Ngân hàng kêu khó: Tiền vào dồi dào nhưng ít người vay, dù đã giảm lãi suất cho vay

Dy Khoa |

Trong tháng 1/2024, tín dụng toàn hệ thống ngân hàng Việt Nam giảm 0,6% so với đầu năm 2023 mặc cho ngân hàng đã giảm lãi suất vay.

Sáng 20/2, Ngân hàng Nhà nước tổ chức hội nghị đẩy mạnh tín dụng ngân hàng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng năm 2024.

Tại Hội nghị, bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước thông tin: "Tăng trưởng tín dụng đạt 13,71% tính đến cuối năm 2023, tuy nhiên, đến cuối tháng 1/2024 đã giảm 0,6% so với đầu năm 2023" - Chuyên trang Đầu tư Chứng khoán tường thuật.

Cũng theo bà Giang, mức giảm này xuất hiện ở 5/9 nhóm tổ chức tín dụng. Cụ thể, nhóm ngân hàng thương mại nhà nước giảm 0,88%, nhóm ngân hàng thương mại cổ phần giảm 0,51%, nhóm ngân hàng TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu giảm 2,22%, nhóm ngân hàng 100% vốn nước ngoài giảm 0,32%, nhóm ngân hàng liên doanh giảm 3,41%.

Bên cạnh đó, đến 31/1, mặt bằng lãi suất tiền gửi và cho vay tiếp tục có xu hướng giảm; lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân các giao dịch phát sinh mới của các ngân hàng thương mại giảm lần lượt khoảng 0,15%/năm và 0,25%/năm so với cuối năm 2023.

Ngân hàng kêu khó: Tiền vào dồi dào nhưng ít người vay, dù đã giảm lãi suất cho vay- Ảnh 1.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết tín dụng trong tháng 1/2024 giảm.

Trong tổng thuật của Tuổi Trẻ, ông Phạm Toàn Vượng, Tổng giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank), cho hay ngân hàng đã chủ động giảm lãi suất cho vay 0,5 - 1%/năm. Sau Tết Nguyên đán, tiền được gửi vào rất nhiều. Nguồn vốn ngân hàng rất dồi dào nhưng ở chiều ngược lại cho vay ra lại khó.

Còn ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) nói rằng đến hết tháng 1, tăng trưởng tín dụng tại Vietcombank đạt 1,24 triệu tỷ đồng, giảm khoảng 30.000 tỷ (tương đương 2,23%) so với cuối năm 2023.

Tổng Giám đốc Vietcombank cho rằng nguyên nhân đến từ tín dụng bất động sản tiêu dùng giảm vì kinh tế khó khăn, thu nhập người dân giảm sút, thị trường bất động sản trầm lắng. Các dự án được cấp phép cả năm 2023 và tháng đầu tiên năm 2024 giảm. Bên cạnh đó, những khó khăn liên quan đến pháp lý làm chậm tiến độ triển khai dự án mới.

"Bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn, đứt gãy chuỗi kinh tế toàn cầu. Tỷ trọng dư nợ ngắn hạn bán buôn có yếu tố thời vụ phục vụ nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa theo đó cũng giảm, trong khi đây là nhóm khách hàng quan trọng của Vietcombank. Các khách hàng FDI cũng trả nợ khoản vay ngắn hạn.

Về giải pháp, trong thời gian tới là tiếp tục triển khai cho vay lãi suất thấp so với thị trường để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân", ông Tùng nói.

Ngân hàng kêu khó: Tiền vào dồi dào nhưng ít người vay, dù đã giảm lãi suất cho vay- Ảnh 2.

Tăng trưởng tín dụng trong tháng 1 của Vietcombank giảm khoảng 30.000 tỷ (tương đương 2,23%) so với cuối năm 2023. Ảnh minh hoạ.

Còn Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Trần Long nói rằng đến nay tín dụng của BIDV giảm khoảng 25.000 tỷ đồng.

Nhận định nguyên nhân của tình hình này, theo ông Trần Long, cũng chủ yếu là kinh tế khó khăn. Các động lực tăng trưởng sản xuất tiêu dùng, xuất khẩu… đối mặt nhiều khó khăn, các đơn hàng xuất khẩu chậm. Doanh nghiệp đăng ký thành lập mới chỉ tăng nhẹ nhưng doanh nghiệp tạm ngừng tăng 25% so với cùng kỳ.

Ông Long mong Ngân hàng Nhà nước kiến nghị Chính phủ và các bộ ngành xem xét tháo gỡ thủ tục pháp lý, cải thiện môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp. Thêm vào đó, cần kéo dài thời hạn áp dụng thông tư 02 đến hết năm 2024 thay vì đến giữa năm.

"Năm nay, các tổ chức tín dụng phải có những đánh giá, nhận diện đầy đủ để tăng trưởng tín dụng bám sát thực tế. Cùng với đó, tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động, để từ đó giảm lãi suất cho vay đối với người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, các tổ chức tín dụng phải cân đối nguồn vốn huy động, nguồn vốn cho vay để đảm bảo kiểm soát các rủi ro như về tín dụng, thanh khoản…", Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng nói tại hội nghị.

(Tổng hợp)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại