Trước đây, những quy định trong MTCR đã ngăn cản Nga cung cấp các hệ thống cần thiết để tên lửa có thể vượt tầm bắn 292 km cho Tổ chức nghiên cứu và phát triển quốc phòng New Dehli.
Với việc Ấn Độ gia nhập MTCR, tên lửa BrahMos có thể được tăng tầm bắn lên gấp đôi, nghĩa là 600 km, điều này được nêu trong tuyên bố chung của Ủy ban liên chính phủ Ấn Độ - Nga về hợp tác quân sự - kỹ thuật lần thứ 16, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu và người đồng cấp Ấn Độ Manohar Parrikar.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng từng nói với các nhà báo rằng 2 quốc gia đã thống nhất để cải tiến tên lửa BrahMos các phiên bản phóng từ mặt đất, trên không và trên biển. Tên lửa này sẽ được tăng tầm bắn. Ngoài ra hai nước sẽ cùng phát triển máy bay chiến đấu thế hệ 5.
Hiện nay, Nga đang cung cấp 65% thiết bị chế tạo BrahMos, trong đó có radar tìm mục tiêu và động cơ phản lực.
Thỏa thuận về Chế độ Kiểm soát Công nghệ Tên lửa được các nước thành viên thông qua vào năm 1987 nhằm hạn chế phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt và tên lửa chuyên chở loại vũ khí này.
Với việc tham gia MTCR, Ấn Độ cũng có thể được xuất khẩu tên lửa hành trình siêu âm Brahmos, sản phẩm hợp tác sản xuất với Nga, trở thành quốc gia xuất khẩu vũ khí công nghệ cao.
Tuy nhiên, MTCR cũng yêu cầu Ấn Độ tuân thủ một vài quy định xuất khẩu vũ khí như không bán tên lửa có tầm bắn vượt quá 300 km.