Rời cần lái xe tăng, về cầm lái... đủ thứ xe
Trong khi ba thành viên khác trong kíp xe tăng 390 húc đổ công Dinh Độc Lập trưa 30/04/1975 còn tiếp tục ở lại phục vụ quân đội thêm khá nhiều năm nữa thì lái xe Nguyễn Văn Tập lại sớm về quê hương để gắn bó với ruộng đồng.
Tuy nhiên, cái nghiệp lái xe dường như vẫn không buông tha anh, chỉ khác là lúc này anh không lái xe tăng nữa mà lái... đủ thứ xe.
Sinh ra và lớn lên ở một làng quê có truyền thống làm màu, khi về quê anh lăn xả ra đồng sớm hôm cày cuốc.
Tài cầm lái xe tăng vượt Trường Sơn hiểm trở lúc này được phát huy để anh lái những chuyến xe ba gác chở phân gio, dụng cụ... vượt qua những con đường bờ ruộng nhỏ hẹp, quanh co ra đồng. Và cánh đồng quê hương đã không phụ công vợ chồng anh khi cho những vụ rau, củ, quả bội thu vào loại nhất làng.
Tuy nhiên, muốn bán được giá thì phải mang đến những nơi người ta cần chứ để thương lái về thu mua thì chả lãi được bao nhiêu sau khi trừ chi phí.
Và thế là Nguyễn Văn Tập lại gắn bó với chiếc xe đạp thồ, vài ngày một lần rong ruổi chở sản phẩm của nhà làm ra đến khắp các chợ quanh vùng. Nhờ đó mà rau, củ, quả của anh bán được giá hơn.
Thấy anh là bộ đội xuất ngũ, lại là đảng viên, lại rất chăm chỉ bà con tin tưởng giới thiệu anh tham gia công tác tại hợp tác xã. Thời kỳ đó có chủ trương tiến lên sản xuất lớn nên anh được cử đi học lái máy kéo.
Đối với một lái xe tăng già đời thì lái máy kéo là quá đơn giản. Mặc dù thường xuyên trốn học ở nhà song thi cuối khóa anh vẫn tốt nghiệp loại Giỏi.
Không may, chủ trương đi lên sản xuất lớn không thành công. Hợp tác xã không mua được máy kéo nên anh thành thất nghiệp không có gì để lái. Sau đó anh lại được bầu làm phó chủ nhiệm hợp tác xã và tiếp tục gắn bó với đồng đất quê nhà. Tuy nhiên, hợp tác xã quy mô lớn cũng không tồn tại được lâu.
Nguyễn Văn Tập và người vợ tần tảo Nguyễn Thị Tiến. Ảnh: Gia đình & Xã hội.
Khi hợp tác xã giải tán, địa phương mời anh ra xã làm việc và giao cho anh đảm nhiệm chức vụ bưu tá để có đồng ra đồng vào tuy thấp nhưng ổn định. Thế là anh phải thường xuyên lái chiếc xe đạp tòng tọc lên bưu điện huyện nhận thư, nhận báo và bưu kiện rồi rong ruổi đi giao khắp trong địa bàn xã.
Nhưng phải đến năm 1995, sau khi bộ phim tài liệu "Những người lính trên xe tăng 390 ngày ấy" được chiếu rộng rãi trên truyền hình, cái nghiệp cầm lái ấy mới thực sự trở lại với Nguyễn Văn Tập.
Chả là bà Tiến sĩ Nguyễn Thị Hòe sau khi nhận được giải thưởng Kovalepskaia đã đứng ra xây dựng một Tập đoàn sản xuất sơn mang tên Kova.
Ngưỡng mộ và thông cảm với hoàn cảnh những người lính trên kíp xe tăng 390, bà đã mời các anh về làm việc song chỉ có hai người nhận lời là trưởng xe Vũ Đăng Toàn và lái xe Nguyễn Văn Tập.
Khi biết Tập là lái xe, lại nhìn vẻ chân chất, đáng tin của anh, lãnh đạo tập đoàn quyết định giao cho anh công việc thủ kho kiêm lái xe nâng hàng.
Với kinh nghiệm hơn 3 năm cầm lái xe tăng, Tập đã nhanh chóng làm chủ phương tiện mới và trở thành một tay lái xuất sắc. Từ đó, anh đã gắn bó với nó những hơn 20 năm và không hổ danh là một "tay lái lụa" khi đưa hàng vào kho hoặc lấy hàng từ kho ra cho lên xe tải.
Còn việc tay hòm chìa khóa quản lý kho của Tập cũng rất chặt chẽ, không hao hụt, mất mát bao giờ. Các đồng đội hay trêu anh: "Chỉ công ty là được lợi thôi. Đáng lẽ hai biên chế thì bây giờ chỉ cần một. Đòi tăng lương đi!". Tập chỉ cười hiền hậu: "Cứ làm cho tốt đi, gái có công thì chồng không phụ".
Đã nói là làm, Nguyễn Văn Tập đã không phụ lòng tin của những người đã tin tưởng mình trong công việc mới này, anh đã hoàn thành xuất sắc cả hai vai. Nhưng cũng chính sự tin cậy này đã làm kế hoạch nghỉ hưu của anh phải liên tục lùi lại mấy lần.
Năm 2019, khi đã xấp xỉ tuổi "xưa nay hiếm", Nguyễn Văn Tập quyết định "rửa tay gác kiếm" để về vui thú điền viên. Ấy thế mà sau mấy lần liên hoan chia tay, phải đến mấy tháng sau công ty mới tìm được người thay thế và anh mới được thỏa nguyện vọng của mình.
Bức ảnh lịch sử do phóng viên chiến trường người Pháp Françoise Demulder chụp khi xe tăng 390 húc đổ cổng chính Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975.
"Lớp cha trước, lớp con sau..."
Năm 1995, vừa đủ tuổi, Nguyễn Văn Kết - con trai lớn của Nguyễn Văn Tập đi nghĩa vụ quân sự và được đưa đi học lái xe tăng. Thấy vậy, Tập phấn khởi lắm và động viên con cố gắng học tập, rèn luyện.
Anh dặn con: "Muốn điều khiển được xe tăng một cách thành thạo, điêu luyện thì không có cách nào ngoài chịu khó học tập, rèn luyện. Từ thời bố đã có câu Khổ luyện thành tài, chai tay lái giỏi rồi mà".
Vâng lời bố, và có lẽ cũng được khích lệ bởi niềm tự hào bởi người bố lái xe tăng nổi tiếng của mình, Nguyễn Văn Kết đã có kết quả học tập rất tốt và đã tốt nghiệp khóa đào tạo lái xe tại Trường Hạ sĩ quan xe tăng 2 (nay là Trường trung cấp kỹ thuật Tăng Thiết giáp) vào loại giỏi.
Khi biết con trai của Nguyễn Văn Tập đang học lái xe tăng, một người bạn cùng học lái tăng năm xưa với anh lúc đó làm chủ nhiệm một tổng kho lớn của Tổng cục kỹ thuật ở phía Nam có góp ý với anh: "Hãy cho cháu vào đây với tôi. Tôi sẽ thay ông rèn giũa nó".
Lo cho con phải xa gia đình nhưng nghe bạn phân tích thiệt hơn, Tập quyết định cho con vào trong đó.
Đây là thời gian có nhiều thay đổi về chế độ phục vụ của quân nhân. Các chiến sĩ được đào tạo thành viên trưởng xe, lái xe và pháo thủ xe tăng sau khi phục vụ hết thời gian làm nghĩa vụ quân sự sẽ được chuyển sang phục vụ theo chế độ quân nhân chuyên nghiệp và sẽ được hưởng lương cùng các chế độ khác theo quy định.
Và thế là Nguyễn Văn Kết đã trở thành một QNCN với chuyên môn là lái xe tăng.
Ông Nguyễn Văn Tập lái xe tăng 390 tại sân Dinh Thống Nhất. Ảnh: VOV.
Có một điều thú vị là khi nhà nước và quân đội có chủ trương trưng bày hai xe tăng 843 và 390 tại dinh Độc Lập (tức dinh Thống Nhất bây giờ) thì Tổng kho mà Kết đang phục vụ là đơn vị có nhiệm vụ chuẩn bị kỹ thuật cho 2 xe tăng này.
Và chính Nguyễn Văn Kết được vinh dự lái chiếc xe mang số hiệu 390 từ Tổng kho lên vị trí trưng bày tại dinh Độc Lập.
Hiện nay, Nguyễn Văn Kết đã là một đại úy lái xe tăng chuyên nghiệp nhưng khi hỏi: "Liệu tay nghề lái xe có bằng ông thượng sĩ Nguyễn Văn Tập năm xưa hay không?" thì cháu chỉ cười: "Ngày xưa đưa xe tăng vào đến đây, bố cháu đã trải qua hàng nghìn km đủ loại đường. Còn bọn cháu được lái ít lắm nên không biết thế nào?".
Con trai thứ hai của Nguyễn Văn Tập là cháu Nguyễn Văn Nghĩa cũng theo chân anh lên đường Nam tiến. Tuy nhiên, cháu không theo binh nghiệp mà làm công nhân một khu công nghiệp ở Đồng Nai. Hai vợ chồng tay lái già chỉ còn cô con gái út ở gần thường xuyên qua lại.
Dường như vùng đất phương Nam rất thích hợp với cha con nhà này thì phải. Cha đã nổi tiếng ở đây. Giờ tới lượt con lập nghiệp ở đây. Sau mấy năm phục vụ, Kết lấy vợ.
Được đơn vị chia cho mảnh đất, với sự hợp sức của gia đình, đồng đội cậu đã làm được cho mình một mái nhà và quan trọng hơn cả là đã sinh hạ cho ông bà Tập hai thằng cháu nội. Còn Nghĩa cũng đã có mái nhà riêng của mình và cho ông bà một cháu trai, một cháu gái.
Năm nay, Nguyễn Huy Hoàng - đích tôn của ông cựu tài xế xe tăng Nguyễn Văn Tập đã 14 tuổi. Không biết cái nghiệp cầm lái xe tăng có còn vận sang đời cháu nữa hay không?