Tuần qua, Hội nghị thượng đỉnh Nga-Châu Phi đã diễn ra tại Sochi. Đây là hội nghị thượng đỉnh đầu tiên trong lịch sử quan hệ Nga - châu Phi với sự tham gia của tất cả 54 nước châu Phi, trong đó có 43 người đứng đầu nhà nước và chính phủ, 11 Phó Tổng thống, Bộ trưởng Ngoại giao và Đại sứ. Tổng thống Nga V. Putin và Tổng thống Ai Cập Abdel Fatah Al-Sisi, Chủ tịch Liên minh châu Phi đã chủ trì hội nghị.
Tầm quan trọng chiến lược của
Châu Phi gồm 54 quốc gia, diện tích khoảng 30.221.532 km2, chiếm 20,4% tổng diện tích trái đất, đứng thứ ba trên trên thế giới sau châu Á và châu Mỹ, dân số 1,2 tỷ người chiếm 16% dân số thế giới, đứng thứ hai sau châu Á.
Do châu Phi có vị trí địa chiến lược và phong phú về tài nguyên, trong lịch sử lục địa này luôn luôn là địa bàn cạnh tranh, xung đột gay gắt giữa các cường quốc như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc, Nga và một số quốc gia khác.
Châu Phi trong tính toán của các nước lớn là một kho dự trữ năng lượng và tài nguyên thiên nhiên khổng lồ. Các nhà quan sát cho rằng, châu Phi là lục địa của thiên niên kỷ thứ ba, là một trong những nơi giàu nhất thế giới về tài nguyên thiên nhiên và khoáng sản, nguyên liệu quan trọng trong các ngành công nghiệp chiến lược, đặc biệt là hạt nhân cho các nước lớn.
Châu Phi có trữ lượng dầu mỏ đã được phát hiện lên tới 124 tỷ thùng, chiếm khoảng 12% tổng trữ lượng dầu mỏ thế giới. Ngoài ra ước tính còn có 100 tỷ thùng trên thềm lục địa đang thăm dò.
Dầu mỏ của châu Phi tập trung nhiều nhất ở Nigeria, Algeria, Ai Cập, Angola, Libya, Sudan, Guinea Xích đạo, Congo, Gabon và Nam Phi. Khoảng 23% tổng sản lượng dầu của lục địa này được xuất sang Mỹ, 14% sang Trung Quốc, 8% sang Ấn Độ và 25% sang các nước Liên minh châu Âu (EU).
Sản lượng khí đốt tự nhiên của châu Phi chiếm 6,5% sản lượng thế giới, trong khi trữ lượng lên tới khoảng 500 ngàn tỷ mét khối, chiếm 10% tổng trữ lượng khí đốt trên toàn cầu.
Châu Phi còn có trữ lượng lớn uranium, nguyên tố chủ yếu trong ngành công nghiệp hạt nhân, chiếm 1/3 tổng trữ lượng của nguyên tố này trên thế giới.
Trong những năm qua châu Phi đã sản xuất khoảng 483 tấn vàng, chiếm 25% tổng sản lượng thế giới. Một nửa sản lượng vàng của lục địa này là ở Nam Phi, còn lại là ở các quốc gia khác như Ghana, Guinea, Mali và Tanzania. Trữ lượng vàng của lục địa này ước tính khoảng 50% tổng trữ lượng thế giới.
Châu Phi dẫn đầu thị trường kim cương toàn cầu, sản xuất 40% tổng số kim cương trên toàn thế giới. Châu Phi còn sản xuất 80% bạch kim, 27% coban, 9% sắt của thế giới.
Lục địa châu Phi có khí hậu nhiệt đới đa dạng, đất đai phì nhiêu và nguồn nước dồi dào, tiềm năng lớn để phát triển nông nghiệp. Gần hai phần ba dân số châu Phi làm nghề nông, đóng góp khoảng 20-60% tổng thu nhập quốc nội (GDP) của mỗi nước.
Sản phẩm nông nghiệp chính là dứa, cà phê, ca cao, hạt điều và cây cọ dầu để sản xuất dầu ăn. Các nước Bắc Phi nổi tiếng trồng ô liu, cam quýt, cà chua và các loại rau quả khác. Ngoài ra, châu Phi còn có nhiều khu rừng sản xuất gỗ với khối lượng lớn.
Mục tiêu của Nga sau khi trở lại Trung Đông
Trong thời kỳ chiến tranh lạnh, quan hệ của Liên Xô với Châu Phi rất mạnh mẽ và đa dạng dựa trên cơ sở ý thức hệ. Liên Xô đã dành cho các nước châu Phi sự giúp đỡ to lớn trong tất cả các lĩnh vực quân sự, chính trị, thương mại và văn hoá, ủng hộ các phong trào chống thực dân và chủ nghĩa đế quốc.
Sự sụp đổ của Liên Xô năm 1991 đã làm xói mòn ảnh hưởng của Nga ở châu Phi. Nga đã phải đóng cửa nhiều đại sứ quán, các trung tâm kinh tế và văn hoá, rút chuyên gia khỏi nhiều nước châu Phi, giảm cung cấp học bổng cho sinh viên các nước châu Phi sang đào tạo tại các trường đại học của Nga.
Binh lính Nga ở Syria. Ảnh AFP
Trong những năm gần đây, Nga đã thể hiện sự quan tâm ngày càng tăng đối với châu Phi. Việc Nga đưa quân sang Syria (2015), Tổng thống V. Putin thăm Ả Rập Saudi và các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất 14-16/10 vừa qua đã khẳng định sự trở lại mạnh mẽ của Nga tại Trung Đông.
Sau Trung Đông, Nga đang hướng tới châu Phi, một trong những khu vực ảnh hưởng truyền thống của Liên Xô trước đây, nơi đang có những khoảng trống quyền lực do Mỹ và phương Tây trong những năm gần đây tập trung chú ý vào những vấn đề khác của thế giới.
Hội nghị thượng đỉnh kéo dài hai ngày tại Sochi vừa qua được chuẩn bị kỹ từ 2018 là một nỗ lực để vực dậy các mối quan hệ trước đây của thời kỳ chiến tranh lạnh, khi các nước châu Phi liên minh với Moskva chống lại chính sách đô hộ thực dân của Mỹ và phương Tây.
Trả lời phỏng vấn hãng thông tấn TASS bên lề hội nghị, Tổng thống V. Putin gọi việc liên kết mạnh mẽ hơn với châu Phi là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Nga.
Ông Putin nói: "Nga sẵn sàng tham gia vào cuộc cạnh tranh hợp tác với châu Phi. Một số quốc gia phương Tây đang phải dùng đến áp lực, đe dọa và tống tiền, trong nỗ lực giành lại tầm ảnh hưởng và vị trí thống trị ở các thuộc địa cũ."
Mặc dù còn nhiều khó khăn trong nước, Nga đã xoá 80% nợ trị giá 20 tỷ USD cho các nước châu Phi và tiếp tục có kế hoạch cung cấp tài chính cho các quốc gia nghèo. Nga đã ký các hiệp định hợp tác quốc phòng với 15 quốc gia châu Phi.
Trong khi đó, tập đoàn năng lượng nguyên tử Rosatom đang thảo luận các hợp đồng hợp đồng xây dựng các nhà máy điện hạt nhân ở Uganda, Kenya, Nigeria và Zambia.
Nga trở lại châu Phi có phần muộn hơn so với Trung Quốc và các quốc gia khác như Thổ Nhĩ Kỳ và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống (UAE). Kim ngạch thương mại của Nga với châu Phi năm 2018 mới chỉ ở mức 20 tỷ USD, trong khi của Trung Quốc là 204 tỷ USD, của EU 334 tỷ USD và của Mỹ 60 tỷ USD.
Tuy nhiên, các nhà phân tích chính trị cho rằng sau hội nghị thượng định Nga - châu Phi quan hệ hợp tác của Moskva với lục địa đen sẽ tăng theo cấp số nhân.
Khởi đầu của một giai đoạn mới
Hội nghị thượng đỉnh Nga - châu Phi tại Sochi là sự kiện có ý nghĩa hết sức quan trọng đặt dấu mốc cho sự khôi phục vai trò và ảnh hưởng cường quốc của Nga, đồng thời củng cố sự hiện diện của Nga tại khu vực về chính trị, kinh tế, thương mại, đầu tư cũng như về quân sự.
Có thể nói ngay, tất cả 54 quốc gia châu Phi, trong đó 43 quốc gia tham gia ở cấp cao nhất, hơn sáu nghìn đại biểu, trong đó có 120 bộ trưởng đại diện cho 104 quốc gia từ khắp nơi trên thế giới đã tụ tập tại Sochi cho thấy tầm quan trọng và mối quan tâm to lớn của các nước châu Phi cũng như cộng đồng quốc tế tới quan hệ Nga - châu Phi.
Sự tham gia đông đảo của các nước châu phi và quốc tế tại hội nghị Sochi cho thấy chính sách của Mỹ và phương Tây nhằm cô lập nước Nga đã thất bại.
Hội nghị thượng đỉnh Sochi đánh dấu sự khởi đầu của một giai đoạn mới trong quan hệ giữa Nga và các quốc gia châu Phi. Tuyên bố cuối cùng của hội nghị đã đưa ra các mục tiêu nhằm tăng cường hợp tác trong tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, khoa học, kỹ thuật, giáo dục, văn hoá và quốc phòng.
Hơn 50 thỏa thuận hợp tác đã được ký kết trị giá hơn 12,5 tỷ USD. Ngoài ra, một Bản ghi nhớ về tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác đã được ký kết giữa Chính phủ Liên bang Nga và Liên minh châu Phi. Một Bản ghi nhớ khác cũng được ký kết giữa Ủy ban Kinh tế Á-Âu và Ủy ban Liên minh Châu Phi.
Phát biểu tại lễ bế mạc hội nghị, Tổng thống V. Putin gọi Hội nghị thượng đỉnh Nga-Châu Phi là một sự kiện chưa từng có, mở ra một trang mới cho sự hợp tác và quan hệ giữa Nga với các nước châu Phi.
Ông bày tỏ tin tưởng rằng kim ngạch thương mại giữa Nga và châu Phi sẽ tăng gấp đôi lên 40 tỷ USD trong vài năm tới. Hội nghị đã quyết định thành lập cơ chế đối thoại chung và Hội nghị thượng đỉnh sẽ được tổ chức ba năm một lần.
Việc thực hiện các thoả thuận hợp tác có thể sẽ còn nhiều vấn đề cụ thể phải giải quyết, nhưng Hội nghị thượng định Sochi đã khẳng định quyết tâm của Nga trở lại châu Phi.