Người may mắn là chủ nhân của bộ sách đặc biệt nói trên là ông Vi Thanh Tuấn (trú bản Kèo Lực 2, xã Phà Đánh, Kỳ Sơn, Nghệ An).
Theo ông Tuấn, bộ sách này được 4 thế hệ trong gia đình ông truyền tay và lưu giữ cho đến nay. Do là người được thừa kế nên hiện tại ông cùng các thành viên trong gia đình không biết sách viết chính xác nội dung gì.
Tuy nhiên qua tìm hiểu và hình vẽ thì ông Tuấn đoán bộ sách này nói đến các phong tục tập quán, quan niệm và phong thuỷ trong đời sống của người Thái ngày xưa.
Bộ sách mà ông Tuấn hiện đang lưu giữ có tất cả 5 cuốn trong đó chỉ có 1 cuốn chưa viết, còn lại các cuốn có nội dung khác nhau. Bộ sách có chiều dài khoảng 25cm, các trang là các lá cây kết với nhau bằng sợi gai bện xoắn.
Theo ông Tuấn, lá cây làm thành sách này là cây Pơ Lang. Để làm được 1 cuốn sách này mất hàng năm trời vì nhiều công đoạn. Loại mực viết trên lá này cũng là loại đặc biệt, cả trăm năm không phai màu.
Hiện tại, trên địa bàn huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) vẫn còn một số hộ gia đình còn được lưu truyền những cuốn sách bằng lá cây cổ quý này. Dù là người dân tộc Thái nhưng chữ Thái cổ đã bị thất truyền từ lâu nên cũng ít người có thể hiểu hết nội dung của các cuốn sách.
Nhiều chuyên gia nghiên cứu cho rằng các cuốn sách này chủ yếu như cuốn cẩm nang ghi lại kinh nghiệm, phong tục tập quán, nét văn hoá, các tục lệ hay là lịch sử lập bản, lập mường đánh giặc, phỉ...
Rất nhiều người hiếu kỳ tìm đến nhà ông Tuấn để được chiêm ngưỡng bộ sách quý này. Nhiều người trả giá cả chục triệu mua lại bộ sách nhưng ông Tuấn không bán.
Trải qua hàng trăm năm lưu giữ nên cuốn sách cũng bị hư hỏng một ít. Tuy nhiên lá cây làm sách không hề bị mối mọt, chữ viết vẫn còn in rõ nét.
Bà Vi Thị Quyên (Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn) cho biết, phía huyện đang lên kế hoạch bảo tồn, phát huy giá trị đặc sắc của các dân tộc trên địa bàn thông qua các cuốn sách được viết trên lá cây này.
Tuy nhiên, do chưa có kinh phí nên địa phương chỉ có thể tuyên truyền người dân lưu giữ cẩn thận, bảo quản tốt chứ chưa thể thu hồi hay mua lại sách.
Đến nay, nội dung chữ viết, các hình vẽ trên một số cuốn sách viết bằng lá cây cổ này vẫn chưa được giải nghĩa hết.