Việc chiếc F-35A của Nhật Bản gặp nạn hôm 9-4 không đơn thuần là vụ rơi máy bay quân sự thông thường. Đây là dòng vũ khí hàng không hiện đại bậc nhất của Mỹ và đồng minh.
Kịch bản những mảnh vỡ của chiếc F-35 xấu số rơi vào tay các đối thủ như Nga và Trung Quốc đang khiến giới chuyên gia quân sự và giới chức quân sự Mỹ đau đầu.
Chuyên gia hàng không quân sự của Tạp chí The War Zone, Tyler Rogoway nhận định, việc chiếc F-35 gặp nạn và chiến dịch tìm kiếm xác máy bay có thể là khởi đầu cho cuộc chiến tranh gián điệp dưới lòng đại dương.
Những mảnh vỡ của chiếc máy bay xấu số chứa đựng nhiều thông tin tuyệt mật về dự án vũ khí trị giá tới hơn 1.500 tỷ USD của Mỹ và đồng minh. Chắc chắn các đối thủ của Mỹ và phương Tây sẽ không bỏ qua cơ hội này.
“Nếu có thể, Nga và Trung Quốc có thể mở rộng hầu bao để sở hữu những gì còn lại của chiếc F-35 mất tích”, chuyên gia quân sự Tom Moore đánh giá.
“Nếu có trong tay các mảnh vỡ, mức độ tái tạo lại nguyên bản chiếc F-35A phụ thuộc nhiều sự nguyên vẹn của máy bay sau khi lao xuống nước. Thông thường, kết cấu khung thân và vỏ máy bay sẽ bị biến dạng, thậm chí phá hủy sau khi máy bay rơi.
Chiến dịch tìm kiếm quy mô lớn chiếc F-35A mất tích đang được Nhật Bản, Mỹ và đồng minh triển khai.
Tuy nhiên, các hệ thống cảm biến, ra-đa có thể được phục hồi lại để nghiên cứu”, chuyên gia hàng không thuộc Học viện Hoàng gia Anh cho biết.
Về vấn đề này, cựu phi công quân sự thuộc lực lượng Không quân Italia, David Cenciotti cho rằng, việc lộ lọt thông tin về dòng máy bay thế hệ 5 của Mỹ và phương Tây sẽ phụ thuộc và chủng loại và số lượng mảnh vỡ thu thập được, cũng như sự nguyên vẹn của chiếc F-35 sau khi lao xuống biển.
Sau vụ việc chiếc F-35A của Nhật Bản gặp nạn, nhiều chuyên gia quân sự hoài nghi việc Mỹ và phương Tây tập trung quá nhiều nguồn lực vào một phương tiện chiến tranh hiện đại có phải là sai lầm.
Việc các thông tin và bí mật của máy bay F-35 rơi vào tay đối thủ, trong đó có Nga và Trung Quốc sẽ chỉ là vấn đề thời gian.
“Có lẽ tốt hơn hết là không nên dồn quá nhiều nguồn lực vào một hệ thống như vậy. Điều đó có quá nhiều rủi ro”, chuyên gia Patrick W. Watson đánh giá.
Rõ ràng, sự việc chiếc máy bay F-35A của Nhật Bản gặp nạn là một đòn đánh tiếp theo vào dự án quân sự nghìn tỷ đô này.
Sự việc này sẽ đặt ra hoài nghi: Liệu máy bay F-35 đã sẵn sàng để bay? Với số tiền khổng lồ đã bỏ ra việc nhồi nhét quá nhiều chức năng vào khung thân máy bay có phải là hướng phát triển công nghệ hợp lý?
Tuy nhiên, bài toán cần giải trước hết của Mỹ, Nhật Bản và đồng minh hiện tại là phải tìm cách thu thập các mảnh vỡ của chiếc F-35A xấu số càng sớm càng tốt, trước khi nó rơi vào tay các đối thủ…