Nga vừa nổ súng "báo hiệu chiến tranh", Thổ Nhĩ Kỳ nên biết sợ từ đây?

Trương Mạnh Kiên |

Cuộc không kích của Nga ở Idlib là lời cảnh báo dành cho Thổ Nhĩ Kỳ với thông điệp rõ ràng: Sức mạnh quân sự của Moscow là không thể bàn cãi ở Syria.

Lời cảnh báo

Nhận định về động thái bất ngờ của Moscow ở Syria, các nhà phân tích cho rằng, cuộc không kích của Nga vào trại huấn luyện phiến quân ở tỉnh Idlib được coi là "phát súng cảnh cáo" đối với Thổ Nhĩ Kỳ về việc nước này vẫn tiếp tục làm ngơ với các nhóm cực đoan tại đây.

Theo Arab News, cuộc không kích hôm 26/10 - một trong những cuộc không kích quy mô nhất trong 9 năm xung đột ở Syria - đã khiến gần 80 chiến binh do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn ở trại phiến quân Faylaq Al-Sham - gần biên giới Syria với Thổ Nhĩ Kỳ - thiệt mạng.

Hiện tại, đã có nhiều tranh luận sôi nổi về thông điệp mà Moscow muốn gửi đến Ankara khi nhắm vào lực lượng ủy nhiệm chính của Thổ Nhĩ Kỳ tại quốc gia Trung Đông.

Idlib là tâm điểm bất đồng ngày càng gia tăng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga, khi Ankara tiếp tục ủng hộ lực lượng nổi dậy, trong khi Moscow ủng hộ cuộc tấn công của chính quyền Tổng thống Assad nhằm chiếm lại tỉnh này.

Các nhóm phiến quân tại đây đã giúp lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ đảm bảo an ninh tại các trạm quan sát trong các khu vực xung đột. Các nhóm chiến binh này cũng tạo thành nhóm vũ trang lớn nhất do Ankara hậu thuẫn.

Giới quan sát cho rằng, cuộc không kích sẽ khiến căng thẳng giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ leo thang.

Hai nước đã tạm dừng các cuộc tuần tra chung dọc theo đường cao tốc M4 chiến lược của Idlib bất chấp việc Thổ Nhĩ Kỳ đã có động thái chiều lòng Nga khi cho thử nghiệm hệ thống phòng không S-400, phớt lờ cảnh báo từ Washington.

Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng cường quân tiếp viện tại các chốt quân sự dọc theo đường M4 để củng cố vị thế của mình trong khu vực.

Theo Samuel Ramani, nhà phân tích Trung Đông tại Đại học Oxford, Nga ngày càng lo ngại rằng Thổ Nhĩ Kỳ có thể tăng cường hỗ trợ cho các nhóm và tổ chức nổi dậy mà Moscow coi là cực đoan.

Cuộc không kích mới nhất của Nga cho thấy, Moscow sẵn sàng có hình thức răn đe Thổ Nhĩ Kỳ nếu nước này tiếp tục ủng hộ các nhóm cực đoan.

Nga vừa nổ súng báo hiệu chiến tranh, Thổ Nhĩ Kỳ nên biết sợ từ đây? - Ảnh 2.

Nga vừa có cuộc không kích quy mô ở Idlib.

Nga "thay đổi quân bài", răn đe trên nhiều mặt trận

Tuy nhiên, theo Orwa Ajjoub, nhà nghiên cứu trực thuộc Trung tâm Nghiên cứu Trung Đông thuộc đại học Lund, Thụy Điển, cuộc không kích nhằm vào phiến quân do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn nên được coi là một phần trong cuộc xung đột trên quy mô rộng hơn giữa hai quốc gia.

"Ankara và Moscow đã ba lần thất bại trong việc duy trì lệnh ngừng bắn vĩnh viễn ở Nagorno-Karabakh, nơi hai bên đang ủng hộ các quốc gia đối lập là Azerbaijan và Armenia", ông nói với Arab News.

"Tại Libya, lệnh ngừng bắn vĩnh viễn do Liên Hợp Quốc làm trung gian giữa các lực lượng của tướng Khalifa Haftar được ủng hộ bởi UAE và Saudi Arabia, với một bên là Chính phủ Hiệp định Quốc gia do Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar hỗ trợ, cũng đã gặp phải sự hoài nghi và bất an kể từ đó", Ajjoub nói.

Hiện tại, bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa đưa ra bất kỳ tuyên bố nào về vụ tấn công của Nga ở Idlib.

Trong chuyến thăm Athens hồi đầu tuần, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã bình luận về mối quan hệ của hai nước rằng: "Chúng tôi có quan hệ tốt với Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng không phải là không có vấn đề".

Trong đánh giá của mình, chuyên gia Ajjoub tin rằng Nga đang hy vọng "thay đổi quân bài" ở Syria trong nỗ lực gây áp lực lên quan điểm của Thổ Nhĩ Kỳ đối với cả căng thẳng ở Nagorno-Karabakh và Libya.

"Quyết định của Nga khi tiến hành cuộc tấn công vào lực lượng do Ankara hậu thuẫn là nhằm thay đổi hiện trạng ở Idlib".

Kể từ khi lệnh ngừng bắn giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga được ký kết ngày 5/3, Idlib đã có được sự bình yên tương đối, nhưng sau đó đã có những báo cáo về các cuộc tấn công của chính quyền Syria.

Các cuộc tấn công này nhằm mục đích "vẽ lại bản đồ phía tây bắc Syria", chuyên gia Ajjoub nói thêm.

"Thổ Nhĩ Kỳ - vốn đã thể hiện sự linh hoạt bằng cách rút các lực lượng của mình khỏi đồn quân sự Morek - dường như không quan tâm đến việc nhượng bộ thêm cho Nga".

"Bằng cách thực hiện một cuộc tấn công quan trọng như vậy vào trụ sở của Faylaq Al-Sham, Nga đang nhắc nhở Thổ Nhĩ Kỳ rằng việc nước này đạt được lợi thế tương đối trong một cuộc xung đột đa diện, đặc biệt là ở Nagorno-Karabakh và Libya, có thể bị hủy hoại ở Syria, nơi sức mạnh quân sự của Moscow là không thể bàn cãi", chuyên gia Ajjoub đánh giá.

Sau cuộc không kích ở Idlib, một ngày sau đó, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Lavrov để bàn về nghị sự Syria.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại