Vụ việc trên xảy ra ở thành phố Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc. Theo Sohu, cụ bà họ Triệu năm nay đã 79 tuổi mới trải qua nỗi đau mất người thân. Con trai bà cụ không may gặp tai nạn và đã qua đời vào đầu năm 2023. Người đàn ông này chưa lập gia đình, cha anh cũng mất vào năm 2021. Vì vậy giờ đây, bà Triệu là người thừa kế hợp pháp duy nhất cho số “gia tài” mà con trai để lại.
Theo chia sẻ của bà Triệu, trước đó, con trai bà có gửi ngân hàng số tiền 410.000 NDT (hơn 1,3 tỷ đồng). Tuy nhiên sau khi con trai mất một thời gian, bà đến ngân hàng để rút tiền nhưng lại bị ngân hàng từ chối thực hiện giao dịch. Quá bức xúc với thái độ của ngân hàng, bà Triệu đã thuê luật sư và khởi kiện ngân hàng ra tòa. Không lâu sau đó, phía ngân hàng đã nhận được giấy triệu tập từ tòa án.
Chu Hiểu Lê, chủ tọa phiên tòa quận A Thành, Cáp Nhĩ Tân, cho biết: "Phía nguyên đơn là một bà cụ rất già. Con trai bà có 13 biên lai gửi tiền trong ngân hàng, tổng cộng hơn 410.000 NDT. Ngân hàng từ chối cho nguyên đơn rút “khoản thừa kế” này vì không thể xác định được rằng bà cụ là người thừa kế hợp pháp duy nhất của chủ tài khoản.
Thông thường, khi người thân của những chủ tài khoản đã mất đến để rút tiền, thông lệ của ngân hàng là yêu cầu họ cung cấp giấy tờ chứng minh bản thân là người thừa kế hợp pháp hoặc giải quyết thông qua phán quyết của tòa án. Bà Triệu cũng đã được yêu cầu thực hiện đầy đủ quy trình này, tuy nhiên việc cung cấp những giấy tờ liên quan lại khá phức tạp với một cụ bà 79 tuổi.
Ảnh minh họa: Sohu
“Nguyên đơn cho biết văn phòng công chứng cần bà cung cấp rất nhiều giấy chứng nhận, một trong số đó bà không thể xuất trình được. Phía Tòa cũng đã xem xét một số giấy tờ mà cụ bà cung cấp, một số giấy tờ liên quan từ ủy ban nơi bà cư trú và giấy xác minh do đồn công an cung cấp. Những giấy tờ này đã chứng minh người quá cố không có vợ/chồng, con cái và cha của anh ta cũng đã mất trước đó. Dựa trên những bằng chứng này, chúng tôi đã tiến hành xác minh thêm để làm rõ vụ việc”, Chủ tọa Chu Hiểu Lê cho biết.
Sau khi điều tra và lấy lời khai tại chỗ, tòa án cuối cùng xác định rằng bà Triệu là người thừa kế hợp pháp duy nhất của người con trai đã mất. Tòa cũng đưa ra phán quyết cuối cùng rằng ngân hàng phải trả cho bà Triệu khoản tiền do con trai bà đứng tên trong vòng 5 ngày sau đó.
Dù thắng kiện nhưng cuối cùng phía nguyên đơn là bà Triệu đã tự nguyện chịu phí thụ lý vụ án là 3.725 NDT (hơn 12 triệu đồng) và trả phí luật sư. Chủ tọa Chu Tiểu Lê cho biết: "Phía nguyên đơn nói rằng nếu ngân hàng đồng ý để bà thực hiện giao dịch rút tiền thì bà cụ sẽ tự nguyện chịu chi phí pháp lý."
Về vụ việc trên, phía ngân hàng luôn khẳng định mình không có lỗi và cho rằng “sự khó khăn” khi giải quyết vụ việc của bà Triệu trước đó là để bảo vệ quyền lợi của khách hàng - những người thừa kế hợp pháp.
Vụ việc này sau đó cũng nhận được sự quan tâm của nhiều cư dân mạng. Nhiều người cho rằng cách làm của ngân hàng là thủ tục bình thường và cho rằng quy trình xác minh người thừa kế hợp pháp này nên được đơn giản hóa để tạo thuận lợi cho người dân, đặc biệt là những người già như bà Triệu.
Ảnh minh họa: Sohu
Trên thực tế, trong những năm gần đây, Ủy ban Điều tiết Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc và các bộ, ủy ban liên quan khác đã ban hành một số văn bản liên quan đến yêu cầu gửi tiền và rút tiền của người thân những chủ tài khoản đã qua đời, nhằm đơn giản hóa quy trình rút tiền từ "công chứng và rà soát ngân hàng" đến để "ngân hàng xem xét và cam kết cá nhân".
Giới hạn rút tiền mà không cần công chứng được đặt ở mức 10.000 NDT (hơn 33 triệu đồng) và các ngân hàng được phép tăng lên không quá 50.000 NDT (hơn 169 triệu đồng) để tạo điều kiện thuận lợi cho việc xử lý những thủ tục liên quan đến thừa kế tiền gửi. Nhờ đó, giải quyết được phần nào hiện trạng thủ tục kéo dài và rườm rà, đặc biệt khi số tiền gửi nhỏ, những người thừa kế phải chịu chi phí thời gian không hợp lý và phí công chứng.