Ngân hàng “bình thường” có được hỗ trợ xử lý nợ xấu?

Minh Đức |

Những tranh luận, có phần gay gắt, cùng hướng tới hoàn thiện dự thảo nghị quyết xử lý nợ xấu...

Tranh luận các điểm trong dự thảo nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ xấu đang có nhiều tranh luận, nhìn từ một hội thảo về chính sách và pháp luật xử lý nợ xấu diễn ra hôm 23/5 tại Hà Nội.

Trước đó, dự thảo trên đã trải qua nhiều cuộc họp bàn, các cuộc báo cáo, giải trình…

Tại hội thảo trên, một lần nữa các quan điểm khác nhau đưa ra, cả những tranh luận có phần gay gắt, mà một người trong cuộc cho rằng như thế mới là hội thảo, mới ra các vấn đề.

Toàn bộ hay chỉ trước 2016?

Nhấn mạnh đến yêu cầu phải đẩy nhanh xử lý nợ xấu một cách thực chất, TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nhấn mạnh đến tính thời điểm dự kiến nghị quyết trên có hiệu lực nếu được thông qua. Dự kiến, nếu thông qua, nó sẽ có hiệu lực ngay từ 1/7/2017, thay vì có độ trễ như các nghị quyết thông thường.

Ông Kiên nêu ra bốn điểm chính về dự thảo nghị quyết này, qua góc nhìn của ông, trong đó tính thị trường đã được tôn trọng hơn, hướng đến cơ chế công bằng khi áp dụng cho tất cả các thành phần, không phân biệt tổ chức tín dụng Nhà nước hay tư nhân, không phân biệt với tổ chức tín dụng nước ngoài.

Tuy nhiên, đối chiếu với hướng công bằng trên, tranh luận có ở sự phân loại (cũng có thể xem là phân biệt) về các khoản nợ xấu được áp cơ chế dự kiến hỗ trợ.

Một quan điểm đưa ra, nghị quyết nếu ban hành chỉ áp cơ chế hỗ trợ xử lý cho các khoản nợ xấu từ 2016 trở về trước. Lập tức có ý kiến phản biện.

TS. Nguyễn Đức Hưởng, cố vấn cao cấp Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) cho rằng, nợ xấu luôn tồn tại trong nền kinh tế.

Hoạt động ngân hàng Việt Nam chủ yếu là cho vay, hay một nguồn lực chính của nền kinh tế là dự vào đòn bẩy tín dụng. Quá trình cho vay và vòng quay liên tục của thị trường như vậy luôn tiềm ẩn rủi ro nợ xấu. Vậy thì theo ông, nếu phân biệt và tách hỗ trợ xử lý chỉ các khoản từ 2016 trở về trước, cơ chế có công bằng hay không.

Nếu cơ chế của nghị quyết đưa ra, nhằm hóa giải nhanh hơn điểm nghẽn lớn của nền kinh tế, là đúng và tốt, vì sao lại không áp cho tất cả các khoản nợ xấu - những khoản cho vay từng có vai trò và nghĩa vụ như nhau đối với nền kinh tế?

Hướng phân tích tiếp theo: với khoảng 150 nghìn tỷ động nợ xấu nội bảng (tính theo quy mô tổng dư nợ với tỷ lệ nợ xấu khoảng 2,56%), cùng khoảng hơn 200 nghìn tỷ nợ xấu còn nằm tại VAMC, đến cuối 2016, nếu theo phân loại áp dụng trên thì có khoảng 350 nghìn tỷ đồng nợ xấu trong diện được áp cơ chế hỗ trợ xử lý.

Theo một phương án được tính toán, hiệu lực của nghị quyết nếu ban hành chỉ áp dụng đến 2022, tức còn hơn 5 năm nữa. Việc tập trung xử lý khoảng 350 nghìn tỷ đồng nợ xấu nói trên cần độ trễ, có thể lấp đầy cả khoảng thời gian 5 năm tới.

Vậy thì, lượng nợ xấu mới phát sinh thêm, dồn tích lại sẽ làm sao, khi không được áp cơ chế hỗ trợ xử lý vì phát sinh sau mốc 2016?

Một báo cáo gần đây của Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong quá trình xử lý tồn đọng trước đây, nợ xấu mới vẫn phát sinh do nền kinh tế và hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp vẫn khó khăn.

Cùng đó, một lượng đáng kể là nợ xấu lẽ ra “thuộc diện” trước 2016, nhưng đã được cơ cấu lại mà không phải chuyển nhóm, đến nay lần lượt phải ghi nhận thực là “nợ xấu mới”.

Như dự kiến quy định của nghị quyết, chỉ áp cơ chế hỗ trợ xử lý cho những khoản từ 2016 trở về trước, thì phần ghi nhận mới này sẽ là thử thách dồn cục tiếp theo.

Cũng tại diễn đàn Quốc hội bốn năm trước, quy mô nợ được cơ cấu mà không bị chuyển nhóm nói trên từng được báo cáo lên tới khoảng 300 nghìn tỷ.

Với những phân tích trên, một hướng đề xuất đưa ra tại hội thảo là cơ chế hỗ trợ xử lý nợ xấu cần áp dụng chung cho toàn các khoản nợ xấu, không phân biệt về thời điểm, và áp cho đến khi nghị quyết hết hiệu lực.

Chỉ hỗ trợ “hộ nghèo”?

Về thời điểm nghị quyết hết hiệu lực, trước tính toán đến 1/7/2022, có ý kiến phản biện rằng: nếu đến thời điểm đó mà nợ xấu lại phát sinh thêm, thậm chí cả kịch bản có rủi ro lớn đối với nền kinh tế do nội tại hoặc từ thị trường thế giới…, thì không lẽ Quốc hội lại mất thêm nhiều thời gian để nghiên cứu, xây dựng để có thể ban hành một nghị quyết khác đuổi theo yêu cầu thực tế?

Theo đó, kiến nghị đưa ra, thời điểm có hiệu lực của nghị quyết, nếu được ban hành, sẽ áp dụng đến khi có luật mới hoặc khung khổ pháp lý hợp lý thay thế.

Ông Hưởng đưa ra tình huống, nếu nghị quyết chỉ có thời hạn hiệu lực trong nhiệm kỳ, chỉ áp hỗ trợ xử lý các khoản từ 2016 trở về trước, thì từ 2017 trở đi kinh tế Việt Nam chỉ có tăng trưởng… dựng đứng - điều mà không có nền kinh tế nào hiện thực.

Thay vào đó, tăng trưởng nền kinh tế diễn ra theo hình sin, có thăng trầm, và tại những vùng trũng hình sin, hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn và nợ xấu khê đọng ở đó, chứ không phải giải quyết được nợ xấu từ 2016 trở về trước là áp lực và điểm nghẽn đã hết trong quá trình vận động của nền kinh tế trong tương lai.

Ở một điểm khác nữa, có hướng đề xuất quy định dự thảo chỉ hỗ trợ xử lý nợ xấu cho các ngân hàng yếu kém mà thôi. Quan điểm này cũng nhận được ý kiến phản biện về sự phân biệt và tính công bằng, cũng như từ thực trạng nợ xấu hiện nay.

Theo báo cáo gần đây của Ngân hàng Nhà nước, nợ xấu tại các ngân hàng yếu kém chỉ chiếm khoảng 30% tổng nợ xấu. Nếu nghị quyết chỉ hỗ trợ xử lý phần này, thực trạng lớn của nợ xấu vẫn còn đó.

Chưa kể, chính những ngân hàng không yếu kém lại đang đóng góp lớn cho ngân sách, thực hiện các vai trò đối với nền kinh tế tốt hơn, vậy tại sao nợ xấu của họ không thuộc diện được hỗ trợ xử lý để công bằng?

Vậy nên, nếu đưa phân biệt và quy định chỉ hỗ trợ xử lý nợ xấu tại ngân hàng yếu kém vào nghị quyết, tình huống trớ trêu là các ngân hàng “bình thường”, không thuộc diện “hộ nghèo”, sẽ không được hỗ trợ về cơ chế.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại