Hà Nội triển khai kết nối liên thông các nhà thuốc nhằm kiểm soát chặt chẽ việc bán thuốc theo đơn. Ảnh: Quang Thái
Rước họa khi tự chữa bệnh
Theo khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới trong hai ngày 3 và 4-3, lượng bệnh nhân đến các bệnh viện lớn trên địa bàn Thủ đô, như: Bệnh viện Nhi trung ương, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Việt Nam - Cuba… giảm hẳn.
Nguyên nhân do lo sợ lây nhiễm Covid-19, nên nhiều người ngại đến bệnh viện mà chuyển sang khám bệnh, tự mua thuốc điều trị tại các cửa hàng thuốc. Điều đáng nói, có những bệnh nhân khi nhập viện đã trong tình trạng nặng.
Hơn một tháng nay, lượng bệnh nhân điều trị nội trú tại Khoa Nội tổng hợp của Bệnh viện Thanh Nhàn giảm gần một nửa so với cùng kỳ năm ngoái và so với thời điểm trước Tết Nguyên đán 2020. Bác sĩ Đoàn Thị Anh Đào, Phó Trưởng khoa Nội tổng hợp cho biết, khoa vừa tiếp nhận một nam thanh niên (25 tuổi ở quận Hoàng Mai) nhập viện trong tình trạng viêm phổi nặng. Trước đó 5 ngày, bệnh nhân bị sốt, nhiễm khuẩn, viêm phế quản. Vì lo sợ nếu đến bệnh viện sẽ bị cách ly 14 ngày, nên bệnh nhân đã tự mua thuốc về nhà điều trị.
Tuy nhiên, tình trạng bệnh càng nặng hơn, kèm theo khó thở, đau ngực, bệnh nhân mới nhập viện. “Dù viêm phế quản là bệnh đơn giản, nhưng nếu tự ý sử dụng kháng sinh không phù hợp, điều trị bằng truyền dịch tại nhà là rất nguy hiểm. Đặc biệt, với người có sẵn bệnh nền mà tự sử dụng thuốc không đúng dễ gây suy hô hấp, dẫn đến suy đa tạng và tử vong”, bác sĩ Đoàn Thị Anh Đào lưu ý.
Tương tự, tại Bệnh viện Nhi trung ương, nếu như trước đây, trung bình một ngày khám cho từ 2.500 đến 3.000 trẻ, thì nay giảm xuống còn khoảng 1.200-1.500 trẻ/ngày. PGS.TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương cho biết: "Trước những diễn biến khó lường của dịch Covid-19, người bệnh hoang mang, lo sợ khi đi khám cũng là điều dễ hiểu. Thế nhưng, đáng lo ngại là tình trạng nhiều người tùy tiện sử dụng thuốc kháng sinh cho con. Thậm chí, nhân viên quầy thuốc còn kê kháng sinh cho trẻ. Một nghiên cứu sàng lọc các bệnh nhân nhập viện được chúng tôi tiến hành cho thấy, có đến 30% các bé có vi khuẩn kháng thuốc trong phân khi nhập viện…".
Còn Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh (Hà Nội) vừa tiếp nhận bệnh nhi N.A.Q (13 tháng tuổi, ở quận Long Biên) vào bệnh viện trong tình trạng thở gấp, co lõm ngực, cơ thể có biểu hiện tím tái, nhịp tim 210 lần/phút, kèm tiêu chảy.
Theo mẹ bé Q, mấy ngày trước, bé bị ho, chảy nước mũi, thở khò khè, nên chị đã tự mua thuốc kháng sinh và thuốc ho cho bé uống. Uống được 3 ngày, bé lại ho nhiều hơn, bú ít, thở nhanh, sốt cao, quấy khóc kèm tiêu chảy, nên gia đình đưa bé đến bệnh viện.
Tại đây, sau khi khám và thực hiện các kỹ thuật chẩn đoán cận lâm sàng, bác sĩ kết luận bé bị viêm phổi nặng, có dấu hiệu suy hô hấp, nhiễm trùng huyết.
Bác sĩ Phạm Thanh Xuân, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh cảnh báo, tình trạng bố mẹ tự ý mua thuốc ho, thuốc kháng sinh cho con uống khi con ho, sổ mũi là khá phổ biến. Trong khi đó, biểu hiện ban đầu của bệnh viêm phổi ở trẻ em rất giống các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp khác.
Nếu bệnh của trẻ không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể tiến triển nhanh, dẫn đến biến chứng nặng, nguy cơ tử vong cao. Trẻ dưới 5 tuổi, nhất là đối tượng dưới 2 tháng tuổi, thuộc nhóm tuổi có nguy cơ mắc và tử vong do viêm phổi cao nhất.
Liên quan đến vấn đề này, bà Trần Thị Nhị Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, theo quy định, bán lẻ thuốc mà không có đơn là hành vi bị nghiêm cấm. Thế nhưng, thay vì tìm bác sĩ ở các bệnh viện uy tín để được thăm khám, kê đơn, thì người dân lại tìm đến các nhà thuốc để nhờ sự giúp đỡ của các dược sĩ, biến “dược sĩ thành bác sĩ” để mua thuốc về trị bệnh.
Tăng cường kiểm soát bán thuốc theo đơn
Theo Sở Y tế Hà Nội, hiện trên địa bàn thành phố có 7.196 cơ sở cung ứng thuốc đang hoạt động, trong đó có 1.129 cơ sở bán buôn thuốc, nguyên liệu làm thuốc, 3.592 nhà thuốc và 2.475 quầy thuốc. Thời gian qua, ngành Y tế đã đẩy mạnh triển khai ứng dụng công nghệ thông tin để kết nối các nhà thuốc, nhằm kiểm soát việc kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn. Tính đến hết năm 2019, tổng số cơ sở cung ứng thuốc thực hiện kết nối là 6.353/7.196 cơ sở, đạt 88,3%.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung cho biết, qua kiểm tra cho thấy, công tác tổ chức, kiểm tra việc thực hiện kết nối liên thông các cơ sở cung ứng thuốc tại một số quận, huyện chưa được chú trọng. Một số nhà thuốc tư nhân đã thực hiện kết nối liên thông, nhưng chưa cập nhật đầy đủ dữ liệu danh mục thuốc, dữ liệu bán thuốc hằng ngày. Tình trạng, người bán thuốc kiêm luôn vai trò bác sĩ, tự kê đơn, bán thuốc cho người mua vẫn diễn ra…
Trước thực tế trên, ông Nguyễn Văn Khải, Trưởng phòng Nghiệp vụ dược (Sở Y tế Hà Nội) cho hay, trong năm 2020, mỗi quận, huyện, thị xã sẽ xây dựng từ 3 đến 5 nhà thuốc, quầy thuốc điểm, đạt tiêu chuẩn thực hành tốt quản lý nhà thuốc (GPP).
Sở Y tế Hà Nội sẽ phối hợp với Hội Dược học Hà Nội tổ chức tập huấn, đào tạo cập nhật kiến thức chuyên môn, sử dụng phần mềm kết nối liên thông, các quy định về kê đơn thuốc, bán thuốc kê đơn cho chủ các nhà thuốc, quầy thuốc điểm. Các cơ sở này sẽ có nhiệm vụ hướng dẫn các cơ sở khác trên địa bàn thực hiện.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung cho rằng, dù không dễ triển khai thực hiện kết nối mạng của các nhà thuốc, quầy thuốc, kiểm soát việc bán thuốc theo đơn nhưng thành phố vẫn quyết tâm thực hiện.
Trong thời gian tới, Sở Y tế Hà Nội sẽ tổ chức kiểm tra khoảng 50% các bệnh viện trực thuộc, một số bệnh viện tư nhân, trung tâm y tế có nhà thuốc, quầy thuốc. Phòng Y tế các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm rà soát, tổ chức kiểm tra 100% cơ sở bán lẻ thuốc. Riêng với những cơ sở đạt thực hành tốt quản lý nhà thuốc, Sở Y tế sẽ tổ chức kiểm tra, đánh giá đột xuất.
Qua kiểm tra, nếu phát hiện nhà thuốc nào không kết nối mạng và bán thuốc không có đơn thuốc sẽ bị thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược. Cùng với đó, ngành Y tế Hà Nội sẽ tăng cường tuyên truyền để người dân dần từ bỏ thói quen tự ý mua thuốc, nhất là thuốc kháng sinh khi không có chỉ định của thầy thuốc, tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.