Tính đến ngày 24/6, lãi suất huy động cao nhất thị trường thuộc về PVComBank với mức 9,5%/năm cho kỳ hạn gửi tiền từ 12 đến 13 tháng. Tuy nhiên, mức lãi suất này chỉ áp dụng cho số tiền gửi từ 2.000 tỷ đồng trở lên.
Ngoài ra, một số ngân hàng khác có mức lãi suất huy động cao hiện nay như OceanBank với 6,1%/năm cho kỳ hạn 36 tháng, 6%/năm cho kỳ hạn 18 tháng; NCB với 6%/năm cho kỳ hạn 18 - 60 tháng; HDBank với 6%/năm cho kỳ hạn 24 tháng.
Đối với tiền gửi 24 tháng, lãi suất cao nhất hiện nay là 5,9%/năm được áp dụng tại Oceanbank. Nhiều ngân hàng khác như Saigonbank, Vietbank cũng áp dụng lãi suất 5,8%/năm cho tiền gửi kỳ hạn này.
Ở kỳ hạn tiền gửi 12 tháng, lãi suất cao nhất thuộc về Bắc Á Bank với 5,5 %/năm. Những ngân hàng khác có mức lãi suất cao ở kỳ hạn này là ABBank 5,4%/năm; Bảo Việt Bank 5,3%/năm; VietBank 5,2%/năm.
Đối với tiền gửi kỳ hạn 9 tháng, lãi suất của Bắc Á Bank là cao nhất hệ thống với 5 %/năm. Một số ngân hàng khác cũng theo sát là CBBank và NCB 4,95%/năm; Bảo Việt Bank 4,9%/năm.
Lãi suất tiết kiệm cao nhất kỳ hạn 6 tháng hiện nay là 5%/năm tại CBBank. Tiếp đó là Bắc Á Bank với lãi suất 4,9%/năm ở kỳ hạn 6 tháng. Tại kỳ hạn này, những ngân hàng áp dụng lãi suất cao còn có Bảo Việt Bank, VietCapital Bank cùng 4,8%/năm…
Theo Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 5, tín dụng tăng 2,41% so với cuối năm 2023 (tương đương với mức tăng 12,8% so với cùng kỳ). Trong 5 tháng đầu năm, dư nợ tín dụng đã tăng thêm gần 327.000 tỷ đồng.
Tín dụng đang phục hồi rõ rệt, tăng trưởng tháng sau cao hơn tháng trước. Nếu tính 2 tháng đầu năm, tín dụng chỉ tăng 0,02%, thì hiện đã tăng 2,41%. Nhu cầu tín dụng phục hồi dần khiến các ngân hàng tiếp tục xu hướng tăng lãi suất huy động để thu hút tiền gửi.