Bảo tàng Kỹ thuật (Bảo tàng Vũ khí Việt Nam) có diện tích hơn 8.000m2, tương đương diện tích mặt cỏ sân Mỹ Đình. Bảo tàng đặt tại phường Thượng Thanh, quận Long Biên, Hà Nội.
5.000 hiện vật gốc thuộc hàng trăm loại vũ khí khác nhau được trưng bày tại toà nhà 3 tầng, mỗi tầng rộng 1.000 m2. Đây chính là minh chứng cho quá trình hình thành, phát triển công nghệ vũ khí Việt Nam từ sơ khai cho đến hiện đại. Trong ảnh là các mũi lao, giáo trong thời kỳ 1.000 năm Bắc thuộc.
Trong suốt các triều đại Lý - Trần - Lê, việc sửa sang võ bị để tăng cường khả năng chống giặc ngoại xâm luôn được coi trọng. Ngay trong thời bình nhiều vua đã xuống chiếu nhắc nhở tướng sĩ không được lơ là phòng thủ quốc gia, phải chăm lo rèn binh luyện tướng, đóng chiến thuyền và rèn vũ khí.
Cọc gỗ bịt sắt, máy bắn đá, súng thần công cùng các phương tiện chiến đấu khác, từng được người Việt sử dụng đã làm nên những chiến công hiển hách. Điển hình như chiến thắng trên sông Bạch Đằng đánh tan quân Nam Hán vào năm 938 của Ngô Quyền, chiến thắng ải Chi Lăng diệt hơn một vạn quân Minh của Lê Lợi (1427)…
Hiện vật súng thần công tái hiện chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa đánh tan 29 vạn quân Thanh của vua Quang Trung (1789).
Các hiện vật trưng bày tại bảo tàng đã giúp cho người xem hình dung khá trọn vẹn về lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam. Từ những đại đao, mã tấu của các chiến sĩ “tự vệ - công - nông” thời kỳ tiền khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến những quả tạc đạn, súng kíp, súng lục của 34 chiến sĩ đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (22/12/1944); những quả địa lôi, bom ba càng, súng bazoka... của bộ đội và du kích tự chế trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến năm 1946.
Các loại đạn DKZ được sử dụng cho các loại súng DKZ hoặc SKZ, là hỏa khí của lực lượng bộ binh, có nhiệm vụ tiêu diệt các phương tiện chiến tranh như xe tăng, xe thiết giáp, các ổ hỏa lực mạnh, vũ khí hạng nặng, xe cơ giới, các công trình quân sự.
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ngành quân giới Việt Nam đã chế tạo ra loại súng chống tăng CT-62, thiết kế chế tạo súng cối 60 mm, cối 160 mm và nhiều loại vũ khí tự tạo để đánh địch (mìn, lựu đạn, thủ pháo, các hướng nổ phóng...). Nhà khoa học quân sự Trần Đại Nghĩa cùng cán bộ, kỹ sư quân giới chế tạo vũ khí A12 nhẹ dễ mang vác, tiện cơ động để tiêu diệt các căn cứ, sân bay, bến cảng của địch trong phạm vi 10 km. Vũ khí tự chế của quân dân Nam Bộ như súng ngựa trời (1960) hay mìn gạt (1967)... góp thêm sức mạnh chiến đấu cho quân và dân ta.
Súng máy phòng không, được biên chế và sử dụng phổ biến nhất trong quân đội Việt Nam là DShK-38 được biết đến với cái tên ngắn gọn là súng phòng không 12,7 mm. Đây là khẩu đại liên được dùng trong cả tác chiến mặt đất lẫn tác chiến phòng không tầm thấp của Liên Xô. Khi được Liên xô viện trợ, DShK nhanh chóng trở thành vũ khí phòng không tầm thấp, cũng như vũ khí yểm trợ bộ binh tiêu chuẩn trong các đại đoàn chủ lực và các tiểu đoàn phòng không của Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến.
Cho đến đầu thế kỷ 21, dù đã có hơn 70 năm tuổi nhưng AK 47 và các phiên bản của nó vẫn là thứ vũ khí được ưa chuộng nhất, được lựa chọn là vũ khí tiêu chuẩn trang bị cho quân đội trên 50 quốc gia. Ngoài ra nó còn phục vụ rất nhiều các lực lượng vũ trang, du kích khác tại hơn 100 nước trên thế giới. Trong ảnh, các loại súng tiểu liên theo thứ tự từ trên xuống dưới bao gồm AK47, AKC, AKCM
Trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, Quân chủng Phòng không- Không quân đã bắn rơi 2.635 máy bay trong tổng số 4.181 máy bay Mỹ bị quân dân Việt Nam bắn rơi trên miền Bắc, gồm tất cả các kiểu loại hiện đại nhất của không quân Mỹ trong đó có 64 chiếc B-52, 13 chiếc F-111, tiêu diệt và bắt sống nhiều phi công Mỹ. Trong những con số kể trên thì lực lượng pháo phòng không cũng góp một phần không nhỏ vào chiến thắng này.
Không chỉ pháo phòng không, quân đội ta từng sở hữu nhiều loại pháo mặt đất, pháo bắn loạt mạnh mẽ. Trong ảnh là hệ thống pháo phản lực tự hành BM-21 và BM-14.