Ngân hàng bất ngờ đua nhau huy động được hàng chục nghìn tỷ đồng vốn rẻ, lãi suất thấp hơn nhiều so với huy động tiền gửi

Thu Thủy |

Sau quý 1 khá trầm lắng, nhiều ngân hàng đã bắt đầu tăng mạnh phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong nửa cuối tháng 4 và trong tháng 5 này. Kỳ hạn trái phiếu chủ yếu là 2-3 năm với lãi suất chỉ 3 - 4,2%/năm, thấp hơn nhiều so với lãi suất tiết kiệm.

Theo chứng khoán MBS, trong quý 1/2021, có 38.235 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đã được phát hành qua các kênh riêng lẻ và công chúng, giảm khoảng 30% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong đó, nhóm Bất động sản và Chứng khoán là 2 ngành đi đầu trong phát hành trái phiếu, chiếm tới hơn 3/4 tổng lượng phát hành toàn thị trường. Trong khi đó, ở nhóm ngân hàng, chỉ có 2 thành viên là LienVietPostBank và VPBank tham gia phát hành trái phiếu trong quý 1.

Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, sau quý 1 khá trầm lắng, nhiều ngân hàng đã bắt đầu tăng phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong nửa cuối tháng 4 và trong tháng 5 này.

Tại VIB, từ cuối tháng 4 tới nay, ngân hàng đã có 3 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp, huy động được 4.000 tỷ đồng với lãi suất chỉ 3,7 - 4%/năm, thấp hơn nhiều lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của ngân hàng. Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không có tài sản đảm bảo và không kèm chứng quyền.

Cụ thể, ngày 13/5, VIB đã phát hành thành công 1.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm với lãi suất chỉ 4%/năm. Trước đó, cuối tháng 4, ngân hàng cũng đã phát hành thành công hai lô trái phiếu kỳ hạn 3 năm với tổng giá trị 3.000 tỷ đồng; trong đó gồm 1.500 tỷ đồng trái phiếu lãi suất 3,7%/năm; 1.500 tỷ đồng trái phiếu lãi suất 4%/năm.

VietinBank mới đây cũng thông báo phát hành thành công 2 lô trái phiếu. Trong đó, ngày 10/5, nhà băng này đã phát hành 1.500 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 8 năm có lãi suất thả nổi được xác định theo công thức: tham chiếu + 0,9%.

LS Tham chiếu là lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng bình quân của 4 ngân hàng thương mại lớn. Theo đó, lãi suất phát hành thực tế là 6,475%/năm. Ngoài ra, cùng ngày 10/5, VietinBank phát hành được 85 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 15 năm với lãi suất thực tế 6,7%/năm. Trái phiếu này không có tài sản đảm bảo, thoả mãn các điều kiện được tính vào vốn cấp 2.

ACB cũng vừa thông báo kết quả đợt phát hành trái phiếu đầu tiên trong năm nay. Cụ thể, ngày 6/5 ngân hàng đã phát hành được 2.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm, lãi suất 4%/năm.

Còn tại TPBank, ngân hàng đã có 3 đợt phát hành trái phiếu kỳ hạn 3 năm kể từ đầu tháng 5 đến nay, với tổng giá trị 2.600 tỷ đồng, lãi suất 3%, 3,8%, 4,1%/năm.

Tương tự, VPBank cũng có 3 đợt phát hành trong tháng 5, trong đó 500 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm có lãi suất 3,9%/năm; 300 tỷ đồng với lãi suất 4,2%/năm và 300 tỷ đồng khác có lãi suất 3,9%/năm. Trước đó, ngày 22/4, nhà băng này cũng huy động được 4.000 tỷ đồng thông qua trái phiếu kỳ hạn 3 năm với lãi suất 4,2%/năm.

SHB hôm 18/5 cũng đã phát hành 1.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 2 năm với lãi suất cố định 3,8%/năm.

Kỳ hạn mà các ngân hàng muốn huy động chủ yếu là 2-3 năm, lãi suất chỉ từ 3-4,2%/năm. Mức lãi suất này thấp hơn nhiều so với mức lãi suất huy động tiền gửi. Hiện, lãi suất huy động tiền gửi kỳ hạn 2-3 năm phổ biến trên thị trường là 5,8-6,5%/năm. Mức 3-4%/năm thường chỉ dành cho các kỳ hạn dưới 6 tháng.

Ngoài ra, lãi suất huy động bằng trái phiếu của các ngân hàng cũng thấp hơn rất nhiều so với nhóm BĐS, Chứng khoán. Trong khi có công ty BĐS trả lãi suất cao nhất lên tới 13%/năm cho kỳ hạn 2 năm thì nhóm ngân hàng cao nhất chỉ 3,8%/năm.

Bên mua trái phiếu của các ngân hàng chủ yếu là các công ty chứng khoán. Chẳng hạn, VNDirect đã mua 1.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm lãi suất 3%/năm của TPBank trong đợt phát hành hôm 5/5. Còn tại ACB, trong đợt phát hành vừa qua, 2 công ty chứng khoán không nêu tên đã mua trọn 2.000 tỷ đồng trái phiếu của nhà băng này.

Việc các ngân hàng ồ ạt huy động trái phiếu trở lại có thể liên quan tới việc huy động vốn qua kênh tiền gửi tăng trưởng khá chậm trong quý đầu năm.

Được biết, tính tới ngày 16/4, dư nợ tín dụng đã đạt mức tăng 3,34% so với đầu năm, cao hơn rất nhiều so với mức tăng 1,41% vào cuối tháng 4/2020 và mức 1,47% vào trung tuần tháng 3. Mặt khác, huy động vốn lại đang có dấu hiệu tăng trưởng chậm hơn tín dụng, khi tính tới ngày 19/3, tăng trưởng huy động vốn mới chỉ đạt 0,54% trong khi tăng trưởng tín dụng đã đạt 1,47%.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại