Thống kê của Người Đồng Hành với 27 ngân hàng cho thấy trong tháng 9, mức lãi suất cao nhất với kỳ hạn 12 tháng là 8,5%/năm tại ABBank, không kèm điều kiện đặc biệt.
Bên cạnh đó, ngân hàng này cũng cung cấp kỳ hạn gửi tiết kiệm 13 tháng với lãi suất 8,3%/năm, chỉ xếp sau Bản Việt có lãi suất 8,4%/năm (dù thế lãi suất 12 tháng của Bản Việt chỉ 8%/năm).
6 tháng đầu, ABBank là ngân hàng duy nhất tăng trưởng dư nợ cho vay âm trong hệ thống, âm 5% trong khi kế hoạch 2019 là tăng 17%.
Bên cạnh đó, tiền gửi khách hàng của đơn vị này cũng giảm 4% so với đầu năm, khi kế hoạch đề ra là tăng 28%. Việc giữ lãi suất huy động ở mức cao nhất hệ thống có thể là động thái nhằm thu hút khách hàng gửi tiền của ABBank.
Sau ABBank, Bắc Á và OCB là có lãi suất huy động ở 8,1%/năm. Trong đó, Bắc Á nâng lãi suất tại tất cả các kỳ hạn trên 12 tháng thêm 2 điểm phần trăm từ 7,9%/năm.
Nhà băng này cũng nâng lãi suất kỳ hạn 6 tháng thêm 1 điểm phần trăm lên 7,5% và kỳ hạn 9 tháng thêm 2 điểm phần trăm lên 7,9%/năm, trong khi các kỳ hạn 1-3 tháng giữ ở 5,5% và không kỳ hạn là 1%/năm. Nhìn chung trong hệ thống, Bắc Á vẫn là ngân hàng có mặt bằng chung lãi suất kỳ hạn ngắn cao nhất.
Lãi suất ngân hàng 12 tháng. Nguồn: Số liệu ngân hàng.
OCB cũng tăng lãi suất kỳ hạn 12 tháng thêm 1 điểm phần trăm từ 8%/năm của tháng 8. Lãi suất các kỳ hạn khác không thay đổi.
Một số ngân hàng khác có kỳ hạn 12 tháng neo ở 8%/năm có thể điểm tới như NCB, Bảo Việt Bank, Bản Việt với tiết kiệm thông thường hoặc một số chương trình riêng.
Cá biệt với SHB, với tiền gửi trên 500 tỷ đồng kỳ hạn 1 năm, khách hàng sẽ được hưởng lãi suất 8,9%/năm và kỳ hạn 13 tháng là 9%/năm. Hay Nam Á Bank với điều kiện tương tự, lãi suất 12 tháng là 8,3% và 24 tháng là 8,45%/năm.
Các ngân hàng quốc doanh, MB giữ lãi suất 12 tháng ở 7,5% cao nhất trong nhóm. VietinBank cùng BIDV, tiếp tục giữ lãi suất lên 7%/năm.
Nửa đầu năm 2019, VietinBank tăng trưởng tín dụng và huy động chỉ đạt 3,5% và 3,9%. Tiền gửi khách hàng, nếu tính cả tiền gửi và phát hành giấy tờ có giá thì mức tăng 8,4%/năm so với đầu năm.
Do không thể tăng vốn cải thiện hệ số CAR theo chuẩn Basel II, VietinBank hạn chế trong việc huy động vốn và giải ngân tín dụng. Ngân hàng này vẫn đang trong quá trình tìm giải pháp tăng vốn điều lệ.
Trong khi đó, BIDV ghi nhận mức tăng tín dụng và huy động là 7%, tương đương gần 64% kế hoạch cả năm. Tương tự VietinBank, BIDV cũng là 1 trong những ngân hàng có nhu cầu cấp thiết trong việc tăng vốn.
Thời gian tới, vấn đề này sẽ được giải quyết sau khi BIDV phát hành hơn 603,4 triệu cp cho KEB Hana Bank, tương đương 15% vốn điều lệ.
2 ngân hàng còn lại trong “Big4” là Agribank và Vietcombank giữ ở 6,8%/năm với kỳ hạn 12 tháng.
Các ngân hàng Nhà nước vẫn đứng cuối trong thang lãi suất. Vietcombank, VietinBank, BIDV công bố mức 0,1%/năm cho tiền gửi không kỳ hạn, trong khi Agribank ở mức 0,2%.Với kỳ hạn 1 - 9 tháng, mức lãi suất phổ biến dao động 4,5-5,6%/năm.
Trong khi đó, mức lãi suất phổ biến tại các ngân hàng tư nhân là 9 tháng là 6,9-7,5%, với 6 tháng là 6,7-7,4%, 1-3 tháng là 5,3-5,5% và không kỳ hạn là 0,5-1%.
Chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn dài lãi suất vượt 10%/năm
Sản phẩm chứng chỉ tiền gửi cho khách hàng cá nhân, tổ chức của Bản Việt vẫn dẫn đầu về lãi suất huy động với 10,2%/năm cho kỳ hạn 60 tháng. Ngoài ra, với các kỳ hạn khác 24-48 tháng, lãi suất áp dụng của ngân hàng này là 9,5-10%/năm. Bên cạnh đó, ngân hàng này cũng áp dụng lãi suất tiền gửi 8,4-8,6%/năm cho kỳ hạn 13-60 tháng.
VIB, VietABank cũng phát hành chứng chỉ tiền gửi 9,1% với kỳ hạn lần lượt 61 tháng và 24 tháng với tiền gửi tối thiểu là 10 triệu đồng.
SHB cũng thông báo phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất 8,9%/năm cho kỳ hạn 36 tháng và giá trị trên 2 tỷ đồng, các kỳ hạn 12-24 tháng có lãi suất 8,6-8,8%/năm. Nam Á Bank phát hành chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn 7 năm với lãi suất 8,9%/năm.
Việc phát hành chứng chỉ tiền gửi và để lãi suất cao tại các kỳ hạn dài của ngân hàng không ngoài mục đích bổ sung vốn trung và dài hạn trong bối cảnh siết tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn.
Bên cạnh đó, một số nhà băng cũng phát hành lượng lớn trái phiếu từ đầu năm nhằm bổ sung vốn cấp 2, cải thiện hệ số an toàn vốn theo chuẩn Basel II, bên cạnh việc huy động vốn dài hạn như BIDV, VietinBank, Vpbank, TPBank, ACB...
Riêng VietinBank, được Ngân hàng Nhà nước cho phép phát hành 10.000 tỷ đồng trái phiếu và đã thông báo chào bán hơn 5.600 tỷ đồng.