Siêu tiêm kích F-21 được Mỹ chế tạo dành riêng cho Ấn Độ. Nguồn: people.com.cn.
Mỹ vừa “răn đe” trực tiếp đối với Ấn Độ trong các thương vụ hợp tác quốc phòng với Nga, ngược lại, Moscow liên tục đưa ra cam kết hấp dẫn với New Delhi.
Theo báo Times of India, ngày 3/2 triển lãm hàng không vũ trụ quốc tế Aero India 2021 đã khai mạc tại thành phố Bangalore và kéo dài đến ngày 5/2. Đại diện của Mỹ tuyên bố tại một cuộc họp báo rằng, Washington đề nghị Không quân Ấn Độ mua các máy bay chiến đấu của Mỹ, bao gồm F-18, F-15 và F-16 Fighting Falcon nâng cấp thành F-21.
Đại diện của Mỹ cho biết, có thể Mỹ sẽ sản xuất máy bay chiến đấu của Mỹ tại Ấn Độ trong khuôn khổ chương trình "Made in India". Đại diện Mỹ nêu rõ, Ấn Độ là đối tác quốc phòng quan trọng của Washington và hai bên sẽ tiếp tục hợp tác nhằm tăng cường an ninh ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
F-21 là thương vụ của Mỹ nhằm ngăn chặn Ấn Độ mua MiG-35 của Nga, giới quân sự Mỹ yêu cầu Không quân Ấn Độ hủy bỏ kế hoạch mua chiến đấu cơ Nga để đổi lấy việc Mỹ sẽ tăng cường thêm nguồn vốn đầu tư, đồng thời tỷ lệ nội địa hóa F-21 tại Ấn Độ cũng được tăng lên.
Trong trường hợp Ấn Độ vẫn quyết thực hiện vụ mua bán MiG-35, nước này sẽ phải đối mặt với loạt biện pháp trừng phạt của Mỹ theo Đạo luật chống các đối thủ của Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA).
Ngoài ra, người đại diện cũng cho biết, Washington biết về việc Ấn Độ mua hệ thống phòng không S-400 do Nga sản xuất và đã yêu cầu Ấn Độ từ bỏ thỏa thuận này, nhưng Mỹ sẽ đơn phương xem xét vấn đề này.
Liên quan tới thương vụ Ấn Độ đặt mua hệ thống phòng không S-400 của Nga và lô hàng có thể được bàn giao vào cuối năm nay, Đại biện lâm thời của Mỹ cho rằng có điều khoản miễn trừ các lệnh trừng phạt với các khách hàng mua vũ khí của Nga theo từng trường hợp nhưng không đảm bảo ngoại lệ này đã được trao cho Ấn Độ.
“Chúng tôi thúc giục tất cả các đồng minh và đối tác từ bỏ các giao dịch với Nga, vốn có nguy cơ chịu các lệnh trừng phạt theo Đạo luật Trừng phạt các đối thủ của Mỹ. Hiện tại, một số người đặt câu hỏi liệu một quốc gia có thể được xếp vào diện miễn trừ trừng phạt không? Sẽ không có”, Đại biện Mỹ tại Ấn Độ Don Heflin nói.
Thương vụ mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga được dự báo sẽ là một trong những thách thức trong quan hệ song phương Ấn – Mỹ thời gian tới. Mỹ đã từng kích hoạt các lệnh cấm vận nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ khi quốc gia này nhận lô hàng S-400 đầu tiên của Nga. Washington cũng đã loại Ankara khỏi Chương trình Máy bay Tiêm kích Hỗn hợp của Mỹ.
S-400 của Nga dự báo sẽ tiếp tục tạo ra sóng gió mới trong quan hệ Mỹ - Ấn. Nguồn: people.com.cn.
Về phía Nga, trang web chính thức của Tập đoàn Công nghệ Nhà nước Nga (Rostec) trước đó đã thông báo rằng, người đứng đầu hợp tác quốc tế và chính sách khu vực của tập đoàn Victor Kradov cho biết, hơn 70% vũ khí của Lực lượng vũ trang Ấn Độ là sản phẩm của Liên Xô.
Ngoài ra, trang bị của Nga chiếm 80% số máy bay chiến đấu của Ấn Độ, bao gồm Su-30MKI, tiêm kích đa năng MiG-29, trực thăng vận tải quân sự Mi-17... Kể từ khi Ấn Độ đề xuất kế hoạch "Made in India" năm 2014, Nga và Ấn Độ đã thực hiện hơn 200 dự án chung trong khuôn khổ này.
Đặc biệt, phát biểu bên lề Hội nghị quân sự và công nghiệp Nga - Ấn trong khuôn khổ triển lãm hàng không vũ trụ quốc tế Aero India 2021, Phó Giám đốc Cơ quan hợp tác kỹ thuật và quân sự Liên bang Nga Vladimir Drozhzhov khẳng định, Moscow và New Delhi sẽ tiếp tục phát triển hợp tác quân sự và kỹ thuật, bất chấp đại dịch COVID-19.
Ông Drozhzhov nêu rõ: “Các biện pháp hạn chế hiện nay mặc dù ảnh hưởng đến quá trình tương tác giữa chúng tôi, nhưng chúng tôi đang tìm cách khắc phục. Chúng tôi đang tổ chức các hội nghị trực tuyến, duy trì liên lạc và trao quyền cho các đại diện của chúng tôi ở Ấn Độ. Chúng tôi đang tìm kiếm những cách thức và hướng đi để đảm bảo rằng những hạn chế này không ảnh hưởng lớn đến quá trình tương tác giữa hai bên”.
Trưởng phái đoàn của Tập đoàn xuất khẩu vũ khí quốc gia Nga Rosoboronexport, ông Sergei Kornev cho hay, Moscow và New Delhi đang ở trong quá trình đàm phán về dự án hiện đại hóa máy bay chiến đấu đa năng Su-30MKI phục vụ trong Không quân Ấn Độ (IAF). Theo ông Kornev, phía Nga sẵn sàng cung cấp một gói nâng cấp hiện đại cho Ấn Độ.