Nga và Ukraine “ăn miếng trả miếng”, nguy cơ xung đột hạt nhân đang đến gần?

Hồng Anh |

Các cuộc tấn công trả đũa bằng tên lửa và UAV giữa Nga và Ukraine đã làm dấy lên lo ngại về nguy cơ xung đột hạt nhân. Tuần trước Nga đã sửa đổi học thuyết hạt nhân của nước này và sự thay đổi đáng chú ý là Nga có thể xem xét tấn công hạt nhân để đáp trả nếu một cuộc tấn công thông thường gây ra "mối đe dọa nghiêm trọng" đối với chủ quyền hoặc lãnh thổ của mình.

Nga và Ukraine “ăn miếng trả miếng”

Nga ngày 27/11 cáo buộc Ukraine tiếp tục tấn công lãnh thổ của nước này bằng tên lửa do Mỹ cung cấp, trong khi đó, Không quân Ukraine đưa tin Nga đã tiến hành một cuộc không kích dữ dội vào Ukraine đêm qua, triển khai gần 200 máy bay không người lái.

 - Ảnh 1.

Mỹ cho phép Ukraine tấn công Nga bằng tên lửa ATACMS. Nguồn: Getty

Đây là những cuộc tấn công mới nhất trong một loạt các cuộc tấn công đáp trả qua lại giữa hai nước thời gian gần đây. Sự leo thang căng thẳng này dường như đã chuyển trọng tâm xung đột từ giao tranh trên bộ sang giao tranh bằng tên lửa.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết, Ukraine đã sử dụng hơn 10 tên lửa do Mỹ cung cấp, có tên gọi Hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân hay (ATACMS), để tấn công lãnh thổ của nước này hai lần vào ngày 23 và 25/11.

Trước đó hôm 19/11, Ukraine lần đầu phóng tên lửa tầm xa ATACMS vào lãnh thổ Nga, sau khi truyền thông Mỹ nói rằng Washington đã bật đèn xanh cho Kiev làm điều này. Moscow đã trả đũa cuộc tấn công bằng cách bắn thử một tên lửa tầm trung có khả năng mang đầu đạn hạt nhân vào thành phố Dnipro của Ukraine.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết các cuộc tấn công mới nhất bằng tên lửa ATACMS của Ukraine đã thành công một phần, gây thiệt hại cho cơ sở hạ tầng quân sự và khiến một số binh sĩ ở khu vực phía tây Kursk bị thương. Đây là sự thừa nhận khá bất ngờ bởi trước đó Nga thường tuyên bố đánh chặn tất cả các tên lửa mà Kiev bắn vào nước này. Theo giới phân tích, Nga có thể viện dẫn hậu quả của các cuộc tấn công này để ra đòn đáp trả mạnh mẽ. Nga tuyên bố đang chuẩn bị "các hành động trả đũa" đối với những cuộc tấn công trên.

Việc Nga tiến hành các cuộc không kích trong nhiều tháng qua đã làm suy yếu hệ thống phòng không của Ukraine, tạo điều kiện cho máy bay không người lái xâm nhập vào các thành phố của Ukraine.

Hôm 26/11, Ukraine cáo buộc Nga đã phóng số lượng kỷ lục 188 UAV và 4 tên lửa Iskander-M tấn công nước này trong đêm. Không quân Ukraine cho biết đã bắn hạ 76 máy bay không người lái trong cuộc tấn công quy mô lớn này. Số còn lại hầu như đã biến mất khỏi màn hình radar. Không rõ có bao nhiêu máy bay không người lái trong số đó bị chặn bằng các phương tiện khác, chẳng hạn như gây nhiễu điện tử và có bao nhiêu UAV đã trúng mục tiêu.

Phía Ukraine cho biết, một số cơ sở hạ tầng quan trọng đã bị tấn công và các tòa nhà dân cư ở một số khu vực bị hư hại. Đáng chú ý, mạng lưới điện ở Ternopil, một thành phố ở phía tây Ukraine bị hư hại, gây ra tình trạng mất điện và mất nước.

Cảnh báo về xung đột hạt nhân

Các cuộc tấn công trả đũa bằng tên lửa và UAV giữa Nga và Ukraine đã làm dấy lên lo ngại về nguy cơ xung đột hạt nhân. Tuần trước Nga đã sửa đổi học thuyết hạt nhân của nước này và sự thay đổi đáng chú ý là Nga có thể xem xét tấn công hạt nhân để đáp trả nếu một cuộc tấn công thông thường gây ra "mối đe dọa nghiêm trọng" đối với chủ quyền hoặc lãnh thổ của mình.

Ông Tom Karako, Giám đốc dự án phòng thủ tên lửa tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế có trụ sở tại Washington, cho rằng Ukraine sẽ có lợi thế khi sử dụng tên lửa tầm xa nhắm vào lãnh thổ Nga, nơi Moscow từ lâu đã sử dụng làm căn cứ hậu phương để tiến hành các cuộc tấn công trên không và chuẩn bị các cuộc tấn công trên bộ. “Việc Ukraine tiếp tục tiến hành những cuộc tập kích bằng tên lửa tầm xa cho thấy họ liên tục phớt lờ cảnh báo của Nga”, nhà phân tích này lưu ý.

Nhiều chuyên gia quân sự cho rằng, không bên nào có đủ số lượng tên lửa để có thể thay đổi cục diện cuộc chiến. Nga hiện đang cố gắng chiếm ưu thế bằng cách tiến hành các cuộc tấn công không ngừng nghỉ ở miền đông Ukraine, đồng thời giành lại những vùng lãnh thổ mà Ukraine đã chiếm được ở Kursk.

Video về vụ tấn công ngày 25/11 được The New York Times xác minh cho thấy, một loạt vụ nổ đã xảy ra gần sân bay ở Kursk, cách biên giới Ukraine gần 100km. Các nhà phân tích cho biết những vụ nổ này đều giống nhau, cho thấy Kiev nhiều khả năng đã sử dụng tên lửa mang đầu đạn chùm.

Justin Bronk, nghiên cứu viên cao cấp về sức mạnh không quân và công nghệ tại Viện Quân chủng Thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI) ở London nhận định, tác động và phạm vi đặc biệt của cuộc tấn công chứng tỏ tên lửa ATACMS mang đầu đạn chùm và các quả đạn cùng lúc phát nổ khi trúng mục tiêu. Ông John Kirby, phát ngôn viên an ninh quốc gia tại Nhà Trắng, cũng xác nhận rằng Ukraine đã sử dụng tên lửa để tấn công mục tiêu bên trong nước Nga, trong đó có cả khu vực Kursk, nhưng không nêu rõ thời điểm cụ thể.

Hôm 26/11, các đại sứ của Ukraine và của các quốc gia thành viên NATO đã nhóm họp theo yêu cầu của Kiev để thảo luận về tình hình an ninh sau khi Nga sử dụng tên lửa tầm trung có khả năng mang đầu đạn hạt nhân bắn vào thành phố Dnipro, miền trung Ukraine. Cuộc tấn công gây ít thiệt hại, nhưng khiến Ukraine lo ngại vào thời điểm Moscow đang gia tăng cảnh báo về xung đột hạt nhân.

Các quan chức Ukraine đã nhiều lần hối thúc phương Tây cung cấp cho họ nhiều tên lửa phòng không hơn để có thể đối phó với Nga. Trong cuộc họp, đại sứ các nước NATO cho biết "liên minh đã tái khẳng định sự ủng hộ của họ đối với Ukraine". Tuyên bố này lặp lại lời khẳng định của người phát ngôn NATO, Farah Dakhlallah, cho rằng việc Nga sử dụng tên lửa tầm trung sẽ "không thể ngăn cản NATO ủng hộ Ukraine".

Giới phân tích cho rằng, cả tên lửa tầm xa do Mỹ cung cấp cho Ukraine cũng như tên lửa thử nghiệm mà Nga phóng đi đều không có đủ số lượng để tạo ra những tác động đáng tới cuộc xung đột. Nhưng Ukraine vẫn ở thế bất lợi đáng kể trên chiến trường, nơi lực lượng của họ đang dần rút lui trước các cuộc tấn công dữ dội của Nga.

Ngay cả khi được Mỹ cho phép tấn công Nga bằng tên lửa tầm xa, Ukraine vẫn không thể giành lợi thế nếu họ không giải quyết được vấn đề thiếu nhân lực trầm rọng, RUSI lưu ý. Cơ quan này cũng cảnh báo, nếu không có thêm binh sỹ, các vị trí của Ukraine sẽ sụp đổ nhanh hơn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại