Mới đây, video quay lại cảnh một nữ quản lý khách sạn Hanoi Emerald Waters Hotel buộc lòng phải thông báo cho nhân viên nghỉ việc tạm thời đã được lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội.
Hỗ trợ 1,5 triệu/người/tháng, sếp cũng như nhân viên
Nữ quản lý đưa ra 2 phương án để lựa chọn. Phương án thứ nhất, nhân viên tạm nghỉ, về quê.
"Tất cả những bạn quyết định về quê sinh sống trở lại sẽ được công ty hỗ trợ 1,5 triệu đồng/tháng, gọi là lương thất nghiệp. Nếu tình hình này diễn ra trong 4 tháng, các bạn sẽ được công ty trả 6 triệu, vào ngày mùng 5/8, sau khi các bạn đi làm trở lại.
Tại sao đến tận ngày đó mới trả? Bởi nếu trả ở thời điểm này, nói thật là công ty không đủ tiền. 10 ngày qua, gom tiền để trả tiền điện thôi mà cũng thực sự khó khăn. Mỗi ngày khách sạn thu được 1 hoặc 3 triệu, riêng tiền điện của toàn công ty đã 3 - 4 trăm nghìn rồi", bà nghẹn ngào.
Tuy nhiên, bất kỳ khi nào nhận thấy đã giải quyết ổn thỏa vấn đề tài chính, công ty sẵn lòng yêu cầu bộ phận kế toán làm việc.
Khách sạn Hanoi Emerald Waters Hotel cho nhân viên nghỉ việc tạm thời 4 tháng vì vắng khách. (Ảnh cắt từ clip)
Lựa chọn thứ hai: "Với những bạn không thể về quê thì chúng ta sẽ đi làm đủ 18 ngày công và được nhận 4 triệu đồng. Giờ phút này không còn chức vụ, không còn ranh giới giữa sếp với nhân viên nữa, bây giờ là lúc chúng ta đối xử như nhau.
Bếp trưởng bình thường 20 triệu nay cũng nhận 4 triệu. Hãy cố gắng, vì tình hình khó khăn hiện tại mà mọi người hãy bỏ qua những thắc mắc như "Tại sao mình đang mức lương 12 triệu mà giờ chỉ còn 4 triệu?"
Theo đó, chính sách này sẽ được áp dụng ngay từ 1/3.
"So với SARS, dịch Covid-19 quá khủng khiếp"
Nói về ảnh hưởng của dịch Covid-19, vị nữ quản lý chia sẻ: "Thật sự chưa từng chứng kiến trong suốt những năm làm nghề. So với SARS ngày xưa, Hà Nội không như bây giờ, chỉ có 10 khách sạn mà khách sạn to nhất cũng chỉ có 15 nhân viên. Khi SARS đến, 10 người sẽ nghỉ không lương, 5 người đi làm đủ nhưng nhận 20% lương.
Ngày xưa giá phòng cũng chỉ 6 – 7 USD, thậm chí chỉ 2 USD nhưng mà vẫn không có khách trong 9 tháng trời. Vậy thì ngày hôm nay, với đại dịch này, nó khủng khiếp hơn rất nhiều lần so với SARS vì sự lây lan quá nhanh."
Theo bà, không như các ngành nghề quần áo, giày dép,… khác, không bán được thì cất trong kho, đợi hết dịch bệnh thì bán tiếp. Ngành dịch vụ, khách sạn là một loại “hàng hóa” hoàn toàn khác.
Đứng trước đông đảo nhân viên khách sạn, nữ quản lý nghẹn lời: "Chúng ta không như vậy. Một ngày mở mắt ra, phòng không được bán, phòng đó vẫn được chi trả. Nhiều người không làm ngành này nên họ nói rất vô cảm nhưng chúng ta sống trong ngành này phải hiểu, nỗi đau mà chúng ta không thể chia sẻ được."
Dự báo, ngành du lịch có thể sẽ phải chịu thiệt hại lên đến 7 tỷ USD chỉ trong 3 tháng vì dịch Covid-19. Trong đó, đối tượng chịu tác động mạnh nhất là các doanh nghiệp lữ hành, các công ty đầu tư hệ thống hạ tầng du lịch như hệ thống resort - khách sạn, dịch vụ nhà hàng, khu vui chơi giải trí.