Vào cuối thập niên 2000, tại Trung Quốc đã xuất hiện những nguyên mẫu của các hệ thống pháo tự hành bánh lốp có kết cấu tương tự như CAESAR 155 mm của Pháp. Một trong số đó được gọi tên là PCL-09 (năm chính thức vào biên chế là 2009), chúng đã được triển khai trên diện rộng ngay trong năm 2010 tại những cuộc tập trận bắn đạn thật quy mô lớn.
Pháo tự hành PCL-09 trang bị pháo chính cỡ nòng 122 mm (biến thể của khẩu PL-96 dựa trên thiết kế pháo D-30 122 mm của Liên Xô) với nòng dài gấp 38 lần đường kính (L/38), lắp trên khung gầm xe tải bánh lốp Shaanxi 6x6, tổng trọng lượng chiến đấu của hệ thống là 16,5 tấn, kíp chiến đấu bao gồm 5 người.
Hệ thống pháo binh PCL-09 cung cấp hỏa lực hỗ trợ gián tiếp một cách hiệu quả cho các đơn vị bộ binh, nó bắn đi những viên đạn trọng lượng 14 - 22 kg đi xa 18 - 27 km với độ chính xác cao. Thông qua thiết bị nạp đạn bán tự động mà PCL-09 đạt tốc độ bắn 6 - 8 phát/phút, nòng pháo có góc xoay ngang (phương vị) +60o, góc nâng hạ (góc tà) trong khoảng 3 - 70o.
Khung gầm xe việt dã lắp động cơ diesel tăng áp, cho tốc độ lớn nhất 85 km/h trên đường nhựa, tầm hoạt động 600 km, leo được dốc 60%, vượt vật cản thẳng đứng cao 0,6 m, băng qua hào rộng 1,2 m và lội nước sâu 1,2 m.
Pháo tự hành PCL-09 của Quân đội Trung Quốc nhả đạn trong một cuộc diễn tập
Bên cạnh việc bắn được tất cả các loại đạn 122 mm dùng trên khẩu D-30, Trung Quốc còn chế tạo nhiều loại đạn riêng cho PCL-09, ví dụ đạn tăng tầm lắp động cơ rocket hay đạn dẫn đường bằng laser dựa trên công nghệ đạn Kitolov của Nga.
Thời gian chuyển trạng thái từ hành quân sang sẵn sàng chiến đấu và bắn đi viên đạn đầu tiên của PCL-09 chỉ mất vỏn vẹn 1 phút, thời gian sau khi bắn hết loạt 6 phát và tiếp tục cơ động yêu cầu không quá 3 phút, khiến đối phương rất khó thực hiện các biện pháp đáp trả.
Hệ thống điều khiển hỏa lực của PCL-09 bao gồm máy tính đạn đạo, thiết bị định vị và ngắm bắn mục tiêu, nó còn nhận thông tin từ xe chỉ huy pháo binh thông qua tổ hợp quản lý chiến trường công nghệ số tiên tiến do Trung Quốc tự nghiên cứu chế tạo.
Mỗi khẩu đội PCL-09 bao gồm 6 xe mang pháo, biên chế 1 trung đoàn có thể được cấu thành bởi vài khẩu đội và 1 xe chỉ huy cấp tiểu đoàn, ngoài ra còn có 1 radar khí tượng, 1 radar trinh sát pháo binh hoặc các phương tiện hỗ trợ khác.
Trên nóc cabin xe tải việt dã mặc dù có thể lắp thêm một khẩu súng máy hạng nặng cho mục đích tự vệ nhưng cấu hình này không được Quân đội Trung Quốc áp dụng, có thể do cả kíp chiến đấu đều đã có súng trường tấn công của riêng mình.
Pháo tự hành CS/SH1 của Quân đội nhân dân Lào
Dựa trên tổ hợp PCL-09, Trung Quốc đã phát triển thêm vài biến thể như PLL-09 đặt trên khung xe thiết giáp bánh lốp ZDL-09 8x8, hay PLZ-07 sử dụng khung xe chiến đấu bộ binh bánh xích ZBD-04. Hai hệ thống trên có khả năng cơ động cao hơn để theo kịp đội hình xe tăng, thiết giáp và đặc biệt là còn bơi được trên mặt nước.
Biến thể xuất khẩu của PCL-09 mang tên định danh CS/SH1 đã cắt bớt đi những công nghệ độc quyền và bí mật của Trung Quốc, tổ hợp này nhận được sự quan tâm của nhiều quốc gia trong khu vực.
Đáng chú ý hơn, loại pháo tự hành này đã có mặt trong trang bị của Binh chủng pháo binh Quân đội nhân dân Lào, hiện chưa có thông tin cụ thể về số lượng cũng như thời gian họ tiếp nhận những hệ thống CS/SH1 trên.
Việc Quân đội Lào đưa vào biên chế nhiều vũ khí hiện đại có nguồn gốc Trung Quốc đã được dự báo từ năm 2015. Trong Lễ diễu binh, diễu hành chào mừng 40 năm Quốc khánh nước CHDCND Lào, lực lượng đặc biệt của bạn đã gây ngạc nhiên khi bước qua khán đài với súng carbine QBZ-97B trên tay, báo trước một sự thay đổi lớn trong tương lai.
Hình ảnh pháo tự hành CS/SH1 xuất hiện trong biên chế Quân đội nhân dân Lào