nhận hoạt động hút ròng mạnh nhất trong nhiều năm của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) qua kênh tín phiếu và thị trường mở (OMO).
Cụ thể, liên tiếp trong 4 phiên giao dịch (18/10 – 20/10), Nhà điều hành đã hút về gần 126.200 tỷ thông qua kênh phát hành tín phiếu 7 ngày; trong khi chỉ bơm ra chưa đầy 1.600 tỷ thông qua kênh cầm cố giấy tờ có giá. Kết quả, hút ròng về gần 124.600 tỷ đồng.
Tính chung cả tuần qua, NHNN đã rút khỏi hệ thống ngân hàng gần 122.800 tỷ đồng với 4 phiên hút và 1 phiên bơm ròng vào đầu tuần 17/10.
Như vậy, hoạt động điều hành của NHNN đã có sự đảo chiều nhanh chóng khi trước đó cơ quan này đã liên tục bơm ròng thanh khoản cho hệ thống ngân hàng vào hai tuần đầu tháng 10, tổng cung ứng lên tới hơn 130.000 tỷ.
Nguồn: Wichart
Giới phân tích cho rằng NHNN rút bớt thanh khoản trong tuần qua nhằm hạn chế đà giảm của lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng.
Theo đó, lãi suất VND bình quân liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm trong phiên 19/10 đã giảm về còn 3,03%/năm. So với đầu tuần trước khi thị trường phản ứng với sự kiện bất lợi liên quan đến Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), lãi suất qua đêm đã giảm hơn một nửa.
Còn so với mức đỉnh hơn 10 năm ghi nhận vào ngày 5/10 (8,44%/năm), lãi suất qua đêm đã giảm 5,41 điểm %. Ở các kỳ hạn ngắn 1 và 2 tuần, lãi suất VND cũng tiếp tục giảm đáng kể, còn lần lượt quanh 4,01% và 4,11%. Các kỳ hạn còn lại ghi nhận xu hướng tương tự nhưng mức giảm không nhiều.
Phản ứng sau hoạt động hút ròng mạnh của NHNN, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm đã nhích tăng trở lại, lên 4,04% trong phiên 20/10. Dù vậy, vùng lãi suất này chỉ bằng một nửa so với mức ghi nhận vào đầu tháng 10.
Bên cạnh đó, với kỳ hạn tín phiếu chỉ là 7 ngày, số tiền được NHNN hút về trong tuần qua sẽ sớm được trả lại thị trường trong tuần tới. Do vậy, nếu Nhà điều hành không tiếp tục can thiệp, lãi suất VND liên ngân hàng nhiều khả năng sẽ trở lại xu hướng giảm, qua đó gây áp lực lên tỷ giá.
Thực tế, nhịp giảm sâu vừa qua đã khiến chênh lệch lãi suất giữa VND và USD trên thị trường liên ngân hàng đã thu hẹp nhanh chóng, đặc biệt ở các kỳ hạn ngắn. Điểm hoán đổi lãi suất mỏng đi đã ảnh hưởng nhất định đến tỷ giá USD/VND. Đây có thể là một yếu tố thúc đẩy NHNN hút bớt tiền về để duy trì chênh lệch lãi suất.
Trong bối cảnh đó, tỷ giá đã liên tục tăng nóng trên cả thị trường ngân hàng và thị trường tự do, bất chấp những động thái chính sách quyết liệt như tăng biên độ tỷ giá, nâng mạnh giá bán USD và cam kết sẵn sàng bán ngoại tệ can thiệp của Nhà điều hành .
So với cuối tuần trước, tỷ giá USD/VND tại các ngân hàng đã tăng khoảng 650 đồng, tương đương tăng 2,6%. Đây là tuần mất giá mạnh nhất của VND so với USD kể từ đầu năm đến nay, và thậm chí là trong nhiều năm trở lại đây.
So với cuối năm 2021, tỷ giá USD/VND đã tăng khoảng 1.950-2.000 đồng/USD, tương đương VND giảm khoảng 8,5% so với USD.
Tỷ giá USD trên thị trường "chợ đen" cũng tăng rất mạnh tuần qua. Hiện giá bán USD trên thị trường tự do đã lên khoảng 25.100-25.200 đồng/USD.