Nga và Trung Quốc bỏ xa Mỹ trong hiện đại hóa vũ khí hạt nhân

Hoàng Phạm |

Quan chức quân sự hàng đầu của Mỹ cảnh báo Nga và Trung Quốc đang hiện đại hóa vũ khí hạt nhân nhanh hơn Mỹ và nếu không đầu tư nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng và phòng thủ hạt nhân, Mỹ có thể sẽ bị “mất uy tín” trước các đối thủ.

Tên lửa của Nga trong một cuộc duyệt binh Ngày Chiến thắng. Ảnh: Getty

Tên lửa của Nga trong một cuộc duyệt binh Ngày Chiến thắng. Ảnh: Getty

Trong phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ ngày 20/4, Đô đốc Charles Richard, người đứng đầu Bộ chỉ huy chiến lược, phụ trách kho hạt nhân của Mỹ, nói rằng, Nga đang tích cực triển khai các hoạt động hiện đại hóa, phát triển năng lực hạt nhân thông thường và hiện đã hoàn thành khoảng 80%, trong khi Mỹ đang ở con số 0.

Theo ông Richard, Nga đang tích cực trong việc vận hành các thiết bị mới. “Sẽ dễ dàng hơn để mô tả những gì họ chưa hiện đại hóa, là không có gì cả, hơn là những gì họ đang hiện đại hóa, là hầu hết mọi thứ. Họ đang làm việc về thế hệ thứ 2 của tàu ngầm tên lửa đạn đạo mới. Họ có các ICBM nhiên liệu rắn cực kỳ ấn tượng. Họ đã nâng cấp máy bay ném bom và các vũ khí triển khai từ máy bay ném bom”, ông Richard nói.

Ông Richard cũng cảnh báo rằng, Trung Quốc đang hiện đại hóa năng lực hạt nhân một cách nhanh chóng, tới mức ông không thể trải qua 1 tuần mà không phát hiện được điều gì đó còn chưa biết về Trung Quốc.

Tại Bộ chỉ huy chiến lược Mỹ, bất cứ bản báo cáo nào về mối đe dọa tiềm tàng từ Trung Quốc hay về Trung Quốc nói chung mà chưa được cập nhật trong vòng tháng đều có thể “bị lỗi thời”.

Dù kho hạt nhân của Trung Quốc nhỏ hơn đáng kể so với Mỹ và Nga, nhưng nước này vẫn đang trải qua quá trình “mở rộng chưa từng thấy”. Khoảng 1 tuần trước, ông Richard nhận được các thông tin tình báo cho thấy, Trung Quốc đã có nhiều lò phản ứng hạt nhân hơn so với trước đây.

Theo Hiệp ước START, Nga và Mỹ bị hạn chế trong phạm vi 1.550 đầu đạn hạt nhân triển khai trên các tên lửa đạn đạo liên lục địa, tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm và các máy bay ném bom hạng nặng có trang bị vũ khí hạt nhân. Trong khi đó, theo ước tính của Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), Trung Quốc có 320 đầu đạn.

Chính quyền của Tổng thống Biden hiện đang tiến hành báo cáo tổng quan về tiềm lực hạt nhân của Mỹ, trong đó sẽ kiểm tra toàn bố số tiền đầu tư vào chương trình hiện đại hóa hạt nhân. Theo báo cáo từ Văn phòng Ngân sách Quốc hội tháng 10/2017, các chiến dịch, các hoạt động nâng cấp tạm thời và hiện đại hóa toàn bộ chương trình hạt nhân của Mỹ có thể tốn khoảng 1.200 tỷ USD./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại