“Ngại ngùng” không có nghĩa là “hướng nội”: Người hướng nội biết tận hưởng cuộc sống còn người nhút nhát chỉ là những kẻ sợ hãi, luôn tìm cách trốn chạy

Phương Thảo |

Lý do hướng nội bị đánh đồng với sự nhút nhát là bởi người nhút nhát cũng có những biểu hiện tương tự như ít nói ra suy nghĩ của mình hoặc né tránh các sự kiện đông người. Nhưng một lần nữa, hai kiểu tính cách này xuất phát từ những động cơ khác nhau: Người hướng nội tránh nơi đông người vì họ ưa thích không gian ít ồn ào hơn trong khi người nhút nhát làm vậy vì sự bất an và sợ hãi.

“Chim đậu trên cành không bao giờ sợ cành gãy vì nó không đặt niềm tin vào cành cây mà nó tin vào đôi cánh của chính mình.” - Khuyết danh

 1. Kỳ II lớp 12, tôi đăng ký dự một lớp ôn thi cấp tốc trước khi kỳ thi vào đại học bắt đầu. 

Giây phút bước vào hội trường hơn 100 con người, ánh mắt tôi đã chạm phải ánh mắt trong veo của cô bạn tóc dài ngồi một mình bên cửa sổ dãy bàn đầu tiên. 

Tôi muốn trò chuyện với bạn ấy nhiều hơn nhưng sự nhút nhát khiến tôi không dám mở miệng nói một câu chào.

Nhiều ngày trời tôi ngồi đằng sau và nhìn trộm cô ấy, tim rộn ràng mỗi lần được nhặt hộ tờ đề bài cô bạn đánh rơi hay những lần bạn quay xuống mượn cục tẩy. 

Tháng 5 ve sầu rỉ rả trên những vòm cây, còn tôi chỉ biết ngồi ngây ra nhìn bóng lưng cô ấy. Chẳng tình địch nào cản đường, tôi cũng chẳng đủ dũng khí mở lời để cuối cùng lớp học giải tán, tình đầu cũng tan.

2. Cậu bạn thân hẹn gặp tôi dốc bầu tâm sự sau một tháng đi làm ở cơ quan mới. Chơi với nhau nhiều năm, tôi biết cậu ấy không giỏi giao tiếp nhưng cũng không phải người thích sống cô độc. 

Anh chàng trăn trở mình cũng muốn kết bạn mới nhưng hay ngại. 

Trong phòng có hội anh em thường tụ tập uống cà phê với nhau, bạn tôi thì chẳng bao giờ đến sớm và luôn ra về ngay khi hết giờ làm để tránh phải tham gia vào bất kỳ cuộc trò chuyện nào của nhóm này.

Có hôm cậu chàng đi siêu thị và nhìn thấy anh đồng nghiệp đang đẩy xe đồ cùng đứa con đi chiều ngược lại. 

Thay vì tiến tới bắt chuyện, chào hỏi dăm câu ba điều, bạn tôi rẽ ngay vào một hướng khác để không phải chạm mặt người ta. Sau vài tuần, trong phòng chẳng mấy ai muốn bắt chuyện hỏi han bạn tôi nữa.

“Ngại ngùng” không có nghĩa là “hướng nội”: Người hướng nội biết tận hưởng cuộc sống còn người nhút nhát chỉ là những kẻ sợ hãi, luôn tìm cách trốn chạy - Ảnh 1.

3. Trong buổi đầu của khoá thiền tôi tham gia vài năm trước, các thiền sinh được yêu cầu ngồi thành một vòng tròn, hít thở sâu và thiền sư nói chúng tôi hãy nghĩ về những điều mình thực sự mong muốn mà chưa thể thực hiện. 

Thầy hướng dẫn chúng tôi nói thật to suy nghĩ của mình và để chúng ở thì hiện tại như thể đó là những việc đang xảy ra. 

Thầy bắt đầu: “Tôi sở hữu một phòng tập yoga trên bãi biển Hawai.” Lần lượt từng người một, không khí trở nên ngập ngừng khi đến lượt một cô gái trẻ. 

Sự hồi hộp hiện lên trên gương mặt, đôi bàn tay vặn vẹo và cô gái bẽn lẽn: “Em chẳng biết nói gì.”

4. Đã bao giờ bạn được mời tham dự một bữa tiệc và cố hết sức để hoà nhập vào bầu không khí trẻ trung mà ai trong đó cũng rực rỡ và nói chuyện hết sức duyên dáng. 

Thế nhưng mỗi khi bạn mở miệng, bạn thấy những lời mình nói thật khô khan và hình như bạn đang làm bầu không khí trở nên khó xử. Bạn về sớm, nghĩ thầm chắc hẳn người ta thấy mình kỳ cục lắm.

Bạn có thấy mình đâu đó trong những câu chuyện ở trên không? Nếu thấy quen, chắc hẳn bạn hiểu thế nào là cảm giác ngại ngùng hay chí ít là sự khó xử trong giao tiếp xã hội.

Ngại ngùng là cảm giác ai cũng đôi lần trải qua, đối với một số người thì cảm giác này đến trong mọi tình huống giao tiếp. 

Dù sự ngại ngùng là hoàn toàn bình thường, nếu không được kiểm soát đúng cách, nó có thể cản trở việc kết bạn, gặp gỡ định mệnh của cuộc đời, thăng tiến trong sự nghiệp hay thậm chí cả việc đáp ứng những nhu cầu cơ bản của bạn. 

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng phụ nữ thường không hứng thú nếu đối tác hẹn hò của cô ấy quá nhút nhát. 

Nghiên cứu của Đại học Wisconsin-Madison ở Hoa Kỳ cũng cho thấy đàn ông nhút nhát gặp bất lợi so với những người bạo dạn hơn cùng trang lứa trong việc tiếp cận các cơ hội việc làm, kết hôn và sinh con. 

Các mối quan hệ thân thiết là yếu tố quan trọng hàng đầu quyết định sự thành công cũng như hạnh phúc của một người đàn ông, tuy nhiên rất khó để xây dựng những sợi dây kết nối cần thiết này nếu bạn không học cách giao tiếp một cách tự nhiên và tự tin.

“Ngại ngùng” không có nghĩa là “hướng nội”: Người hướng nội biết tận hưởng cuộc sống còn người nhút nhát chỉ là những kẻ sợ hãi, luôn tìm cách trốn chạy - Ảnh 2.

Bản chất của ngại ngùng

Biểu hiện và nguyên nhân của sự ngại ngùng

Sự ngại ngùng là cảm giác không thoải mái, sợ hãi, lo lắng, lúng túng, e dè mà đôi khi bạn trải qua khi tương tác với người khác. 

Khi ai đó thấy ngại, họ có thể có các dấu hiệu cả về sinh lý lẫn tâm lý. Nhịp tim nhanh hơn, bàn tay túa mồ hôi và toàn thân thấy nóng. 

Họ có thể đột ngột trở nên im lặng hoặc nói nhanh bất ngờ vì hồi hộp. 

Trên tất cả, họ bị mắc kẹt trong mớ suy nghĩ tiêu cực mà ở đó họ làm trung tâm, dường như tất cả mọi người đều đang đánh giá họ và cũng nhận ra họ đang lo lắng đến nhường nào.

Cảm giác ngại ngùng được bộ não xử lý giống như những mối hiểm hoạ sự sống từ thời nguyên thuỷ. 

Dù bây giờ sự sống của chúng ta không bị đe doạ thì vẫn tồn tại một thứ khác làm người ta ái ngại: sự đánh giá của xã hội. 

Đối với tổ tiên của chúng ta, việc bị xa lánh hay cô lập khỏi sự bảo vệ của bộ lạc không gây ra cái chết ngay tức thì nhưng cuối cùng vẫn có thể dẫn đến sự diệt vong. 

Mặc dù việc bị xã hội ruồng rẫy ngày nay không đem lại mối nguy khủng khiếp cho sự sống của mỗi người như vậy nhưng bộ não của chúng ta vẫn phản ứng theo một cách tương tự. 

Khao khát né tránh sự lo lắng và nỗi sợ hãi sâu sắc này khiến chúng ta muốn tránh xa những bữa tiệc như cách thuỷ tổ tránh đặt chân vào những hang động đầy thú dữ.

Giáo sư tâm lý người Mỹ Bernardo J. Carducci gọi đây là “mâu thuẫn tiếp cận/né tránh”. “Mâu thuẫn tiếp cận/né tránh” xảy ra khi chúng ta đối mặt với một mục tiêu có cả những đặc tính vừa tích cực vừa tiêu cực, điều này khiến nó vừa đáng khao khát vừa nguy hiểm. 

Đối với những người nhút nhát, giao tiếp với người khác cũng tạo ra kiểu mâu thuẫn kéo/đẩy này. Họ muốn mở lòng mình và tương tác vì 1) chúng ta tiến hoá để quảng giao và 2) việc giao tiếp đem đến những cơ hội như tình yêu, thăng tiến trong sự nghiệp hay chỉ đơn giản là niềm vui. 

Trong khi rất mong muốn được giao tiếp, người nhút nhát đồng thời nghĩ đến (thường chỉ trong tưởng tượng) những rủi ro đi kèm với việc giao tiếp với mọi người như sự ngại ngùng, xấu hổ hoặc cảm giác khó xử. 

