Nga và Saudi Arabia ngày 1/12 đã nhất trí gia hạn sang năm 2019 thỏa thuận về quản lý thị trường dầu lửa, hay còn gọi là thỏa thuận OPEC+. Tuy nhiên, Moscow và Riyadh vẫn chưa nhất trí được về việc có thêm một đợt cắt giảm sản lượng nữa hay không.
Theo tin từ Bloomberg, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thông báo về việc gia hạn thỏa thuận trên sau một cuộc gặp vào ngày thứ Bảy giữa ông với thái tử Mohammed bin Salman của Saudi Arabia. Đây là cuộc gặp diễn ra bên lề kỳ họp thượng đỉnh G20 ở Buenos Aires, Argentina.
Động thái này mở ra khả năng đạt một thỏa thuận giảm sản lượng dầu tại cuộc họp giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đối tác tại Vienna, Áo vào tuần tới. Các quan chức OPEC nói rằng lãnh đạo Saudi Arabia và Nga đã đạt đồng thuận chính trị cho một thỏa thuận như vậy, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề phải cân nhắc, bao gồm mức sản lượng cắt giảm.
"Vẫn chưa có quyết định cuối cùng về mức cắt giảm, nhưng cùng với Saudi Arabia, chúng tôi sẽ đi đến quyết định", ông Putin nói với các nhà báo sau cuộc gặp với thái tử Mohammed. "Con số sẽ dựa trên sự đồng thuận. Chúng tôi đã nhất trí sẽ giám sát tình hình thị trường và có phản ứng nhanh chóng".
"Đây có thể là bước tiến quan trọng để OPEC và đối tác đi đến cắt giảm sản lượng", ông Derek Brower, Giám đốc công ty tư vấn RS Energy Group, nhận định. "Vấn đề hiện nay là sẽ cắt giảm bao nhiêu, từ khi nào, trong bao lâu, và quan trọng nhất là cắt giảm từ ngưỡng cơ sở nào".
Đầu tuần này, một ủy ban tư vấn của OPEC nói rằng thị trường dầu đang thừa cung, khuyến nghị OPEC và đối tác giảm sản lượng khoảng 1,3 triệu thùng/ngày từ mức khai thác của tháng 10.
Tháng 11 vừa qua, giá dầu WTI giao sau tại thị trường New York sụt 22%, đánh dấu tháng giảm mạnh nhất trong 10 năm, do nỗi lo cung dầu vượt nhu cầu tiêu thụ toàn cầu.
"Thị trường đang nghĩ rằng sẽ có một động thái giảm sản lượng dầu", ông Mike Wittner, trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường dầu lửa thuộc ngân hàng Societe Generale, nhận định. "Tuy nhiên, cũng có những ý kiến lo ngại rằng mức cắt giảm sẽ không đủ lớn và thông điệp gửi đi có thể mập mờ một cách có chủ đích, để tránh khiến Tổng thống Trump nổi giận".
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhiều lần cảnh báo Saudi Arabia rằng ông muốn giá dầu giảm. Ông từng tiết lộ rằng trong một cuộc điện đàm với thái tử Mohammed vào tháng 11, ông đã chỉ trích mạnh Saudi Arabia vì việc giá dầu Brent vượt mốc 80 USD/thùng.
Trước đợt giảm giá chóng mặt gần đây của dầu, Saudi Arabia đã có phản hồi tích cực đối với các đòi hỏi của ông Trump. Sản lượng dầu tháng 11 của nước này đạt mức kỷ lục trên 11 triệu thùng/ngày.
Đối với thái tử Mohammed, người điều hành công việc lãnh đạo hàng ngày của Saudi Arabia, cái khó hiện nay là làm thế nào để vừa không làm mếch lòng ông Trump, vừa có được mức giá dầu có thể cân bằng ngân sách của Riyadh.
Trong khi Saudi Arabia đối mặt sự chỉ trích mạnh mẽ của phương Tây sau vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi, ông Trump mới đây tuyên bố vẫn giữ vững quan hệ với Riyadh. Điều này có thể càng khiến thái tử Mohammed cảm thấy "mắc nợ" ông Trump.
Năm 2016, ông Putin và ông Mohammed đã chấm dứt quãng thời gian "kình địch" kéo dài nhiều năm giữa Nga và Saudi Arabia, hai nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới, bằng cách đi đến thỏa thuận OPEC+, một khối gồm OPEC và Nga, Mexico, Azerbaijan và Kazakhstan nhằm quản lý thị trường dầu hiệu quả hơn.