Ngày 13/12, Chính phủ Nga đã bày tỏ quan ngại về việc Mỹ một ngày trước đó tiến hành phóng thử một tên lửa đạn đạo thông thường phóng từ mặt đất - động thái trước đây bị cấm theo Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF).
Phát biểu với báo giới, Cục trưởng Cục chống phổ biến và Kiểm soát vũ khí thuộc Bộ Ngoại giao Nga Vladimir Ermakov cho biết: "Vụ việc đó khiến chúng tôi lo ngại. Dĩ nhiên chúng tôi sẽ phải xem xét kỹ về vấn đề này."
Cũng ngày, hãng tin Sputnik dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh, nhấn mạnh vụ thử tên lửa đạn đạo mới đây của Mỹ là minh chứng cho thấy Washington đã chuẩn bị cho các vụ thử tên lửa bị cấm theo hiệp ước INF khá lâu trước khi chính thức rút khỏi thỏa thuận này.
Phát biểu trong cuộc họp báo, bà Hoa Xuân Oánh cho biết: "Từ ngày 2/8 vừa qua, khi Mỹ tuyên bố rút khỏi INF, Lầu Năm Góc đã tiến hành 2 vụ thử tên lửa phóng từ mặt đất.
Người đứng đầu Lầu Năm Góc Mark Esper hãnh diện nói rằng Mỹ đã bắt đầu chuẩn bị cho những vụ thử này vào tháng Hai năm nay.
Tôi muốn các bạn lưu ý rằng Mỹ chính thức tuyên bố rút khỏi INF vào ngày 2/8, nhưng ông Esper nói họ bắt đầu chuẩn bị cho những vụ thử này vào tháng 2.
Điều này một lần nữa chứng minh những phỏng đoán trước đó của chúng tôi rằng Mỹ đã có sự chuẩn bị trước khi rút khỏi INF".
Theo bà Hoa Xuân Oánh, quyết định của Mỹ rút khỏi INF được thúc đẩy chỉ bằng tham vọng của nước này muốn đảm bảo uy thế quân sự thông qua phát triển các công nghệ tên lửa tiên tiến.
Trước đó, trong ngày 12/12, Lầu Năm Góc thông báo cuộc thử nghiệm diễn ra từ Căn cứ Không quân Vandenberg tại bang California.
Đây là vụ thử tên lửa lần thứ hai gần đây của Lầu Năm Góc, vốn không được phép theo Hiệp ước INF.
Vụ thử tên lửa trên diễn ra trong bối cảnh Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov vừa thăm Washington và gặp Tổng thống Donald Trump cùng người đồng cấp Mike Pompeo.
Tại cuộc gặp, Ngoại trưởng Lavrov nhắc lại đề nghị của Nga về việc gia hạn Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START) giữa hai bên.
Về phần mình, Tổng thống Trump và Ngoại trưởng Pompeo nhấn mạnh sự cần thiết của một cuộc đối thoại chiến lược, trong đó bao gồm cả Trung Quốc.
Hiệp ước New START được Mỹ và Nga ký năm 2010, có hiệu lực vào ngày 5/2/2011.
Hiệp ước quy định mỗi bên cắt giảm kho vũ khí hạt nhân của mình để sau 7 năm và trong tương lai, tổng số lượng vũ khí không vượt quá 700 tên lửa đạn đạo liên lục địa, tên lửa đạn đạo bố trí trên tàu ngầm và máy bay ném bom hạng nặng, cũng như 1.550 đầu đạn và 800 bệ phóng đã được triển khai và chưa được triển khai.
Hiệp ước New START sẽ hết hạn vào năm 2021 và cho đến nay, triển vọng chính quyền Mỹ gia hạn hiệp ước này vẫn chưa rõ ràng, dù phía Nga coi New START là "hòn đá tảng đối với an ninh thế giới".