Trong cuộc chiến giữa cơ hội và rủi ro của việc giao tiếp, rủi ro thường thắng thế trong nhận thức của người nhút nhát nên cuối cùng họ né tránh những tình huống đòi hỏi phải giao tiếp trong cuộc sống càng nhiều càng tốt.

“Ngại ngùng” không có nghĩa là “hướng nội”: Người hướng nội biết tận hưởng cuộc sống còn người nhút nhát chỉ là những kẻ sợ hãi, luôn tìm cách trốn chạy - Ảnh 3.

Ngại ngùng không phải là hướng nội

Đã đi sâu vào định nghĩa ngại ngùng là gì, chúng ta cũng cần nói rõ nó không là gì: ngại ngùng KHÔNG phải là hướng nội. 

Người hướng nội ưa thích những môi trường ít náo nhiệt hơn là người hướng ngoại. 

Dù người hướng nội thích ở một mình hoặc giao lưu với một nhóm nhỏ, họ không cảm thấy hồi hộp, lo lắng hay sợ hãi khi phải đối mặt với các tình huống giao tiếp. 

Một người hướng nội không hay xấu hổ sẽ không gặp khó khăn với việc gọi điện thoại cho thợ sửa ống nước hay tỏ tình với với người con gái mà anh ấy có cảm tình. 

Để minh chứng rõ hơn cho nhận định ngại ngùng không đồng nghĩa với hướng nội, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng một số người có thể vừa hướng ngoại lại vừa hay ngại. 

Trong khi những người hướng ngoại nhút nhát này rất thích ở gần nhiều người và cảm thấy được tiếp thêm năng lượng nhờ việc giao tiếp, họ đồng thời cảm thấy lo lắng hoặc hồi hộp khi cần đạt được mong muốn nào đó do sự nhút nhát của mình.

Lý do hướng nội bị đánh đồng với sự nhút nhát là bởi người nhút nhát cũng có những biểu hiện tương tự như ít nói ra suy nghĩ của mình hoặc né tránh các sự kiện đông người. 

Nhưng một lần nữa, hai kiểu tính cách này xuất phát từ những động cơ khác nhau: người hướng nội tránh nơi đông người vì họ ưa thích không gian ít ồn ào hơn trong khi người nhút nhát làm vậy vì sự bất an và sợ hãi.

Một lý do khác làm người ta nhầm lẫn giữa hướng nội và sự ngại ngùng là khi một người có mong muốn trở nên quảng giao nhưng lại sợ hãi và lo lắng về điều đó, có thể họ không muốn thừa nhận một điều là mình không có chính kiến và rụt rè. 

Họ tự an ủi rằng thực ra mình không nhút nhát, chỉ là mình hướng nội (người hướng nội thường toát ra một thần thái phong trần và bí ẩn như những nghệ sỹ đơn độc và người cô đơn).

“Ngại ngùng” không có nghĩa là “hướng nội”: Người hướng nội biết tận hưởng cuộc sống còn người nhút nhát chỉ là những kẻ sợ hãi, luôn tìm cách trốn chạy - Ảnh 4.

Sự phổ biến của ngại ngùng

Khoảng 50% dân số mô tả mình là người hay ngại và 95% người được hỏi từng trải qua cảm giác xấu hổ ít nhất một lần trong đời. 

Kể cả những nhân vật nổi tiếng thành công như một số người dẫn chương trình truyền hình Mỹ Johnny Carson, David Letterman hay cựu Phó Tổng thống Hoa Kỳ Al Gore cũng nhận mình là người nhút nhát. 

Thế nên nếu bạn đang lo lắng mình không được bình thường vì bạn hồi hộp khi giao tiếp với người khác, bạn không cần trăn trở quá nhiều vì bạn không phải người duy nhất.

Ngay cả những người hướng ngoại nhất cũng đôi lần trải qua cảm giác ngại ngùng trong đời. 

Họ có thể là trung tâm của một bữa tiệc, nói chuyện tự nhiên với những người có hoàn cảnh tương tự mình nhưng nếu bất chợt gặp một người nổi tiếng họ vẫn ngưỡng mộ hay khi đối diện với một người khác giới mà họ có cảm tình, họ có thể nói lắp bắp và mất bình tĩnh. 

Chuyên gia gọi đây là “ngại ngùng tình huống” và hiện tượng này xảy ra trong cuộc sống của nhiều người ít nhất một lần trong đời. 

Nếu bạn không gặp khó khăn trong việc giao tiếp trong phần lớn các tình huống nhưng bạn lại đặc biệt hồi hộp khi phải nói chuyện với một người cụ thể, bạn đang trải qua cảm giác “ngại ngùng tình huống” rồi.

