Ngăn chặn cuộc khủng hoảng tuyệt chủng mới

LAM ĐIỀN |

Chính phủ của Thủ tướng Australia Anthony Albanese vừa công bố kế hoạch 10 năm để nỗ lực ngăn chặn nguy cơ tuyệt chủng 110 loài được ưu tiên và bảo vệ 20 địa danh ưu tiên trước nguy cơ tiếp tục suy thoái. Mục đích nhằm đảm bảo không có thêm những loài động vật và thực vật bị tuyệt chủng, đồng thời bảo tồn ít nhất 30% diện tích đất của Australia.

Australia đã mất đi nhiều loài động vật có vú hơn bất kỳ nơi nào khác và là một trong những nước có tốc độ suy giảm về loài tồi tệ nhất thế giới. Đây là thông tin được đưa ra trong báo cáo môi trường 5 năm do Chính phủ Australia công bố mới đây.

Ngăn chặn cuộc khủng hoảng tuyệt chủng mới - Ảnh 1.

Gấu túi nằm trong danh sách các loài ưu tiên được đưa vào Kế hoạch hành động mới của Australia. Ảnh: CNN

Các loài động vật như kỳ đà đuôi xanh hiện chỉ còn tồn tại trong điều kiện nuôi nhốt, trong khi chuột đá và cáo bay ở đảo Giáng sinh nằm trong số những loài động vật có vú có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất trong 20 năm tới, phần lớn là do các loài săn mồi du nhập. Số lượng các loài được thêm vào danh sách đang bị đe dọa hoặc bị đe dọa đã tăng 8% so với báo cáo trước đó vào năm 2016 và sẽ tăng mạnh do hậu quả của các vụ cháy rừng xảy ra vào năm 2019, 2020. Chính phủ Australia cho biết các loài ưu tiên được lựa chọn dựa trên một số yếu tố, bao gồm tính độc nhất của chúng và nguy cơ tuyệt chủng, trong khi các địa điểm ưu tiên đại diện cho “một loạt các cảnh quan và hệ sinh thái”.

Các khu vực bao gồm rừng ở viễn Bắc Queensland, Vườn quốc gia Kakadu ở lãnh thổ phía Bắc và đảo Kangaroo ở miền Nam. Bộ trưởng Môi trường Tanya Plibersek khẳng định, việc đưa các loài đang bị đe dọa vào danh sách cần bảo vệ khẩn cấp theo Luật Môi trường quốc gia là một bước quan trọng để bảo tồn những loài này và môi sinh của chúng. Bà T.Plibersek thừa nhận những nỗ lực của Australia nhằm bảo vệ thiên nhiên hoang dã thời gian qua chưa phát huy hiệu quả, khiến nước này trở thành trung tâm tuyệt chủng động vật có vú của thế giới.

Các nhóm vận động bảo vệ môi trường hoang dã đã hoan nghênh kế hoạch mới của Chính phủ Australia. Theo các tổ chức bảo vệ động vật hoang dã, các vụ cháy rừng dữ dội xảy ra vào mùa hè 2020 và 2021 đã thiêu rụi 5,8 triệu ha đất ở miền Đông Australia, khiến từ 1-3 triệu động vật hoang dã chết hoặc phải di dời đến nơi khác. Các nhà khoa học ước tính chi phí tháo gỡ cuộc khủng hoảng tuyệt chủng tại Australia sẽ rơi vào khoảng 1,69 tỷ AUD (1 tỷ USD)/năm. Giám đốc Bảo tồn động vật hoang dã thế giới của Australia, Rachel Lowry, hoan nghênh cam kết của chính phủ Australia đối với các loài bị đe dọa nhưng cho rằng kế hoạch này nên quy mô hơn nữa vì Australia hiện có hơn 1.900 loài bị đe dọa đã được liệt kê.

Chính quyền bang New South Wales (NSW) cũng hưởng ứng kế hoạch của chính phủ bằng việc mở rộng dự án tái thả động vật hoang dã về môi trường sống tại các công viên quốc gia. Theo đó, sẽ có hơn 50 loài đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng được tái thả về môi trường sống tại 4 khu bảo tồn mới ở các công viên của bang. Theo chính quyền bang, 3 khu vực không có động vật ăn thịt trong các công viên quốc gia ở bang NSW đã ghi nhận sự gia tăng số lượng động vật mà trước đó từng được cho là đã biến mất tại địa phương, trong đó có loài cá đuôi dài. 

Với kế hoạch mở rộng dự án, cơ quan chức năng bang NSW sẽ bổ sung 4 khu vực bảo tồn mới tại các công viên quốc gia NSW, đồng thời mở rộng phạm vi không có cáo và mèo - 2 loài động vật là mối đe dọa với loài động vật khác, tại các khu bảo tồn dự kiến có diện tích lên tới gần 65.000 ha…

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại