Tuyển chọn phi đội cho Federatsiya - "Con át chủ bài" trong hành trình khai phá Mặt Trăng đầu tiên của Nga
Ngày 15/3/2017, Cơ quan Vũ trụ Liên bang Nga Roscosmos chính thức công bố mở cuộc thi tuyển một đội ứng cử viên phi hành gia ưu tú làm việc trên con tàu vũ trụ Federatsiya với sứ mệnh khám phá Mặt Trăng lần đầu tiên của Nga.
"Cuộc thi tuyển sẽ diễn ra từ bây giờ đến hết năm 2017 để lựa chọn một đội gồm 6 đến 8 người trước khi tham gia huấn luyện bay.", Aleksandr Ivanov, Giám đốc điều hành của Roscosmos cho biết trong một cuộc họp báo.
Cũng trong khuôn khổ cuộc họp báo, người đứng đầu cơ quan vũ trụ Nga nói thêm rằng, cuộc thi tuyển đóng vai trò rất quan trọng trong sứ mệnh khám phá Mặt Trăng lần đầu tiên này của Nga. Nó là một phần trong Chương trình đào tạo phi hành gia tương lai (PPTS) của Nga.
Tàu vũ trụ thế hệ mới Federatsiya của Nga. Ảnh: Collectspace.com.
Đội phi hành gia sẽ là đại diện của thế hệ khám phá vũ trụ mới nhất của Nga trên con tàu Federatsiya, do đó, Roscosmos sẽ lựa chọn tỉ mỉ những ứng viên xuất sắc trong các lĩnh vực điều hành và công nghệ không gian.
Họ phải đáp ứng các yêu cầu cơ bản như sử dụng máy tính thành thạo, tiếng Anh lưu loát. Những người có kinh nghiệm trong ngành xây dựng máy bay và ngành công nghiệp tên lửa sẽ được ưu tiên.
Người đứng đầu Roscosmos tiết lộ, chương trình đào tạo sẽ cực kỳ khắc nghiệt. Tuy nhiên, người được chọn vào phi hành gia sẽ vô cùng xuất sắc.
Sau khi tìm được 6 đến 8 ứng cử viên, họ sẽ được huấn luyện bài bản trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS). Các ứng viên sẽ phải trải qua nhiều quá trình tuyển chọn, từ việc kiểm tra trình độ học vấn, trình độ chuyên môn đến tình trạng sức khỏe và các bài test tâm lý.
Dự kiến, chuyến bay thử nghiệm đầu tiên trên Roscosmos sẽ được thực hiện vào năm 2021.
Chuyến bay thử nghiệm đầu tiên trên Roscosmos sẽ được thực hiện vào năm 2021. Ảnh: Commons.wikimedia.org.
Cuộc đua chinh phục Mặt Trăng của Nga với Trung Quốc và Mỹ
Trong cuộc đua chinh phục Mặt Trăng với Mỹ, khi quốc gia này sản xuất liên tiếp các tên lửa vũ trụ năm 2016, thì đầu tháng 3/2017, Trung Quốc phát triển thế hệ tàu vũ trụ mới cải tiến hơn có khả năng bay trong vùng quỹ đạo tầm thấp của Trái Đất và hạ cánh tại Mặt Trăng.
Kỹ sư hàng không Trung Quốc Zhang Bainian phát biểu với tờ Science and Technology Daily (Trung Quốc) rằng, con tàu không gian mới này có nhiều cải tiến và có đủ không gian cho các phi hành gia sinh hoạt và làm việc thoải mái.
Dự kiến, con tàu sẽ chở người đến bề mặt Mặt Trăng vào năm 2036. Ngoài ra, Trung Quốc còn tham vọng khám phá sao Hỏa và sao Mộc vào năm 2020
Zhang Bainian không tiết lộ thêm chi tiết nào về con tàu mới nhưng lại đề cập nhiều đến con tàu vũ trụ Orion do Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ NASA phát triển.
NASA sản xuất liên tiếp các tên lửa vũ trụ năm 2016. Ảnh: Www.nasa.gov.
Theo đó, tàu vũ trụ Orion là dự án đưa người trở lại Mặt Trăng vào năm 2020. Không dừng ở đó, Orion còn có sứ mệnh chở người đến sao Hỏa và các hành tinh khác trong Hệ Mặt trời.
Như vậy, cả Trung Quốc và Mỹ đều có những dự án "dài hơi" trong công cuộc chinh phục Mặt Trăng.
Với việc mở rộng cuộc thi tuyển ứng cử viên xuất sắc cho đội phi hành gia làm việc trên con tàu Federatsiya, Nga chính thức khởi động cuộc đua lên Mặt Trăng với Trung Quốc và Mỹ.
Tìm hiểu chương trình đào tạo phi hành gia khắc nghiệt của NASA
NASA cho biết, tìm kiếm ứng cử viên cho đội phi hành gia không khác nào tìm kiếm kho báu. Một khi đã tìm được những viên ngọc thô, họ sẽ rèn giũa và đào tạo để các ứng viên đó xứng đáng trở thành những người thực hiện những sứ mệnh vũ trụ vĩ đại của không chỉ Mỹ và còn là đại diện của nhân loại.
Phi hành gia nói chung là những người thực hiện những sứ mệnh vũ trụ vĩ đại của không chỉ Mỹ và còn là đại diện của nhân loại. Ảnh: NASA.
Chính vì thế, chương trình đào tạo phi hành gia bay ra ngoài vũ trụ khó rất nhiều lần so với chương trình đào tạo lính hải quân.
Đầu tiên, ứng viên phải là những người thuộc quân đội. Về trình độ văn hóa phải có bằng đại học về Toán học, Vật lý hay Kỹ thuật.
Ngoài ra, về điều kiện sức khỏe phải có thị lực 10/10, huyết áp ổn định và từng trải qua ít nhất 1.000 giờ lái máy bay phản lực.
Sau vòng sơ tuyển, sẽ có 200 người được nhận. Họ bắt đầu tham gia khóa đào tạo khắc nghiệt kéo dài 2 năm do chính NASA xây dựng: Từ học lý thuyết về các hoạt động của tàu vũ trụ, phi thuyền và robot, các ứng viên sẽ thực hành các bài tập trên mô hình của các con tàu vũ trụ.
Họ sẽ phải trải qua các bài test xử lý các tình huống cấp bách và vượt qua mọi sự cố xấu nhất có thể xảy ra, trong đó có cả kỹ năng sống sót trong môi trường khắc nghiệt cao.
Các ứng viên còn được học bơi trong bộ đồ phi hành gia nhằm làm quen với sức nặng của bộ đồ phi hành. Ảnh: NASA.
Sau đó là hàng giờ luyện tập thể chất vô cùng khó khăn: Vì trong môi trường chân không, ứng viên phải đáp ứng được các yêu cầu về sức khỏe như "tải" được bộ đồ phi hành gia nặng nề, đi lại và làm việc trong môi trường không trọng lực. Mỗi ngày, họ phải luyện tập 40 lần như thế.
Ngoài ra, các ứng viên còn được học bơi trong bộ đồ phi hành gia nhằm làm quen với sức nặng của bộ đồ phi hành.
Sau 2 năm huấn luyện cả về thể chất, lý thuyết và tinh thần, các ứng cử viên xuất sắc NHẤT sẽ được giữ lại làm phi hành gia cho sứ mệnh không gian của NASA.
Tuy nhiên, trước khi thực sự bay vào vũ trụ, đội phi hành gia sẽ phải trải qua kỳ thi sát hạch tổng thể như THẬT với cường độ khủng khiếp hơn rất nhiều lần.
Bài viết sử dụng các nguồn: Dailymail, How stuff work