Nguyên nhân của sự ngại ngùng

Sự ngại ngùng hay lúng túng trong giao tiếp là kết quả của tổng hoà các nhân tố sinh học, môi trường và nhận thức. 

Các nhà nghiên cứu khá chắc chắn khi đưa ra nhận định rằng không ai sinh ra đã nhút nhát; nói cách khác thì không có gì gọi là “gen hay xấu hổ”. 

Với lý giải này, yếu tố sinh học có thể làm một người trở nên nhút nhát hay lúng túng trong giao tiếp trừ khi môi trường sống và cách nuôi dạy ngày nhỏ định hướng họ phát triển theo một hướng khác.

Ví dụ, các em bé có phản ứng nhạy bén hơn với các tác nhân môi trường khi lớn lên thường hơi nhút nhát. 

Sự khác biệt về thần kinh cũng đóng vai trò trong việc định hình tính cách: những người có bộ não chuyển hoá serotonin quá nhanh đôi khi phải đối mặt với cảm giác ngại ngùng vì chất dẫn truyền thần kinh này đảm nhận việc làm con người cảm thấy bình tĩnh, thư giãn và hoà đồng.

Các tác nhân từ môi trường như mối quan hệ của bạn với bố mẹ, kỷ niệm tuổi thơ hay được khen ngợi hoặc phê bình, cách bạn được dạy về việc đối phó với khó khăn, liệu hồi nhỏ bạn có từng bị bắt nạt và các cơ hội để bạn tiếp xúc với thế giới bên ngoài có thể ảnh hưởng đến việc bạn có hay ngượng ngùng hay không.

“Ngại ngùng” không có nghĩa là “hướng nội”: Người hướng nội biết tận hưởng cuộc sống còn người nhút nhát chỉ là những kẻ sợ hãi, luôn tìm cách trốn chạy - Ảnh 5.

Yếu tố cuối cùng - thiếu các trải nghiệm với thế giới bên ngoài – có thể giải thích cho việc tại sao số người tự nhận mình nhút nhát liên tục tăng trong suốt ba mươi năm qua. 

Với việc giao tiếp được thực hiện ngày càng nhiều qua các thiết bị công nghệ và màn hình, chúng ta không tương tác trực tiếp với nhau nhiều như ngày xưa ông bà cha mẹ vẫn làm. 

Chúng ta có thể giao dịch ngân hàng, tìm kiếm sự trợ giúp với bài tập hay thậm chí mua sắm quần áo, thực phẩm mà không cần phải trao đổi trực tiếp với ai đó.

Giao tiếp là kỹ năng dễ mai một. Nếu không có sự rèn luyện thường xuyên, sự thuần thục của chúng ta có thể giảm sút đáng kể. 

Vì vậy, khi ngày nay chúng ta chỉ hay tương tác với nhau qua màn hình, chúng ta có xu hướng tự nhận thức được kỹ năng giao tiếp yếu kém của mình và cảm thấy lúng túng.

Lý do lớn nhất khiến chúng ta ngại ngùng, dù chỉ là tạm thời hay lâu dài, là do cách chúng ta nghĩ về những tương tác trong giao tiếp, đó là những niềm tin sai lệch, kết luận phiến diện và nhận thức tiêu cực chúng ta vẫn "đóng đinh" trong lối tư duy. 

Người hay ngại ngùng và lúng túng nghĩ rằng họ sẽ nói hoặc làm những việc xấu hổ trước mặt người khác. Nỗi sợ bị mất mặt kích thích những biểu hiện của sự ngại ngùng như cảm thấy nóng, bụng dạ nôn nao hoặc nói năng nhát gừng. 

Điều này dấy lên trong lòng người nhút nhát sự tự ý thức về hạn chế của bản thân. Họ trầm ngâm hơn, tập trung vào những biểu hiện ngại ngùng của mình và nghĩ ai cũng nhận ra chúng dù trên thực tế phần lớn mọi người không ai để tâm.

Chúng ta không thể thay đổi các nhân tố thuộc về sinh học hay quá khứ nhưng chúng ta có thể làm chủ suy nghĩ của mình. 

Cũng vì đây là nhân tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến việc tại sao bạn hay xấu hổ, bạn cần biết chính xác những gì bạn nghĩ trước, trong và sau khi một tình huống giao tiếp xuất hiện làm bạn thấy ngại ngùng. 

Bằng việc hiểu và ý thức được cơ chế của “sự nhận thức ngại ngùng” này, bạn sẽ có sự chuẩn bị tốt hơn và từng bước vượt qua sự lúng túng cũng như giao tiếp một cách tự nhiên và tự tin nhất.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại